Ngôi trường 20 năm không dạy thêm

Ở đó, tất cả 53 thầy cô giáo dù nghèo khó thế nào cũng đều nói không với việc dạy thêm tại nhà. Hành động ấy chẳng những khiến người dân kính nể mà còn giúp mái trường quê nghèo này suýt bị xóa sổ ngày nào... vượt lên hàng tốp đầu.

Suýt bị xóa sổ!

Năm học 1987-1988, tức sau bảy năm thành lập, Trường THPT Đầm Dơi (huyện Đầm Dơi, Cà Mau) xảy ra “binh biến”. Thầy hiệu trưởng đương nhiệm lúc bấy giờ đâm đơn xin từ chức vì bất bình trước tình cảnh nội bộ rối ren.

Thầy Nguyễn Ái được điều về với “sứ mạng” ổn định tình hình nội bộ trường. Thầy Ái nhớ lại: “Trong hai năm đầu tôi về nhậm chức hiệu trưởng trường, ban giám hiệu chúng tôi thật khổ sở với hai chuyện. Đầu giờ học phải đi gọi các thầy lên lớp vì các thầy bận ngủ. Ngoài giờ học thì đi kiểm tra tình trạng dạy thêm ở nhà riêng”.

Và điều gì đến cũng đã đến. Gây sốc các thầy cô giáo nhất lúc bấy giờ là chuyện ban giám hiệu trường đưa ra chủ trương cấm dạy thêm ở nhà riêng, chỉ được dạy trong nhà trường, dưới sự giám sát của ban giám hiệu và các tổ bộ môn.

“Sau khi ban giám hiệu đưa ra quyết định này, tôi lập tức đối mặt với muôn vàn khó khăn” - thầy Ái cho biết. Tỉ lệ học sinh (HS) tốt nghiệp THPT ngay năm đầu thầy Ái giữ chức hiệu trưởng - năm học 1987-1988, chỉ đạt 33,62% (năm trước đó là 80%). Thậm chí như năm học 1990-1991, tỉ lệ tốt nghiệp của trường còn rơi xuống tận đáy: chỉ 27,6%.

Thầy Ái bộc bạch: “Con số 27,6% vừa được công bố thì lập tức có tin đồn là Sở GD-ĐT đang định giải tán trường. Cũng lúc này, tôi nhận được liên tiếp mấy lá đơn xin thôi việc của giáo viên. Nhiều thành viên trong ban giám hiệu lúc bấy giờ hoang mang thật sự”.

Kiên trì “vượt cạn”

Nhưng thật bất ngờ, đến năm 1993 mọi người đã không khỏi ngỡ ngàng trước những kết quả giảng dạy của nhà trường. Tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm này đột biến đạt con số 89,2%. Và kể từ đó, trường thẳng bước tiến vào hàng tốp đầu về chất lượng giảng dạy, với thành tích chỉ đứng sau Trường chuyên Phan Ngọc Hiển ở TP Cà Mau - trường danh tiếng hàng đầu về chất lượng giáo dục.

Từ năm 2001-2003, trường lần lượt có tỉ lệ HS đỗ tốt nghiệp THPT là: 93,73%; 94,32%; 97,0%, rồi năm 2005 đạt đến 98,55%. Trường cũng đã có 102 HS đoạt giải trong các kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Trong đó có 39 HS đoạt giải quốc gia, với một giải nhì, tám giải ba.

Thành tích thi đỗ đại học và được tuyển thẳng của trường cũng  đứng thứ nhì toàn tỉnh. Năm học 2005 - 2006, trường có 53 HS đỗ vào các trường đại học, có bốn HS được tuyển thẳng (toàn tỉnh Cà Mau có tám HS được tuyển thẳng).

Lý giải về những thành tích ấy, thầy Ái cười: “Thật ra cái gốc của mọi vấn đề rối ren lúc ấy là chuyện dạy thêm kiếm tiền của một bộ phận thầy cô giáo trong trường. Vì dạy thêm, một bộ phận thầy cô giáo xao nhãng việc dạy trên lớp. Vì dạy thêm, những thầy cô yêu nghề sẽ có ác cảm với những người lạm dụng để kiếm tiền. Vì dạy thêm, kỷ cương nhà trường bị xem thường, nhân phẩm thầy cô bị hạ thấp trong mắt học trò... Ngăn chặn được tình trạng này, coi như mọi vấn đề được giải quyết”.

Cấm dạy thêm nhưng giải quyết đời sống giáo viên thế nào? Thầy Ái đáp ngay: “Chỉ cấm dạy thêm tràn lan ở nhà riêng chứ việc dạy thêm là rất cần. Chúng tôi tổ chức dạy trong nhà trường, với hai mục tiêu: một là chỉ dạy HS yếu kém và hai là mọi giáo viên đều phải có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống”.

Thầy Võ Hoàng Anh, giáo viên môn vật lý của trường, tâm sự: “Bây giờ, chúng tôi thấy thanh thản, tự hào lắm, mọi tâm huyết dồn hết vào việc dạy cho thật tốt để trường vươn lên đứng đầu toàn tỉnh, có HS thi đỗ HS giỏi cao nhất... Việc tăng thu nhập thì có nhà trường lo. Tôi không mong gì hơn”.

Bây giờ, với những thành tích đã đạt được, các thầy cô càng hiểu hơn tâm huyết của ban giám hiệu trường. Các thầy cô còn kể về những việc làm lạ của ban giám hiệu lúc bấy giờ. Ngay trong lúc trường suýt bị xóa sổ như thế, thầy Ái đã tìm đến lãnh đạo ngành với lời đề nghị khẩn thiết: “Anh Sáu (ông Ngô Trìu Mến, phó giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau hiện nay - PV) ủng hộ tôi cái này: việc chọn giáo viên về trường hãy để tôi tự quyết định. Tôi rất sợ bị lãnh đạo gửi gắm. Còn cái này nữa: có hồ sơ xin việc nào của thầy cô gửi về đây, anh cho tôi xem với”.

Năm 2001, thầy Ái phát hiện bộ hồ sơ xin việc tên Nguyễn Ngọc Nguyên. Xem qua bản thành tích học tập, mắt thầy sáng lên, nhấc điện thoại gọi ngay trong đêm. Từ Thanh Hóa, Nguyễn Ngọc Nguyên nhận được lời mời tha thiết, lập tức khăn gói vào Nam.

Thầy Nguyên được đón tiếp ngay khi vừa xuống bến xe Cà Mau. Tại đây, thầy Nguyên đã được giảng dạy trong một môi trường sư phạm đúng nghĩa và thật sự đoàn kết, cùng chung chí hướng tận tụy phục vụ sự nghiệp “trăm năm trồng người”.

Theo Như Ý
Tuổi Trẻ