Nghị lực từ đôi bàn chân

Thật bất ngờ, người “kéo” cánh cửa sắt đón tôi là một chàng sinh viên bị cụt mất hai cánh tay. Nhìn sự thành thạo của chàng trai khi đóng mạnh cánh cửa bằng vai, tôi chắc chắn Nghĩa đã làm việc này đến quen rồi…

Hiện là sinh viên năm 2 khoa Công nghệ thông tin, ĐH Mở TPHCM, Nguyễn Xuân Nghĩa từng đạt danh hiệu "Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2007", danh hiệu "Con thương binh tiêu biểu cấp toàn quốc 2007", "Thanh niên tiêu biểu quận 8 năm 2006"…

Thăng bằng từ đôi chân…

Sinh ra, Nghĩa đã mất hai cánh tay. Lúc đó, ai cũng nghĩ Nghĩa sẽ “không đi, không đứng, không ngồi, chỉ biết nằm thôi”. Quả thật, lúc ấy, mọi người dù yêu thương cậu bé vô ngần cũng không thể không nản lòng khi nghĩ về khả năng giữ thăng bằng của Nghĩa. Nhất là khi khuyết đi một phần thân thể, người ta phải thật nỗ lực nếu muốn giữ được thế thăng bằng trong tâm hồn.

Đến tuổi, Nghĩa chập chững tập đi theo đúng bản năng của một đứa trẻ. Còn đôi chân, còn đi. Phải gần ba tuổi, cậu bé mới có thể tự bước đi những bước chân đầu đời. Nghĩa không kể thêm nữa, chỉ cười cười: “Vấp ngã mãi rồi cũng đứng dậy đi được thôi”.

Từ khi có thể tự đi, cuộc sống trong tâm hồn thơ bé của Nghĩa cũng bắt đầu được nới rộng thêm ra… Đi học, ai cũng nghĩ Nghĩa “liều”. Ban đầu là những nét nguệch ngoạc viết từ viên phấn kẹp vào giữa hai ngón chân. Viết bằng tay đã khó, bằng chân lại càng khó hơn. Nhiều hôm mỏi chân, mỏi lưng mà chữ vẫn chưa tròn trịa được, cậu bé cũng nản lòng.

Sau này, Nghĩa được cô Thúy Hà (cô giáo chủ nhiệm) hướng dẫn gò từng nét chữ. Nghĩa kể: “Cô Thúy Hà khó lắm. Viết tập mà dơ, xấu là cô… ký đầu bắt viết lại phát ớn luôn. Nhiều lúc tập viết căng thẳng quá, em thấy sợ và… ghét cô. Giờ nghĩ lại mới thấy quý và biết ơn cô. Chính nhờ sự nghiêm khắc đó mà giờ em không chỉ viết thạo mà còn làm được nhiều thứ nữa”.

Năm lớp 1, Nghĩa học ở trường dành cho trẻ em khuyết tật. Sau một năm học, thấy Nghĩa học “lanh” quá thầy cô xin chuyển cậu qua trường bình thường. Khó khăn nhất là mỗi lần chuyển cấp. Có nơi, Nghĩa phải học thử một tuần, nếu học được thì mới được tiếp tục học lâu dài. Và thành tích 12 năm đạt học lực khá giỏi là thể hiện những nỗ lực của Nghĩa.

Để có thể theo học khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Mở bán công TPHCM cũng là một cố gắng lớn từ bản thân Nghĩa. Học sử dụng bàn phím, máy tính bằng chân cũng khó không kém lần Nghĩa tập đi, tập viết. Giờ, ngoài học chính, Nghĩa còn làm thêm công việc quản lý nội dung cho trang web tại Trung tâm Đào tạo bác sĩ máy tính ISPACE (quận 5, TPHCM).

Nghĩa thương mẹ, không chỉ công lao sinh thành, dưỡng nuôi, mà mười mấy năm trời, mẹ tần tảo đưa Nghĩa đến trường, dù xa - gần, mưa - nắng… Chính vì vậy mà những lúc gặp khó khăn muốn “ngã” rồi, nghĩ đến công lao yêu thương của mẹ, Nghĩa không “buông”.

Thiếu đôi tay, không phải làm cái gì cũng thành công liền dù quyết tâm đấy. Lúc thấy nản lòng hay “đuối’’ quá, Nghĩa nghĩ nhiều đến các em còn khuyết tật hơn mình phải nằm một chỗ. Từ đó Nghĩa giục lòng mình phấn đấu hơn. Chính điều này Nghĩa cũng học được từ mẹ. “Trong cuộc sống đôi khi đừng chỉ mải miết nhìn lên mà toàn thấy những người hơn mình. Đôi khi nhìn xuống cũng là cần thiết để thấy mình còn may mắn hơn nhiều số phận khác”.

Nối những bờ yêu thương…

Nghĩa lên bốn tuổi, người cha thương binh hạng 4/4 qua đời. Cuộc sống gia đình bốn mẹ con không chỉ thêm phần khó khăn mà từ tuổi ấy, Nghĩa khuyết đi một chỗ dựa tình cảm lớn. Có lẽ vậy nên Nghĩa thấm thía, tình cảm yêu thương quan trọng với con người ta đến chừng nào. Căn gác nhỏ nơi Nghĩa đón tôi chỉ cần tôi rướn cao thêm vài xen-ti-mét là đủ chạm đầu vào la-phông rồi.

Trong câu chuyện với tôi, Nghĩa nói nhiều về “các em”. Đó là những trẻ em khuyết tật ở các mái ấm (Mái ấm Nhật Hồng - quận Bình Thạnh, Mái ấm Hy Vọng - quận 1…) nơi đội công tác xã hội Nghĩa thường hay lui tới.

Đảm trách nhiệm vụ đội trưởng đội công tác xã hội của trường, của phường khiến Nghĩa nhiều lúc bận túi bụi. Ở lớp, Nghĩa lập một ống heo để mỗi ngày các thành viên bỏ vào đó 500-1.000 đồng trích từ tiền ăn sáng làm quỹ hoạt động mỗi lần đến với các em. Mới đầu, nhiều bạn không thông cảm, cứ la “trời ơi”, nhưng sau hiểu rồi lại tham gia rất nhiệt tình. Hoạt động này vẫn được duy trì cho đến tận bây giờ.

Tham gia công tác xã hội giúp Nghĩa mở rộng lòng ra rất nhiều, từ suy nghĩ rồi cả trái tim… Người để lại dấu ấn sâu đậm trong Nghĩa là Lê Thanh Thúy (Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM, hết lòng vì hoạt động tình nguyện) bởi cô có cách sống lạc quan, chân tình.

Nghĩa tâm sự, trong cuộc sống của Nghĩa trước giờ có sự cảm thông, động viên từ rất nhiều người. Nếu thiếu vắng những tình cảm ưu ái đó, không biết Nghĩa có được như bây giờ không. Chính lẽ đó thúc giục Nghĩa cố gắng góp một chút công sức dù nhỏ bé cho cộng đồng. Cũng như phương châm hành động mà Nghĩa tâm đắc: “Hãy lấy nụ cười người khác làm nụ cười của chính mình”.

Theo Mê Tâm
Giáo dục TPHCM