An Giang:

Người cựu chiến binh xây dựng lớp học tình thương giữa xóm nghèo

(Dân trí) - Khi từ quân ngũ trở về địa phương thấy có nhiều em nhỏ không biết chữ, các cháu lang thang, vi phạm pháp luật… Tôi trăn trở mãi và quyết định mở lớp học tình thương này để dạy các cháu con chữ và dạy các cháu làm người tốt… Ông Nguyễn Hữu Thời, chia sẻ.

Tặng quần áo để giữ chân học sinh

Đến khóm Nguyễn Du (phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên) ngày nay vẫn còn nhiều căn nhà nhỏ lụp sụp; nhiều trẻ em chân trần, đen đúa khép nép ở một góc sân khi thấy người lạ vào ngõ… Theo lời người dân chỉ dẫn, chúng tôi lòng vòng qua mấy con hẻm mới đến được lớp học tình thương của ông Nguyễn Hữu Thời - cựu chiến binh và hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học phường Mỹ Bình.

Từ xa, chúng tôi đã nghe tiếng ê a đọc bài của bọn trẻ. Những thanh âm trong veo phá tán sự tĩnh mịch của xóm ngụ cư lao động nghèo nhất phường Mỹ Bình hiện nay.

Do lớp học tình thương được “mọc lên” giữa xóm nghèo nên lớp học của ông Thời không thể đẹp, khang trang như những ngôi trường điểm. Lớp học nhỏ thó, rộng khoảng 25m2, xung quanh được dựng nên từ những tấm tôn thiết cũ kỹ; khung nhà, nền nhà và bàn ghế đều xuống cấp…

Lớp học tình thương của cựu chiến binh Nguyễn Hữu Thời được mở từ 1995
Lớp học tình thương của cựu chiến binh Nguyễn Hữu Thời được mở từ 1995

Ông Thời kể: “Khoảng năm 1995 khi tôi về địa phương sinh sống, tôi thấy các cháu trong xóm dốt chữ nhiều quá, các cháu lang thang không người chăm sóc, dạy bảo rồi các cháu vi phạm pháp luật nhiều… Tôi thấy như thế không chịu nổi, từ những trăn trở này tôi bàn với lãnh đạo khóm, phường rồi quyết định mở lớp học tình thương này từ năm 1995.

Theo ông Thời, lớp học ban đầu chỉ có 03 học sinh, ông phải dùng tiền lương mua bánh kẹo, sách vở "dụ dỗ" các cháu đến học rồi dạy kỹ năng sống, dần dà các phụ huynh tin tưởng nên cho con em đến học. Nhờ đó, sau 01 năm, sĩ số lớp học tăng lên từ 10 em lên 20 em rồi 50 em.

Đa phần các em học sinh đang theo học tại đây là do hoàn cành nghèo, quá tuổi đến trường, thiếu giấy tờ...
Đa phần các em học sinh đang theo học tại đây là do hoàn cành nghèo, quá tuổi đến trường, thiếu giấy tờ...

Khi sĩ số lớp học được hai con số, ông Thời phải đến gặp một người bạn là đồng đội năm xưa nay đang làm linh mục ở TP Long Xuyên, nhờ tìm người đứng lớp. Từ mối liên hệ này, lớp học của ông được một nữ tu sĩ (bà Xơ) đến giảng dạy và khi nữ tu sĩ này về hưu, đã giới thiệu cô Thủy đến đứng lớp cho tới nay.

Ông Thời chia sẻ: Các cháu đang theo học ở đây phần lớn là con em các lao động nghèo từ Campuchia và một số tỉnh khác, như: Trà Vinh, Sóc Trăng… về đây thuê nhà trọ rồi bán vé số, phụ hồ…sinh sống. Do cha mẹ bận việc mưu sinh rồi đến đây không giấy tờ nên việc học hành của con em họ gần như để đó. Đến khi chính quyền vận động về quê làm giấy tờ thì các cháu đã quá tuổi vào lớp 1 nên chúng tôi gom các cháu về đây dạy cho chữ, dạy các cháu làm người tốt”.


Những lúc rảnh, ông Thời đến dạy chữ hoặc cho bánh kèo, sách vở... cho các cháu

Những lúc rảnh, ông Thời đến dạy chữ hoặc cho bánh kèo, sách vở... cho các cháu

Để duy trì lớp học, ngoài sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương về cơ sở vật chất, bản thân ông Thời và các giáo viên đứng lớp tích cực vận động các nhà hảo tâm để lo sách vở, quần áo… cho các em học sinh. Nhiều lúc, ông Thời và các cô giáo phải bỏ tiền túi để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tặng bánh kẹo để “giữ” chân học sinh.

Học sinh khó khăn, lớp học xuống cấp…

Hiện nay, lớp học của ông Thời giao động từ 10 – 20 học sinh. Do không có cơ sở rộng rãi nên các học sinh từ lớp 1 – lớp 5 học chung một lớp, từ 7g30 đến 10 giờ hàng ngày. Thời gian gần đây, khi biết thông tin về lớp học tình thương của ông Thời, nhiều sinh viên ĐH An Giang đến tham gia hỗ trợ giảng dạy và tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa cho các em học sinh nơi đây.

Cô giáo tương lai Cao Thị Chúc Ly – sinh viên năm cuối ngành Sư phạm tiểu học, trường ĐH An Giang chia sẻ: Mỗi học sinh ở đây là một hoàn cảnh, có em còn cha thì mẹ bỏ đi hoặc ngược lại; Có em theo cha mẹ từ Trà Vinh hay Sóc Trăng và cả Campuchia về đây thuê nhà trọ sinh sống bằng nghề ban vé số, phụ hồ… Cuộc sống thiếu hẳn sự quan tâm dạy dỗ, chăm sóc của người lớn (do cha mẹ chạy lo cái ăn), vì thế các em thiếu thốn nhiều thứ lắm, nhất là chuyện học hành. Chính vì thế, khi bọn em đến đây, tiếp xúc với các em và không thể bỏ rơi các em được”.

Bạn Chúc Ly cho biết, bản thân và những người bạn đang tham gia dạy học tại lớp học tình thương không sao rời bỏ các em được, bởi hoàn cảnh các em đều khó khăn, thiếu thốn tình thương, sự chăm sóc, dạy bảo...
Bạn Chúc Ly cho biết, bản thân và những người bạn đang tham gia dạy học tại lớp học tình thương không sao rời bỏ các em được, bởi hoàn cảnh các em đều khó khăn, thiếu thốn tình thương, sự chăm sóc, dạy bảo...

Theo Chúc Ly cho biết, cái khó khi dạy các em ở đây là tính tình rất tinh nghịch và bướng bỉnh; người dạy phải thật kiên nhẫn mới “bám” lớp được. Tuy nhiên, hiện nay từ sự uốn nắn của cô Thủy, chú Thời… các em đã ngoan ngoãn, lễ phép với cha mẹ… Tuy nhiên, hiện nay cơ sở vật chất lớp học đang xuống cấp nhiều, lớp học không có chỗ vệ sinh nên các em phải chạy về nhà nên lớp học hay bị gián đoạn.

Cháu Phan Thị Thùy Mi – học lớp 2, chia sẻ: Mẹ cháu bỏ đi, cha cháu đi làm hồ và chị cháu cũng đi phụ việc cho một quán bán nước mía. Cháu rất thích được đi học, cháu muốn sau này mình trở thành cô giáo để dạy chữ lại cho các bạn khác như cô Thủy, cô Ly.

Cháu Phan Thị Thùy My cho biết, em rất ham học và muốn sau này trở thành cô giáo để mở lớp học tình thương, dạy chữ cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn như em
Cháu Phan Thị Thùy My cho biết, em rất ham học và muốn sau này trở thành cô giáo để mở lớp học tình thương, dạy chữ cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn như em

Còn cháu Võ Thanh Đạt – đang học lớp 4, nói: Nhà cháu nghèo lắm, cha cháu đi bán trái cây lo cho 4 anh em. Cháu muốn đến trường lắm nhưng chẳng hiểu sao cha cháu bảo đến đây học. Học ở đây cháu thấy cũng vui nhưng cháu chỉ được học đến lớp 5 là nghỉ học như anh cháu rồi.

Ông Thời cho biết, lớp học ông chỉ dạy chữ cho các cháu đến lớp 5, sau đó ông liên hệ với các chỗ dạy nghề rồi giới thiệu các cháu đến đó học nghề. Còn cháu nào muốn học tiếp thì đăng ký học bổ túc để có bằng cấp. Theo ông Thời, từ cách học này hiện nay có vài cháu đang làm dân quân tự vệ tại phường.

Lớp học tình thương của ông Nguyễn Hữu Thời

Trao đổi với PV Dân trí, bà Trần Thị Diễm Trang – Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Bình, khẳng định: Các em đang theo học tại lớp học tình thương của chú Thời thuộc đối tượng quá tuổi đến trường, nguyên nhân dẫn đến sự việc này là vì các cháu đa phần là con em của các hộ dân từ các tỉnh khác di cư về đây, thuê nhà trọ sinh sống. Để giảm bớt tình trạng này, phường chỉ đạo các khu vực thường xuyên thống kê các hộ dân có con em trong độ tuổi đi học, rà soát lại giấy tờ, đối tượng để có hướng dẫn cụ thể giúp các cháu đến trường theo qui định.

Ngoài ra, bà Trang cho biết thêm, vừa rồi ban quản lý lớp học tình thương có đề xuất với ủy ban xin sửa chữa lại lớp học, địa phương đã có kế hoạch sẽ vận động các mạnh thường quân để sửa chữa lại lớp học, đảm bảo kiên cố, giúp các cháu có nơi học tập đang hoàng, tuy nhiên hiện nay chưa thực hiện được vì tập trung vào một số công tác trọng tâm khác.

Chúng tôi đi ngoằn ngoèo qua nhiều con hẻm nhỏ mới ra được con đường lớn. Lúc này, đúng giờ tan trường hàng trăm học sinh với đồng phục chỉnh trang tươi cười rời khỏi những ngôi trường khang trang về nhà sau một ngày học tập. Chúng tôi chợt nhớ đến lớp học của người lính cụ Hồ Nguyễn Hữu Thời, dù lớp học ọp ẹp những đã tồn tại hơn18 năm qua và đã có nhiều trẻ em dốt chữ, hư hỏng… trở thành những người tốt, phục vụ tại địa phương.

Nguyễn Hành

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục