Người thầy hơn 30 năm gieo chữ cho trẻ vùng cao

(Dân trí) - Suốt 30 năm gắn bó, người thầy ấy vẫn một lòng với tình yêu dành cho sự nghiệp giáo dục những trẻ em vùng cao. Rời xa đồng bằng, lên tận vùng núi ở độ cao trên 1.000m, thầy miệt mài "gánh" con chữ miền xuôi đến với trẻ em nơi đây.

Thầy là Nguyễn Xuân Phi (53 tuổi), hiện là phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học liên xã Đắc Pree - Đắc Pring (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam).

Thầy Nguyễn Xuân Phi
Thầy Nguyễn Xuân Phi.

Thầy Phi chính là người thầy bỏ cả vùng đồng bằng, lên núi lấy vợ, cắm bản ở vùng giáp ranh biên giới để gieo chữ cho học trò nơi đây. Câu chuyện này chúng tôi đã được nghe khi đến với xã Đắc Pring (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam), vượt hơn 70km từ thị trấn Thạnh Mỹ thăm điểm trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học liên xã Đắc Pree - Đắc Pring. Ngôi trường nằm trên ngọn dốc cao như dựng đứng cả vách núi, đường xá đầy bùn đất.

Từ miền xuôi lên với núi

Thầy Phi sinh ra trong một gia đình nghèo miền ở miền xuôi xã Đại Phong, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, ngay từ thuở nhỏ, người con Đại Phong ấy đã đam mê con chữ, và học rất khá.

Năm 1983, thầy tốt nghiệp lớp học miền núi của Trường Trung học Sư phạm Đà Nẵng (nay là Trường Đại học Đà Nẵng - PV). Sau những năm đèn sách, thầy Phi ra trường, mang theo hoài bão lớn lao của tuổi trẻ, muốn đem con chữ lên cho những vùng cao, nơi mà nhiều trẻ em không được cắp sách đến trường. Thầy Phi chia sẻ: "Thời điểm tôi chọn lên vùng cao, gia đình cũng có phản đối, vì không muốn con khổ. Hơn nữa, nơi tôi chọn đặt chân đến cách xã Đại Phong, quê tôi đến hơn 100 km, để bắt đầu sự nghiệp trồng người".

Điểm đến đầu tiên là Trường Tiểu học La Dê (xã La Dê, huyện Nam Giang), nơi ấy có tổng số hộ nghèo gần 100%, cho đến mãi năm 2013, thì vẫn còn 246/316 hộ nghèo. Dù đã xác định tư tưởng phải đối mặt với khó khăn, nhưng chính bản thân thầy vẫn cảm thấy hoang mang, lo lắng cùng với đó là cảm giác hồi hộp khi được gặp trẻ em vùng bản cao.

Thầy chia sẻ: "Hồi đấy, từ xã Đại Phong lên đến trung tâm huyện Nam Giang thì có thể đi xe lên được, tuy nhiên từ thị trấn Thạnh Mỹ đến điểm trường ấy, phải …đi bộ. Và phải đi bộ 2 ngày đường mới lên tới điểm trường".

Lúc ấy, đôi chân thầy đã rứa máu vì không quen đi đường núi. Những lúc như thế, thầy chỉ nghĩ đến một điều đã từng là lý tưởng sống của mình một thời học ở Đà Nẵng là muốn mang con chữ cho trẻ em vùng cao.

Sau một vài năm công tác, thầy được luân chuyển về Trường Tiểu học Tà Bhing, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang. Thế là thầy lại gói gém đồ đạc, lặn lội đi bộ về xã Tà Bhing, nơi này đến nay vẫn còn 372/558 hộ nghèo, lại nhọc nhằn với trẻ em vùng cao đến tận 5 năm.

Rồi cái duyên với núi lại kéo thầy ở lại với vùng cao này, sau khi được chuyển về Trường Tiểu học Thạnh Mỹ (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang), thầy đã nên duyên với cô giáo vùng cao cùng trường, và cái duyên này giữ chân thầy mãi cho đến sau này. Hiện vợ chồng thầy có hai con trai đã lớn, đang học đại học.

Những chuyến đi của thầy vẫn tất bật, rồi thầy lại tình nguyện lên những điểm trường xa hơn, nơi gần biên giới, mang theo cả tình yêu và hoài bão của mình đi xa hơn, điểm đến của thầy là xã Đắc Pring, nơi cách biên giới chỉ 25km.

Thầy Phi cho biết: "Để bám được vùng cao này, trước hết phải học đi bộ, muốn gần dân phải học tiếng của dân, ăn và sống như một người dân tộc thiểu số thật sự, và biết thương học trò nơi đây".

Thầy Nguyễn Xuân Phi
Thầy Nguyễn Xuân Phi hiện là phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học liên xã Đắc Pree - Đắc Pring (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam).

Tình thầy trò giữa lòng dân

Nhớ lại những ngày đặt chân lên núi, thầy Phi kể: "Hồi mới lên, cơm thì bữa có bữa không, thầy phải lội bùn xuống nhà dân ăn cùng với dân, nhất là những lúc chưa đến mùa lúa nhưng nếp chín trước. Thầy với dân nhiều lúc ăn nếp cả tháng, lúc ấy, mới biết mùi cơm vùng đồng bằng quý đến nhường nào".

Rồi sau những giờ học, các thầy cô lại xin nhà dân để ngủ nhờ. Thầy Phi cho biết, hồi cuối những năm 80 khi mới lên với núi, thầy giáo vùng cao chỉ mắc một căn bệnh duy nhất là sốt rét. "Khi ấy, tôi ra vào nhà thương như cơm bữa, nhiều lúc muốn bỏ nghề, nhưng nhìn lại chặng đường đã đi được, tôi phải đi tiếp nhất là khi nghĩ đến học trò nơi đây" - thầy nói.

Những học trò ngày ấy, áo không có mặc, cơm không có ăn, quần thiếu vải, mùa lạnh đến cứ như dao cắt vào thịt, tím tái lại. Nhất là những mùa lũ về, học sinh vùng cao lại chẳng mấy em đến lớp, vậy là các thầy lại chân ướt chân ráo đi vận động học sinh đến trường.

"Nhiều lúc một lớp chỉ có 4 học sinh, mỗi em một góc co ro lại vì quá lạnh. Khi ấy tiếng thầy giảng bài hòa vào cái rét thấu da. Nhìn những chiếc áo mong manh của các em, tôi thương lắm, cứ những lúc về được xuôi, tôi luôn cố gắng mang áo quần cho các em" - thầy nhớ lại.

Nhưng không phải lúc nào thầy cũng về được dưới xuôi. Và đã có lần thầy Phi nghĩ về miền xuôi, khi những khó khăn cứ liên tục đến, có lúc thầy tưởng rằng sẽ không bao giờ về xuôi được nữa, đến giờ thầy vẫn nhớ cảnh, đi bộ hơn 70km, đi ròng rã mấy ngày đêm liền. Đã lội bộ đến mòn dép, lên đến vùng cao lại gặp phải bất đồng ngôn ngữ.

Nơi vùng Đắc Pree, Đắc Pring…, những vùng giáp biên giới, người dân tộc nhiều, sử dụng mỗi ngôn ngữ khác, có tiếng Ve Tà Riềng. Thầy Phi phải mất khoảng gần 1 năm mới nghe được người dân nơi đây nói gì. Việc khó khăn trong giao tếp cũng là rào cản làm bài giảng truyền tải đến học sinh càng khó. Những lúc như vậy, thầy vừa là thầy giáo, vừa là người phiên dịch, học trò vừa là người học chữ, vừa là người dịch chữ.

Mãi đến năm 2013, điện mới về đến Đắc Pring, thầy Phi nói: "Trước đó, các thầy vừa lên lớp, vừa mang đèn theo, đến tối cả vùng cao chìm trong đêm tối, leo lắt vài ngọn đèn trước gió. Tôi nhớ những lúc cứ tối đến, chúng tôi đi tìm nhà dân để ngủ nhờ, mỗi người mang theo một cái đèn, vừa đi vừa che để không tắt. Vừa đến nhà dân vừa đi vận động học sinh đến lớp bằng đèn".

Trong cuộc đời thầy, người học trò thầy nhớ nhất chính là cô Lê Thị Phước, hiện là giáo viên Trường Tiểu học Zuôih, nơi cô Phước hiện dạy tỷ lệ hộ nghèo cũng gần bằng số hộ dân toàn xã Zuôih. Thầy Phi nói: "Cô ấy là người học trò hồi tôi dạy ở điểm trường thị trấn Thạnh Mỹ, dù điều kiện khó khăn, cha mẹ làm rẫy, gủi củi nuôi con. Nhưng cô Phước lại rất chăm học, là một trong số ít học sinh giỏi năm ấy. Rồi cô cũng gắn bó với bản làng vùng cao như tôi. Thỉnh thoảng cứ đến cuối tháng, tôi và cô Phước lại có dịp gặp lại nhau khi tôi về thị trấn".

Thầy Zơ Rum Pứi dạy cùng trường cho biết: "Thầy Phi là người hiền lành, rất yêu thương học trò. Bên cạnh đó, trên cương vị của chủ tịch công đoàn, thầy luôn chăm lo đến đời sống giáo viên nhà trường".

Nguyễn Trang

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!