Từ ý kiến của ông Lý Quang Diệu:

Nghĩ thêm cho giáo dục Việt Nam

(Dân trí) - Trong cả <a href="http://dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2007/1/162802.vip">4 ý tưởng</a> của ông Lý Quang Diệu, nguyên Thủ tướng Singapore dành để tặng cho giáo dục Việt Nam bao gồm: Giữ nhân tài, phổ cấp tiếng Anh, số lượng đào tạo cần thiết trong giáo dục và nuôi dưỡng tham vọng cho những người trẻ tuổi, thì dường như ý tưởng nào cũng mang lại sự bỡ ngỡ….

Trước câu hỏi của một nghiên cứu sinh về việc Bộ GD-ĐT cũng như Nhà nước làm gì để thuyết phục những người giỏi đang học tập ở nước ngoài trở về nước, Bộ trường Nguyễn Thiện Nhân đã trả lời: “Tôi nghĩ, không nên dùng từ thuyết phục. Các anh chị là con của đất mẹ Việt Nam. Mẹ nuôi lớn lên, không thể hỏi mẹ đã chuẩn bị nơi trở về, chuẩn bị cho ăn thế nào thì con mới về. Nếu là con, lúc nào cũng về góp phần với mẹ xây dựng quê hương”.

 

Về “tình”, đó là điều không thể bắt bẻ được. Nhưng thực tế, nếu Bộ GD-ĐT chưa có một chính sách cụ thể để đãi ngộ, thu hút và “giữ chân” nhân tài,  nếu tất cả mới đều chỉ là những lời kêu gọi từ trái tim đến trái tim thì trước sức ép cuộc sống, sẽ có bao nhiêu người có thể hành động theo lời kêu gọi của con tim?

 

Về việc đưa tiếng Anh vào trong các trường phổ thông, trong vòng 5 năm qua, điều này đã được bàn thảo rất nhiều, nhưng một chiến lược thực sự cho việc đào tạo ngôn ngữ này một cách có hiệu quả nhất chưa đến giờ vẫn còn chưa thành hình rõ rệt. Việc học tiếng Anh chủ yếu cũng dưới hình thức tự phát là chính. Các bậc cha mẹ  thì tự thúc giục con mình, sinh viên thì tự thúc sinh viên đi học tiếng Anh. Các trung tâm Anh ngữ mọc lên như nấm sau mưa nhưng hầu  như trình độ tiếng Anh của người Việt vẫn chỉ nói được với những người... Việt liệu có phải là hệ lụy của tình trạng này?

 

Mặc dù ý tưởng của Bộ trưởng Nhân rất gần với ý tưởng của nguyên thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu khi ông Nhân bộc bạch rằng: “Khi nhận trách nhiệm ở Bộ, chúng tôi nhận trách nhiệm làm thế nào để phát triển nhanh về kinh tế thông qua phát triển nguồn nhân lực mà giáo dục đào tạo có vai trò then chốt”.

 

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT đã luôn phải đối đầu với câu hỏi làm thế nào để phát triển  được giáo dục trong điều kiện thiếu tiền?

 

Dựa vào ngân sách giáo dục thì có lẽ không khả thi, vì tiền rất hạn chế. Ngân sách cho giáo dục đều đã tăng đều hàng năm như năm 2007 đã tăng 21% so với năm 2006 với tổng số chi ngân sách dành cho giáo dục lên tới gần  68 nghìn tỷ đồng. Nhưng tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống vậy!

 

Theo bộ trường Nhân: “Khi đi thăm trường ĐH Rice (Mỹ), có một số liệu mà chúng tôi thấy cũng đáng để suy nghĩ. Trường này có khoảng 500 giảng viên, nhưng riêng cán bộ không phải giảng viên, làm công tác vận động tài trợ lên tới 100 người.

 

Như vậy, muốn thu hút tài trợ cũng phải chuyên nghiệp, chứ không phải hiệu trưởng, hiệu phó thỉnh thoảng đến hội nghị rồi kêu gọi và đi về. Ta phải suy nghĩ, muốn trường thu hút tài trợ, chương trình có người theo dõi, chuyên trách, tổ chức sự kiện. Vấn đề này rất đáng tham khảo học tập.

 

Ở nước họ, quốc gia không tôn vinh, nhưng chính các trường lại tôn vinh những nhà hảo tâm. Ở Việt Nam, các trường chưa có kinh nghiệm làm việc này, nên Bộ có dự án sẽ công bố vào đầu tháng giêng về chương trình tổ chức tôn vinh khen thưởng nhà hảo tâm đóng góp cho ngành giáo dục trong 10 năm qua.

 

Những người đóng xây trường, trao học bổng hỗ trợ các hoạt động giáo dục... sẽ được tặng thưởng theo các hình thức như kỷ niệm chương, bằng khen Thủ tướng, Huân chương lao động. Mỗi năm sẽ tổ chức một lần. Tại cuộc gặp đầu tiên này, các trường ĐH, các địa phương sẽ gặp gỡ, chọn đối tác để phối hợp triển khai hoạt động hỗ trợ giáo dục. Đó là bước đi đầu tiên Bộ dự kiến làm để thúc đẩy sự quan tâm của toàn xã hội với giáo dục”.

 

Mai Minh