“Nghị sĩ” sinh viên đề xuất đổi mới chương trình và SGK phổ thông

(Dân trí) - Vào vai nghị sĩ, các bạn sinh viên thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của chương trình SGK hiện hành như: chưa xác định cụ thể năng lực cần đạt của học sinh ở từng cấp lớp, chỉ có một bộ SGK duy nhất dẫn đến hạn chế khả năng lựa chọn của học sinh…

Ngày 23/4, Phiên họp toàn thể - hoạt động cuối cùng của Diễn đàn Mô phỏng Nghị Viện Trẻ do nhóm Mô phỏng Nghị viện trẻ (Viet Nam Youth Parliament - VNYP) và Đại học Luật Hà Nội tổ chức diễn ra tại Hà Nội. Tại đây, 8 nhóm sinh viên đóng vai 8 Ủy ban và tiến hành trình bày, chất vấn và trả lời chất vấn về các lĩnh vực quan trọng của đất nước gồm: kinh tế, giáo dục, y tế, luật pháp, đối ngoại, môi trường, khoa học – công nghệ và văn hóa.

Các nghị sĩ trẻ thuộc Ủy ban Giáo dục mang đến phiên họp chủ đề đang “nóng hổi” hiện nay: “Đổi mới chương trình và SGK phổ thông: Những vấn đề chính sách liên quan”.


Đại diện Ủy ban Giáo dục của Nghị viện trẻ trình bày đề án đổi mới chương trình SGK phổ thông.

Đại diện Ủy ban Giáo dục của Nghị viện trẻ trình bày đề án đổi mới chương trình SGK phổ thông.

“Vụ bỏng ở trường Phan Đình Phùng: minh chứng kỹ năng thực hành kém”

Đánh giá thực trạng chương trình SGK hiện tại, Ủy ban Giáo dục cho rằng, sau 3 lần cải cách giáo dục (từ sau kháng chiến chống Pháp) và một lần đổi mới (2002), bộ SGK hiện hành đã thể hiện những ưu điểm nổi trội và có tính lịch sử song cũng có những hạn chế bất cập.

Đáng nói, học sinh Việt Nam có thể rất tự tin trong tình huống: giải phương trình – tức lý thuyết thuần túy (89,28%), tính giá tiền của tivi sau khi giảm (82,11%) nhưng lại tỏ ra bối rối, kém tự tin khi tính mức tiêu thụ xăng của xe hơi (chỉ 41,66% có tự tin), tính khoảng cách thực tế dựa trên tỉ lệ của bản đồ (chỉ 46,31%)…

Dẫn báo cáo của PISA 2012 về “Sự tự tin của học sinh Việt Nam trong việc sử dụng kiến thức Toán”, nhóm bạn trẻ đưa đến nhận định, một lỗ hổng lớn của chương trình giáo dục hiện tại là chưa cung cấp tư duy áp dụng giải quyết các bài toán cuộc sống cho học sinh.

“Sự việc học sinh bị bỏng xảy ra ở trường THPT Phan Đình Phùng cũng là một minh chứng cho sự yếu kém trong kĩ năng thực hành của học sinh. Về phía em học sinh bị bỏng, nếu biết những kĩ năng sơ cứu tối thiểu, chắc chắn em học sinh đó sẽ không chạy ngay ra cửa sổ để dẫn đến tình trạng bỏng nặng toàn thân như vậy. Về phía các bạn khác, nếu được trang bị đầy đủ những kĩ năng thực hành hoá học và kĩ năng xử lý an toàn trong phòng thí nghiệm, vụ việc đáng tiếc đã không xảy ra”, “Nghị sĩ” Trần Khánh Vinh, đại diện Ủy ban Giáo dục trình bày.

Bên cạnh đó, chương trình hiện hành cũng chưa chuẩn bị được cho học sinh nền tảng năng lực cơ bản (tư duy phản biện, sự sáng tạo, năng lực giao tiếp và khả năng làm việc nhóm) để bước vào thời kỳ hội nhập.

Khi thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, 65% học sinh tiểu học hiện nay sẽ làm việc trong các loại hình công việc mới chưa từng xuất hiện (Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới). Chính vì vậy, Ủy ban Giáo dục đề xuất chương trình phổ thông mới thiết kế theo 3 giai đoạn chuẩn bị cho học sinh những nền tảng năng lực cần thiết đáp ứng thời cuộc.

Theo đó, giáo dục chú trọng vào phát triển thể chất và nhân cách trong 5 năm đầu tiên, giáo dục nền tảng kiến thức cơ bản trong 4 năm tiếp thep và giáo dục kiến thức kết hợp định hướng nghề nghiệp 3 năm ở THPT.


Các nghị sĩ trẻ của VNYP được thực hành công việc của một người đại biểu nhân dân ở nghị trường.

Các nghị sĩ trẻ của VNYP được thực hành công việc của một người đại biểu nhân dân ở nghị trường.

Bỏ “độc quyền” SGK

Đồng thời, Ủy ban Giáo dục đề xuất thực hiện một chương trình – nhiều bộ SGK để giúp các địa phương, nhà trường lựa chọn bộ sách phù hợp nhất với điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ phát triển và năng lực giáo viên – học sinh.

Phản biện đề án đổi mới của Ủy ban Giáo dục, Ủy ban Pháp luật đặt câu hỏi “Tại sao lại chủ trương xã hội hóa và thương mại hóa trong đổi mới SGK?”

Đại diện Ủy ban Giáo dục trả lời: “Việc SGK không còn là độc quyền của nhà xuất bản thuộc nhà nước sẽ giúp các đơn vị có nhu cầu được thể hiện năng lực. Thêm nữa, nhiều nhà xuất bản cùng tham gia biên soạn sẽ tăng tính cạnh tranh, từ đó tăng chất lượng sách đồng thời mang lại doanh thu cho nhiều đơn vị”.

“Một chương trình và nhiều bộ sách giáo khoa liệu có gây khó khăn trong kiểm tra và đánh giá không?”, đại diện Ủy ban Văn hóa đặt câu hỏi.

Ủy ban Giáo dục khẳng định là không và đặc biệt nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT tạo còn thống nhất cách thức đánh giá dựa trên những mục tiêu về năng lực nên dù dùng sách nào thì cách đánh giá cũng được thống nhất.

GS. Nguyễn Lân Dũng đánh giá rất cao sự nhiệt tình và trí tuệ của các “nghị sĩ” sinh viên. Ông bày tỏ phấn khởi vì chương trình đã minh chứng rằng, thế hệ trẻ không hề bàng quan trước những vấn đề hệ trọng của đất nước.

“Họ tự nguyện tham gia vào sự nghiệp rất lớn hướng đến tương lai. Tôi nghĩ Quốc hội thời gian sau sẽ có sự góp mặt của các bạn, những người có trí tuệ, năng lực và nhiệt tình với đất nước.

Về lĩnh vực Giáo dục, các bạn trẻ đã đề cập được ý kiến của những người đang học, đã học và ý kiến đó cần được những người có trách nhiệm quan tâm”, GS Nguyễn Lân Dũng đánh giá.

Lệ Thu