"Người lớn không chịu học đã kéo lùi sự phát triển đất nước"

(Dân trí) - Đó là chia sẻ của Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan với báo chí trong buổi gặp mặt đầu xuân Đinh Dậu ngày 10/2.


Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan

Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Hội Khuyến học Nguyễn Thị Doan đã gửi lời cám ơn báo chí trong thời gian qua đã có nhiều đóng góp, nhiều bài viết về công tác khuyến học - khuyến tài của Hội Khuyến học trên cả nước. Đây chính là nguồn cổ vũ động viên, là định hướng lớn cho công tác khuyến học phát triển mạnh mẽ như ngày hôm nay.

Chủ tịch Doan cho biết, hiện nay, Hội đang hết sức hối hả vì các nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới (nhiệm kỳ lần thứ V) hết sức nặng nề và khó khăn. Ngoài việc đang triển khai rộng rãi đại trà trên toàn quốc về mô hình "Dòng họ học tập", "Gia đình học tập", "Cộng đồng học tập" và thực hiện đánh giá lại mô hình Trung tâm học tập cộng đồng thì Hội tập trung vào 2 nhiệm vụ lớn là vấn đề "Học tập cho người lớn" và xây dựng "Đơn vị học tập".

Học tập thường xuyên để giải phóng sức ì

Trăn trở về vấn đề học tập cho người lớn, Chủ tịch Doan cho rằng, hiện nay, sinh viên ra trường, có nhiều người ngộ nhận bằng cử nhân như thế là xong vì được bố trí vào làm việc tại các cơ quan nhà nước hoặc là các cơ quan tư nhân, doanh nghiệp... nên yên tâm, không chịu học hành thêm gì cả. Vì lý do đó cho nên chúng ta hiện nay tụt hậu rất xa về trình độ, về kiến thức, về trí thức lẫn trình độ khoa học công nghệ. Việc không chịu học ở người lớn hiện nay làm cho chúng ta kéo lùi lại thời gian phát triển so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

"Chúng ta không chịu học, không chịu vận dụng khoa học công nghệ tiên tiến, không chịu tiếp thu khoa học công nghệ và đặc biệt là kém sáng tạo trong các công việc nên đã tạo sức ì quá lớn. Chính vì vậy, đợt này, TƯ Hội Khuyến học Việt Nam tập trung vào vấn đề Học tập cho người lớn" - Chủ tịch Doan nói.

Chủ tịch Doan chia sẻ, chương trình Học tập cho người lớn sẽ triển khai từ các bộ, ban, ngành từ trung ương tới địa phương. Học ở đây không phải lấy bằng cấp mà việc học này là nâng cao kỹ năng làm việc, nâng cao kỹ năng sống, nâng cao tầm hiểu biết cho chính bản thân và phục vụ cho chính cho công việc của mình.

Theo Chủ tịch Doan, hiện tượng sính bằng cấp trong xã hội sẽ qua đi. Thời kỳ nâng cao chất lượng hiệu quả công việc sẽ phải chiếm chỗ cho việc lấy bằng cấp để quy hoạch, để lên lương và để xét tuyển. Nên giáo dục cho người lớn để nâng cao trình độ, nâng cao kỹ năng, nâng cao sự hiểu biết để hội nhập với quốc tế và khu vực hiện nay được TƯ Hội Khuyến học Việt Nam quan tâm và triển khai.

"Chúng tôi thấm thía câu nói của Bác Hồ: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Hiện nay chúng ta đang yếu, không biết dốt ở đâu, dốt như thế nào nhưng chỉ thấy rằng sự học của chúng ta nhất là ở người lớn chưa được quan tâm. Việt Nam đang tụt hậu rất xa so với khu vực và thế giới. Chủ trương đường lối thì đúng nhưng tại sao chúng ta không phát triển được" - Chủ tịch Doan nói.


Lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam gặp mặt báo chí nhân dịp đầu xuân Đinh Dậu

Lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam gặp mặt báo chí nhân dịp đầu xuân Đinh Dậu

Phấn đấu 100% cán bộ tham gia học tập

Nhiệm vụ quan trọng thứ 2 mà Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cho biết đó là tiếp tục phát triển "Đơn vị học tập". Hội Khuyến học tiến tới xây dựng đơn vị học tập không chỉ ở làng, xã, thôn, bản, trường học, doanh nghiệp mà tiến tới xây dựng đơn vị học tập ở Bộ, ban, ngành và các trường, các cơ quan.

Chủ tịch Doan ví dụ, 1 trường đại học chưa chắc đã là đơn vị học tập vì chưa chắc 100% cán bộ trong nhà trường đã ham học thường xuyên, cập nhật kiến thức mới hay cứ kiến thức của mình đã có rồi dạy cho học sinh.

"Chỉ có học mới phát triển được, chỉ có học mới có hiểu biết, chỉ có học mới không thua kém bạn bè và chỉ có học mới có thể đưa mình, gia đình mình phát triển" - Chủ tịch Doan nhấn mạnh.

Hiện, TƯ Hội Khuyến học đã được Bộ GD&ĐT giao đề tài nghiên cứu khoa học là xây dựng thành phố học tập, công dân học tập. Chủ tịch Doan cho rằng, muốn làm được việc này thì toàn thể xã hội phải hưởng ứng.

Theo Chủ tịch Doan, chủ trương học tập suốt đời trong Chỉ thị 11- CT/TW năm 2007 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng Xã hội học tập và Chỉ thị 02 - 2008/CT-TTg của Thủ tướng về đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã có từ lâu nhưng chưa được quan tâm, phân bổ nguồn lực và bố trí nguồn lực cho nhiệm vụ xây dựng Xã hội học tập chưa được thống nhất từ TƯ tới địa phương. Bên cạnh đó, nhận thức của toàn xã hội về Xã hội học tập, Học tập thường xuyên, học tập suốt đời để phát triển bền vững cho bản thân mình, cho gia đình mình và cho xã hội chưa được quan tâm đến mức.

"Đối với nhiệm vụ Đơn vị học tập đã có tiêu chí và tiêu chí này đo chất lượng và hiệu quả làm việc. Đây là quá trình triển khai gian khổ vì phải được nhận thức từ Bộ Chính trị đến Chính phủ đến toàn dân về sự học thì mới có thể chuyển biến được" - Chủ tịch Doan bày tỏ.

Đối với vấn đề khởi nghiệp, Chủ tịch Doan chia sẻ, muốn khởi nghiệp phải thực sự trên sự học của mình, trên nền tảng kiến thức của mình. Nếu chúng ta cứ nói khởi nghiệp nhưng trong đầu không có gì thì rất khó khởi nghiệp. Bởi, khởi nghiệp đòi hỏi phải sáng tạo, rất năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu thất bại. Có thất bại mới thành công.

Sứ mạng của sự nghiệp khuyến học là phát triển hệ thống giáo dục người lớn

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2021, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ làm thay đổi nhanh chóng mọi mặt trong đời sống xã hội, nền kinh tế tri thức đòi hỏi các quốc gia phải có lực lượng lao động tri thức trong các hoạt động của nền kinh tế quốc dân, kinh tế thị trường thế giới cuốn hút các quốc gia vào cuộc cạnh tranh quyết liệt...

Vì thế các quốc gia phải đầu tư vào sự học hành của con người trên cơ sở phát triển đa dạng các hình thức giáo dục chính quy, không chính quy và phi chính quy. Trong điều kiện đó, sứ mạng của sự nghiệp khuyến học là phát triển hệ thống giáo dục người lớn nhằm tạo nên những công dân học tập, đáp ứng yêu cầu của xã hội học tập phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước.

Hồng Hạnh