Nghị lực vươn lên của cô học trò nhỏ

(Dân trí) - Ngồi trước mặt tôi là một cô gái đã ở tuổi 18, nhưng Nguyễn Thị Tình quắt lại như một em bé mới lên 10. Căn bệnh quái ác khiến cho các khớp xương của em to dần, đau đớn, lưng còng xuống. Dù không còn đi lại được trên chính đôi chân của mình, nhưng trong em, niềm hi vọng về một tương lai tốt đẹp chưa bao giờ tắt…

Theo chân thầy Lê Xuân Thạnh - Hiệu trưởng trường THPT Đăk Hà (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) chúng tôi vượt quãng đường dài trên 10km để đến Xóm 1, khối phố 9, thị trấn Đăk Hà, nơi có cô bé tật nguyền nhưng giàu nghị lực vượt khó Nguyễn Thị Tình…

 

Từ một buổi chiều định mệnh

 

Mẹ em, bà Nguyễn Thị Tho (53 tuổi) kể lại trong làn nước mắt dàn dụa. Ấy là vào một buổi chiều mùa mưa tầm tã của đất trời Tây Nguyên năm 1995, cô bé Tình 6 tuổi đang một mình chơi trước sân nhà bỗng thấy bàn tay tê cứng, mặc dù em rất cố gắng cử động nhưng các ngón tay đã không theo sự điều khiển của trí não. Hoảng sợ, em chạy vào nhà ùa vào lòng mẹ và…khóc. Kể từ đó, các đốt khớp xương tay, xương chân của em cứ to dần rồi lan rộng ra ở các đốt khớp xương khác trên toàn thân khiến Tình ngày càng đau đớn, đi lại làm việc khó khăn.

 

Năm 2000, gia đình vay mượn ít tiền đưa em ra Hà Nội chữa trị hơn 2 tháng, nhưng cuối cùng phải quay trở về do hết tiền, với kết luận của bác sỹ: em bị khớp lớn trước tuổi! Từ đó, Tình ngày càng quắt người lại, lưng còng xuống và…gần 7 năm nay em đã không thể đi lại trên chính đôi chân của mình nữa!

 

Nghị lực vươn lên của cô học trò nhỏ - 1

Mọi sự di chuyển của Tình đều cần phải có người giúp đỡ.

 

Nghị lực vươn lên

 

Từ trường THPT Đăk Hà đến nhà của Tình, đồng hồ công-tơ-mét chỉ 10km có dư. Bố mẹ Tình quê tận Vũ Thư-Thái Bình dắt díu nhau vào Kon Tum lập nghiệp từ năm 1987. Khó khăn chồng chất khó khăn, nhất là sau khi em Tình ngã bệnh. Ông Nguyễn Quang Thăng (52 tuổi) bố của em Tình nói: “Con bé tật nguyền nhưng ham học quá nên nhiều lúc muốn cho con nghỉ học lại không nỡ”.

 

Địa chỉ giúp đỡ em Tình: Ông Nguyễn Quang Thăng, Xóm 1, khối phố 9, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum.

Gần 7 năm ròng, trời nắng cũng như mưa, ông ngày 2 buổi đèo con vượt hơn 10km để đến trường bằng xe đạp. Buổi trưa, Tình phải ở lại trường và ăn cơm nắm mẹ chuẩn bị cho từ sáng trước khi đi học. Thầy Hiệu trưởng Lê Xuân Thạnh nói, vì lớp học của Tình ở tầng 3 nên việc lên xuống cầu thang đều trông nhờ vào các bạn nam cõng.

 

Tình cười hồn nhiên: Lớp cháu có 11 anh con trai đều thay phiên nhau cõng. Thương nhất là lúc trưa chỉ một mình, Tình phải lết trên đôi chân tật nguyền từng bậc thang một để đi vệ sinh. Khi được hỏi, khó khăn nào lớn nhất trong việc học, Tình trả lời: Hai bàn tay của cháu càng ngày mất cảm giác dần, có lúc cầm bút rơi lúc nào không biết. Thế nhưng Tình lại là học sinh giỏi liên tục qua các năm.

 

Thầy Lê Xuân Thạnh xác nhận: em Tình hồi ở cấp 2 học rất tốt, lên cấp 3 em luôn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, chúng tôi chỉ sợ trong năm cuối cấp này đôi tay của em tê liệt nặng sẽ khó khăn trong mùa thi cử sắp tới.

 

Năm 2005, Tình là một trong số ít học sinh ở Kon Tum được nhận học bổng "Vì ngày mai phát triển" với số tiền 1 triệu đồng. Số tiền này, theo mẹ của Tình nói, "để thêm vào nhờ thầy giáo trên phố huyện mua cái máy vi tính cũ cho Tình học". Còn Tình tâm sự: Cháu cố gắng tốt nghiệp xong sẽ theo một lớp tin học, để sau này nếu có điều kiện sẽ mở tiệm internet công cộng nuôi thân!   

 

Thay cho lời kết

 

Khi tiễn chúng tôi ra ngõ, bà Tho nói trong nước mắt: Do gia đình khó khăn quá nên chúng tôi đành phải ngưng không cho cháu tiếp tục uống thuốc nữa. Bác sĩ bảo nếu uống thuốc thì sẽ làm chậm sự phát triển của bệnh. Nhìn cô bé Tình với đôi mắt sáng, vầng trán cao thông minh đang ngồi trên xe lăn, quả thật chúng tôi cũng cảm thấy thương em quá đỗi.

 

Không dám hứa điều gì với ông bà Tho, nhưng chúng tôi nhủ thầm, qua bài báo này mong nhận được nhiều tấm lòng hảo tâm đến với em Tình, để em có đủ nghị lực đi đến cùng cái đích mà em đã chọn. 

Bài và ảnh Đại Hoà