Người giáo viên làm nên điều kỳ diệu

(Dân trí) - Bị khuyết tật vận động toàn thân, 14 tuổi mà trông Thương như một đứa bé 6 tuổi với cân nặng 6, 7kg. Không quản ngại khó khăn, cô giáo Đinh Thị Lan đã thay mẹ bé Thương tới trường, giúp em trở thành học sinh đoạt giải chữ đẹp của thành phố Hạ Long.

Gần 1 năm... bế trò vào lớp

Do bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam, Phạm Thị Hoài Thương và em trai của mình là Phạm Minh Hiếu đều bị khuyết tật vận động, toàn thân teo nhỏ, yếu ớt. Dù đã 14 tuổi nhưng trông em như một đứa bé 6 tuổi với cân nặng chỉ chừng 6, 7kg. Bố mất sớm, gánh nặng cơm áo của cả gia đình Thương oằn trên đôi vai mẹ. Tiền sinh hoạt cho cả gia đình chỉ trông chờ vào một quán nước nhỏ ven đường với lời lãi mỗi ngày chẳng đáng là bao. Nhưng như bao đứa trẻ khác, Thương khao khát được đi học. Biết được nguyện vọng đó của em, năm học 2008 - 2009, Ban giám hiệu Trường tiểu học Cao Xanh (TP Hạ Long, Quảng Ninh) đón em vào học tại lớp do cô giáo Đinh Thị Lan chủ nhiệm.

Người giáo viên làm nên điều kỳ diệu - 1

Vì không thể vận động, đi lại hoặc ngồi thoải mái được nên Thương được xếp chỗ ngồi bàn đầu với một chiếc bàn đặc biệt vừa với cỡ người em, có lưng tựa đẳng sau và giá đỡ phía trước. Khi em viết thì cằm em phải tì vào mép bàn và toàn thân phải tì vào bàn. Ngày nào mẹ Thương cũng phải bế em đến lớp và giờ tan học lại đón em về.

Thấy vất vả cho mẹ Thương nên cô Lan yêu cầu được thay mẹ bế em vào lớp. “Toàn thân của em rất mềm yếu và em cũng rất khó tính. Nếu bế không cẩn thận sẽ làm em đau nên lúc đầu em không cho tôi bế. Chỉ đên khi tôi nói: “Nếu em thương mẹ thì để cô phụ mẹ bế em” thì Thương mới đồng ý. Phải dăm bẩy lần mới có thể bế em vào lớp được. 9 tháng học đằng đẵng, cô trò chúng tôi phối hợp với nhau để cùng đến lớp. Sau mỗi tiết học, tôi lại cùng các em xoa bóp cho Thương đỡ mỏi” - cô Lan tâm sự.

Trái ngọt của tình thương

Cô Lan vẫn nhớ như in cảm giác lần tiên khi nhìn thấy Hoài Thương. Một cảm giác thoảng thốt và xót xa. Hình hài nhỏ bé, khoằm khèo của em làm dấy lên tình thương người mẹ trong cô. Và có lẽ chính điều đó đã tạo nên sức mạnh khiến cô trò Thương vượt qua cả quãng thời gian khó khăn dài đằng đẵng.

Tay phải mềm yếu, Thương phải viết bằng tay trái. Phải mất 2 tháng được cô giáo rèn cặp từng nét bút, Thương mới có thể viết thành chữ. Và kỳ diệu sao, nét chữ từ đôi tay yếu ớt ấy lại gọn gàng, đẹp nét. Với sự nhạy cảm của một cô giáo giàu kinh nghiệm, cô Lan nhìn thấy tố chất tích cực nơi cô bé khuyết tật này. Lại thêm những tháng ngày đằng đẵng, miệt mài khi cô Lan rèn cho Thương viết chữ.

Kết quả ngoài sức tưởng tưởng! Năm học 2008 - 2009, Thương đạt giải nhất cuộc thi viết chữ đẹp toàn trường và giải đặc biệt trong hội thi viết chữ đẹp cấp thành phố.

“Thương không những viết đẹp mà học cũng rất giỏi, cả văn và toán. Những bài văn của em gần gũi và giàu cảm xúc. Tôi thường đọc cho cả lớp cùng nghe. Thậm chí để học sinh ở các lớp trong khối 3 và học sinh toàn trường học tập” - cô Lan cho biết.

Để minh họa, cô Lan đọc cho chúng tôi nghe một đoạn trong bài văn của Thương: “Bác mít sinh con không biết từ lúc nào mà lũ con béo tròn trùng trục ôm quanh lấy mẹ. Đầu hồi chị nhãn cũng bận rộn chăm chút lũ con xinh đẹp của mình. Chỉ còn vài tháng nữa thôi họ hàng nhà nhãn đưa nhau đi hội chợ để khoe trái ngọt của mình …”.

Nghe giọng đọc say sưa của cô giáo, chúng tôi càng hiểu vì sao những nét chữ, những bài văn của Thương ấm áp và lay động lòng người. Có lẽ bởi nó được kết tạo nên từ một thứ tình thương đặc biệt. Tình cảm ấy được hòa quyện từ hai thứ tình cảm thiêng liêng nhất: tình thầy trò và tình mẫu tử.

Yến Nhi