Người thầy thời “hai không”

(Dân trí) - “Có vị phụ huynh còn đến tận lớp quát cô giáo: “Mày dạy con tao thế tao tát cho mày một phát vào giữa mặt bây giờ”. Khi bị bảo vệ vào lôi đi lại còn quay cổ lại đe sẽ đưa lên báo việc con mình bị phân biệt đối xử trong lớp”.

Cô Hiệu trưởng trường tiểu học Thành Công (Hà Nội) đã kể với chúng tôi như vậy.

Tội nghiệp cô giáo!

Cũng theo cô hiệu trưởng nói trên, nhà trường đã gặp phải không ít những vị phụ huynh ngỗ ngược như vậy. Nhưng trong thời điểm mà đạo đức người thầy đang được xem là vấn đề khá nhạy cảm như hiện nay thì nhà trường luôn phải nhẫn nhục, ngậm bồ hòn làm ngọt nếu không muốn khiến dư luận... hiểu nhầm.

Còn theo lời kể của một cán bộ phòng giáo vụ trường K.L thì nhiều phụ huynh khi không hài lòng với cô giáo, đã luôn mồm “đe doạ” rằng, sẽ dùng dư luận báo chí để can thiệp.

Người này kể, bà Thu, phụ huynh của một học sinh ở đây đã yêu cầu cô giáo phải cho con mình được ngồi lên bàn đầu. Khổ nỗi, cháu bé này lại quá khổ, mới học lớp 4 mà đã nặng trên 50 kg, để “bé bự” này mà ngồi dãy bàn đầu thì các cháu ngồi sau chỉ nhìn thấy lưng của “bé bự” này chứ còn nhìn làm sao được tới bảng. Ấy thế mà khi không được chấp nhận, phụ huynh đã đến trường đã bù lu bù loa là con mình “bị cô giáo trù dập”!

Nỗi khổ tâm của nhiều giáo viên trường K.G là phải “nhịn” một cô bé lớp 6. Cô bé này có tính tắt mắt và đã lấy cắp rất nhiều lần tiền của các bạn trong lớp với số tiền lên đến gần triệu đồng. Đến khi cô giáo truy tìm thủ phạm bằng cách bỏ phiếu kín thì chính cô bé này cũng bỏ phiếu kín và yêu cầu nhà trường phải xử lý nghiêm, thậm chí em còn yêu cầu nhà trường phải đuổi học kẻ tắt mắt.

Lúc không thể chối cãi thì phụ huynh của cô bé này còn vênh mặt lên thách nhà trường dám đuổi con mình. “Thế mà nhà trường cũng phải nhịn thật vì sợ điều ra tiếng vào thì chúng tôi lại khổ” - Cô H.Q, giáo viên của trường tâm sự.

Chị Phương Mai đang có con theo học ở trường Ngô Sĩ Liên  kể: “Nhìn chung chúng tôi luôn rất tôn trọng các thầy cô giáo của con mình vì con cái chúng tôi đều phải gửi gắm ở các thầy cô cả. Nhưng cũng có không ít phụ huynh can thiệp quá thô bạo đến nhà trường.

Chính mắt tôi đã chứng kiến có vị phụ huynh có con học cùng lớp với con tôi, dù vẫn biết con mình không ngoan vì ở nhà cháu bé này cũng rất hay cãi vã và hỗn với ông bà, cha mẹ, các bạn cùng lớp đều công nhận như thế. Nhưng khi cô giáo chủ nhiệm lỡ tát cháu một cái thì vị phụ huynh đó đã bắt cô giáo phải đến tận nhà xin lỗi nếu không sẽ kiện nhà trường vì “tội” hành hạ con họ. Nhà trường cũng đành phải yêu cầu cô giáo đến xin lỗi và đứa bé này lại càng trở nên ngang ngược khó dạy hơn. Phụ huynh mà hành xử thế thì chỉ làm hư con cái của mình mà thôi. Thật tội nghiệp cho cô giáo!”

Đừng để họ lên lớp chỉ vì miếng cơm manh áo

Về nỗi khổ của người thầy thời “Hai không”, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai đã rất cảm thông và đầy chia sẻ khi bà đã nhận xét rằng: Ngày trước, cũng có trường hợp thầy giáo cầm thước lim đánh toạc đầu học sinh, nhưng không mấy khi bị lên án rằng vì thầy không thương học sinh, mà người ta chỉ trách thầy rằng đã quá nóng giận.

Nhưng bây giờ, đó sẽ là vấn đề về đạo đức, nhân cách và nhìn chung là rất nặng nề mặc dù không phải người thầy nào khi đánh học sinh cũng đều là cố tình và vô đạo đức cả. Trong thời đại của bùng nổ thông tin và ngành lại đang quyết liệt nói không với tiêu cực trong giáo dục nên nếu không thận trọng thì đối với người thầy đúng là sai một ly, đi một dặm.

Một điều dễ nhận thấy ở nhiều trường phổ thông hiện nay là các thầy cô giáo đang ngày một “co mình” lại. Không ít thầy cô đã chấp nhận giải pháp khi lên lớp là coi như... “mắt không thấy tai không nghe” để tránh bị “kết tội” rằng có thể mình đã xúc phạm đến học sinh. Cô T. H giáo viên trường P.C.T cho biết: “Thôi thì dạy học vì miếng cơm manh áo thôi chứ bây giờ sơ sẩy ra là bị kết tội, dù mình có cống hiến thế nào, nhiệt huyết thế nào”.

Cô T.H cũng kể về trường hợp một cô giáo của trường là giáo viên ưu tú, dạy giỏi và rất nhiệt huyết nhưng khá nghiêm khắc. Cô giáo này thường yêu cầu các nữ sinh lớp 5 mà cô làm chủ nhiệm khi đến lớp phải tết tóc hai bên cho gọn gàng, sạch sẽ. Thế mà cũng bị phụ huynh khiếu nại là cô giáo đã áp dụng luật định hà khắc như là ở thời... Trung cổ!

Quả thật, người thầy thời “Hai không” đang phải chịu quá nhiều áp lực. Bên cạnh cuộc sống vốn rất thanh đạm của nhà giáo, thì họ còn phải cáng đáng thêm nhiều gánh nặng tinh thần khác.

Để tránh xảy ra những hiểu lầm đáng tiếc, chúng tôi xin lưu ý nhân vật Hiệu trưởng trường tiểu học Thành Công mà chúng tôi đã nhắc đến trong bài không phải là Hiệu trưởng trường tiểu học Thành Công A và sự việc trên cũng không phải diễn ra tại trường tiểu học Thành Công A.

M.M