Ngoại ngữ hay... ngại ngữ?

Những năm học phổ thông được học tiếng Pháp. Lên ĐH, phải làm quen với tiếng Anh. Học Anh văn suốt 7 năm trời, nhưng lên ĐH lại phải học lại A,B,C.

Muốn nâng cao trình độ ngoại ngữ thì nên đến...trung tâm. Và khá nhiều SV thú nhận, trình độ ngoại ngữ sau 4 năm ĐH chỉ đủ để hỏi "What 's your name?"

 

Sợ tiết ngoại ngữ

 

Trần Toàn Phong, trường Sư phạm Kỹ thuật, tiếp xúc với tiếng Pháp từ nhỏ. Suốt thời phổ thông, Phong cũng theo đuổi tiếng Pháp. Khi lên ĐH, nhà trường không có lớp tiếng Pháp. Đành phải bỏ qua một bên để làm quen với tiếng Anh.

 

Nói chuyện với tôi, thỉnh thoảng chêm vài từ tiếng Pháp. Nhưng khi hỏi về việc học Anh văn, anh bạn cho biết: "Một chữ bẻ đôi cũng không biết. Đang cố gắng học lại từ đầu". Lớp Phong có rất nhiều bạn nói tiếng Anh như gió, thậm chí "các bạn ấy còn dạy cho em khá tốt". Học trong một lớp mà trình độ không cân sức, Phong phải cố gắng nhiều. Cũng không tránh những lúc, muốn bỏ ngang.

 

Trường ĐHDL Văn Hiến có kiểm tra đầu vào trình độ ngoại ngữ của SV. SV nào có trình độ ngoại ngữ tương đối thì được sắp xếp để học chung với nhau. Riêng những SV còn kém, hoặc chưa biết gì thì buộc phải học bồi dưỡng vào ban đêm. Để khi vào chuyên ngành, tất cả đều phải dùng được Anh văn chuyên ngành.

 

Tuy nhiên, với trình độ ngoại ngữ như hiện nay, Ngô Thành Thuận, SV của trường cho biết: "Sẽ không đủ để ra đi làm. Nhà trường chỉ chú trọng đến khả năng đọc hiểu. SV ra sức học từ vựng. Chỉ có 180 tiết cho Anh văn chuyên ngành, làm sao kham nổi các đòi hỏi của môn ngoại ngữ".

 

Không phân biệt trình độ, cả lớp của Hoàng Thảo Linh, trường ĐH Công nghiệp TP.HCM đều phải học theo cuốn giáo trình nhà trường quy định sẵn, cuốn Lifelines. Người đã từng học Anh văn thì...biết rồi, không cần học. Người chưa có một ngày học ngoại ngữ thì lại...chạy theo không kịp. Tuy nhiên, nhà trường cũng sắp xếp cho SV học song song giáo trình căn bản và Anh văn chuyên ngành khi bắt đầu học chuyên ngành.

 

Chủ động... cắt

 

Ngoài những yếu kém về cơ sở vật chất, trình độ giảng viên, tại hội thảo khoa học dạy ngoại ngữ cho SV không chuyên trong các trường ĐH,CĐ tổ chức tại TP.HCM hôm 25/11, nhiều giáo viên, nhà khoa học đã phân tích những khó khăn hiện nay.

 

Hiện chưa có một giáo trình ngoại ngữ không chuyên chung cho các trường. Mỗi trường tự quy định giáo trình. Giáo trình môn tiếng nước ngoài hiện được sử dụng cũng rất đa dạng. Chỉ riêng tiếng Anh thôi, nơi dùng Headway, nơi dùng Lifelines, có nơi lại là English File. Ở các trường có số tiết ngoại ngữ chuyên ngành thì dùng giáo trình chuyên ngành tự biên soạn.

 

"Không có giáo trình cụ thể nên SV thường phải học lại những kiến thức cũ, việc dạy, học ngoại ngữ trở nên không thiết thực, không tạo hứng thú cho người học và cả người dạy", thạc sĩ Lê Văn Ân, trường CĐ Sư phạm Quảng Trị phàn nàn.

 

Môn ngoại ngữ là môn dễ bị cắt xén nhất. Nói như ông Vũ Thành Công, giảng viên tiếng Anh, Học viện Báo chí Tuyên truyền: "Phần lớn các trường đều thực hiện chương trình 20 đơn vị học trình do Bộ quy định, có thể thay đổi ít nhiều. Trong chương trình này, mảng ngoại ngữ chuyên ngành còn trống, dành cho các trường tự quyết. Các trường lại dành cho các khoa xác định có học ngoại ngữ chuyên ngành hay không. Do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là do quan niệm về dạy học ngoại ngữ chưa đúng, nhiều khoa, nhiều trường đã cắt không thương tiếc và không đưa học phần ngoại ngữ chuyên ngành vào chương trình. Có một thực tế, các nhà quản lý giáo dục luôn than phiền trình độ ngoại ngữ của người học không đáp ứng nhu cầu, mặt khác lại sẵn sàng cắt giảm giờ học ngoại ngữ trong chương trình, cả ở hệ sau ĐH cũng vậy".

 

Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Liên, trường CĐ Sư phạm Hà Nội lên tiếng về tình trạng hầu hết các lớp học đều rất đông SV (từ 45 đến 60 em) khiến việc trao đổi, đàm thoại với nhau không hiệu quả.

 

Và... những giải pháp

 

Theo thạc sĩ Lê Văn Ân, trường CĐ Sư phạm Quảng Trị, không nên tiếp tục dạy ngoại ngữ phổ thông mà cần phải có và giảng dạy giáo trình ngoại ngữ chuyên ngành. Trên cơ sở ngữ âm, ngữ pháp căn bản và hướng đến việc rèn luyên 4 kỹ năng chủ yếu, các chủ điểm và ngữ liệu của bài học trong giáo trình nên đề cập từ những vấn đề chung nhất của giáo dục ĐH đến chuyên ngành đào tạo và đến từng môn học.

 

Bà Vũ Thị Hồng Vân, trường ĐH Sư phạm TP.HCM đề xuất ý kiến các trường nên tổ chức phân loại trình độ ngoại ngữ đầu vào của SV để sắp xếp giảng dạy cho phù hợp. SV có trình độ ngoại ngữ yếu thì cần bồi dưỡng tăng cường trong năm đầu để có thể theo kịp chương trình đào tạo chung trong những năm tiếp theo.

 

Đồng tình với ý kiến của bà Vân, bà Nguyễn Kim Anh, ĐH Sư phạm TP.HCM bổ sung thêm, để làm được điều này, các trường phải thay đổi phương thức quản lý SV, xây dựng hệ thống cố vấn học tập thay cho giáo viên chủ nhiệm vì cơ cấu lớp học không ổn định theo năm học. Giáo viên cố vấn có trách nhiệm tư vấn hướng dẫn SV đăng ký các lớp học thế nào cho phù hợp.

 

Ông Nguyễn Phú Thọ, trường CĐ bán công Công nghệ và Quản trị doanh nghiệp lại cho rằng, Bộ có thể chỉ đạo trong việc xây dựng hệ thống liên kết và giảng dạy ngoại ngữ không chuyên theo cấp liên trường dựa vào những tương quan giữa các trường như: vị trí, đối tượng tuyển sinh, ngành học, điều kiện giảng dạy... Các trường trong cùng khối liên kết có thể thường xuyên trao đổi thông tin, phương pháp giảng dạy, hỗ trợ giảng viên, trao đổi học tập kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau theo các quy định bàn bạc thống nhất.

 

Còn ông Phạm Văn Chủ, ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) đề nghị Bộ nên thành lập hội Ngoại ngữ cấp quốc gia như các hội Tâm lý, hội Vật lý mà những người đứng đầu, lãnh đạo hội là những chuyên gia đầu ngành có uy tín về ngoại ngữ có mục đích, tôn chỉ, chương trình, nội dung và kế hoạch hoạt động cụ thể.

 

 

Theo Vietnamnet