Hà Tĩnh:

Ngôi trường hơn 42 tỷ đồng chỉ có 48 học sinh

(Dân trí) - Ngôi trường nhếch nhác, xuống cấp nghiêm trọng. Học sinh toàn trường chỉ vẻn vẹn 48 em, năm nào số lượng học sinh nhiều nhất cũng chỉ 130 em. Đó là thực tế đáng buồn đến khó tin tại một ngôi trường vừa mới được đầu tư 42,5 tỷ đồng tại huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh)

Nằm trong đề án 1956 đào tạo nghề cho lao động nông thôn, năm 2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh kí quyết định phê duyệt dự án Trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên (GDTX) huyện Hương Khê tại xã Hương Bình với mức đầu tư 42,5 tỷ đồng, trên tổng diện tích 35.700 m2. Dự án do UBND huyện Hương Khê làm chủ đầu tư, 4 đơn vị thi công gồm: Xí nghiệp XD tư nhân Kim Thành (Hà Tĩnh); Công ty CP Phương Lan (Hà Tĩnh), Tổng công ty hợp tác kinh tế quân khu 4 (Nghệ An) và Tập đoàn lắp đặt, đo đạc Vinh Quang (Hà Nội).


Một góc Trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên huyện Hương Khê

Một góc Trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên huyện Hương Khê

Dự án gồm nhiều hạng mục như Nhà hiệu bộ, nhà học lý thuyết, nhà xưởng thực hành, thư viện, nhà ăn, Ký túc xá 3 tầng. Đến tháng 9/2014, trường được bàn giao và đưa vào sử dụng.

Trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp và GDTX huyện Hương Khê là sáp nhập 2 trung tâm: Trung tâm GDTX và Trung tâm dạy nghề Hương Khê.

Mục tiêu khi xây trường để đảm bảo nhu cầu học nghề cho con em địa phương. Tuy nhiên, kể từ khi đưa vào hoạt động đến nay, trường chỉ có lèo tèo vài vài em học sinh tới học. Năm cao nhất (2015) chỉ có 130 em. Đặc biệt năm 2017 này hiện chỉ còn 48 em học sinh đang theo học.

Đặc biệt, dãy nhà ký túc xá 3 tầng với 24 phòng được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu ở tới gần 100 học sinh nhưng hiện chỉ mới 3 em đăng ký ở.

Không những thế, dù mới đưa vào hoạt động được vài năm nhưng khung cảnh ngôi trường trông nhếch nhác và xuống cấp nghiêm trọng. Phần sân trường bị nứt nẻ, phần móng và phần gạch lát bị sụt lún, bong tróc nham nhở. Thậm chí nhiều dãy nhà cây cối mọc xanh rì, hoang vắng. Phòng để thực hành nghề may, nghề mộc cũng “cửa đóng then cài”. Hơn nữa, trường đặt xa trung tâm nên không đưa Internet về trường được khiến cho việc học tập, giảng dạy của học sinh và giáo viên gặp nhiều khó khăn.

Ngôi trường hơn 42 tỷ đồng chỉ có 48 học sinh - 2
Trường bị xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí có dãy nhà dường như bị bỏ hoang cỏ mọc xanh rì như thế này
Trường bị xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí có dãy nhà dường như bị bỏ hoang cỏ mọc xanh rì như thế này

Thậm chí có giáo viên trong nhà trường còn tận dụng khuôn viên trường để nuôi bò!

Ngôi trường hơn 42 tỷ đồng chỉ có 48 học sinh - 4
Thậm chí có giáo viên nhạy bén khi đưa bò vào nuôi trong trường như thế này
Thậm chí có giáo viên "nhạy bén" khi đưa bò vào nuôi trong trường như thế này

Đó là những thực tế đáng buồn, bi hài đang xảy ra tại ngôi trường vừa được đầu tư tới 42,5 tỷ đồng này.

Chia sẻ với PV Dân trí, ông Đoàn Văn Dương, Giám đốc Trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp và GDTX huyện Hương Khê cho biết: Trung tâm dạy nghề, hướng nghiệp và GDTX huyện Hương Khê là sáp nhập Trung tâm GDTX và Trung tâm dạy nghề Hương Khê.

“Năm 2014 có 130 em, năm 2015 có 110 em, năm 2016 có 86 em và hiện còn 48 học sinh theo học. 48 em này là theo học hệ trung cấp”.

Hiện trung tâm chỉ còn 48 em học sinh theo học
Hiện trung tâm chỉ còn 48 em học sinh theo học

Ông Dương cũng cho biết, hiện nhà trường có 16 cán bộ, công nhân viên chức, trong có 6 giáo viên dạy văn hóa và 4 giáo viên dạy nghề sơ cấp.

“4 giáo viên dạy nghề thì chỉ dạy sơ cấp, chứ trung cấp thì không đủ trình độ để dạy. Để đào tạo hệ trung cấp, trung tâm có liên kết với các trường để điều giáo viên về dạy. Từ ra tết đến giờ không có học sinh học nghề sơ cấp nên những giáo viên này không đi dạy mà thay vào đó là đi tuyển sinh hoặc làm việc khác”, ông Dương cho biết thêm.

Còn việc xuất hiện nuôi bò trong khuôn viên trường thì ông Dương cho biết là có một giáo viên trong trường tận dụng, tranh thủ để nuôi bò!

Việc quy hoạch, triển khai dự án này dường như đã không mang lại hiệu quả thậm chí đã lãng phí một lượng tiền lớn.

Một cán bộ huyện Hương Khê chia sẻ rằng: “Dự án sẽ khó có hiệu quả. Vì bây giờ nhiều người học ra với tấm bằng đại học, học tại các trường uy tín nhưng lại không thể xin được việc. Đối với các lớp trung cấp học tại trung tâm này với đội ngũ giáo viên, thiết bị máy móc còn hạn chế như vậy liệu đào tạo ra có đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi của nhà tuyển dụng hay không?”.

Xuân Sinh