Ngưỡng mộ cô giáo mầm non Mèo Vạc đã giải được “bài toán khó”

(Dân trí) - Chăm sóc giáo dục trẻ ở vùng đặc biệt khó khăn vẫn là một bài toán khó đòi hỏi sự nỗ lực và tâm hồn yêu nghề mến trẻ của mỗi giáo viên. Thế nhưng, cô giáo Lò Thị Dinh, giáo viên trường Mầm non Hoa Lan huyện Mèo Vạc – Hà Giang đã giải được một phần “bài toán khó” này.

Nghe cô giáo Lò Thị Dinh trường Mầm non Hoa Lan huyện Mèo Vạc – Hà Giang phát biểu tại ĐH Thi đua yêu nước ngành Giáo dục năm 2015 đã làm cả hội trường yên lặng lắng nghe và cảm phục trước nghị lực, sự sáng tạo của giáo viên mầm non vùng cao và điển hình là những việc làm của cô giáo Lò Thị Dinh.

Ngưỡng mộ cô giáo mầm non Mèo Vạc đã giải được “bài toán khó” - 1

Cô giáo Lò Thị Dinh trường Mầm non Hoa Lan huyện Mèo Vạc – Hà Giang

Tự học ngôn ngữ để hòa nhập

Mặc dù gia đình rất nghèo nhưng cô bé dân tộc Lô Lô Lò Thị Dinh (Mèo Vạc, Hà Giang) vẫn quyết tâm đi học. Khi mới học lớp 3, Dinh đã phải tranh thủ đem cơm nắm ra chợ phiên bán. Mỗi phiên, em lãi được 2.000 đồng. Bán cơm suốt cho đến năm lên cấp ba, Dinh chuyển sang bán rượu.

Thi đỗ vào trường Cao đẳng sư phạm Hà Giang, để có tiền ăn học, mỗi sáng, từ 4 giờ 30 phút, khi các bạn còn đang say giấc ngủ, Dinh đã phải dậy để làm việc quét dọn thuê ở ký túc xá. Mỗi tháng Dinh được trả công 200.000 đồng, cộng với việc đi gia sư đã giúp Dinh vượt qua những ngày tháng khó khăn của thời sinh viên.

Sinh ra và lớn lên ở huyện nghèo nhất cả nước là Mèo Vạc – Hà Giang nên Lò Thị Dinh đã thấu hiểu được nỗi khó khăn vất vả, sự nghèo đói lạc hậu và lợi ích của việc biết chữ như thế nào. Ra trường, Dinh quyết tâm trở lại quê hương làm giáo viên để dạy cho các em nhỏ.

Mặc dù là người địa phương Mèo Vạc nhưng ở huyện có tới 17 dân tộc cùng chung sống nên muốn học sinh hiểu mình, phụ huynh hiểu mình, đồng bào hiểu mình thì việc đầu tiên đối với Dinh là phải giao tiếp bằng chính ngôn ngữ của đồng bào đó.

Cô Dinh cho hay, tuy là giáo viên ở địa phương nhưng tôi luôn có ý thức tự học ngôn ngữ để giao tiếp với đồng bào, nắm được những phong tục tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc địa phương, tìm hiểu và nắm được tâm tư, tình cảm của phụ huynh để tranh thủ nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ. Bởi đối tượng học sinh đa phần là con em dân tộc thiểu số còn hạn chế về nhận thức, bất đồng về ngôn ngữ.


Cô giáo Lò Thị Dinh với trang phục truyền thống

Cô giáo Lò Thị Dinh với trang phục truyền thống

Phải thực sự yêu thương, tin tưởng vào trẻ

Khó khăn là thế nhưng cô giáo Lò Thị Dinh luôn vượt khó coi mình là người mẹ hiền thứ hai của trẻ. Cô Dinh cùng các đồng nhiều đã làm nhiều cách để trẻ có thể hòa nhập được với môi trường, lớp học như tuyên dương học sinh khi em đó học tốt, tích cực làm đồ dùng, đồ chơi từ các nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương và những phế liệu như vỏ hộp sữa, các chai, lọ… để làm phong phú tiết dạy hơn, tổ chức vui liên hoan văn nghệ, ăn bánh kẹo vào các ngày cuối tuần tạo không khí phấn khởi cho trẻ khi đến trường.

Cô Dinh cho biết, chúng tôi đặc biệt coi trọng việc tổ chức vui chơi các ngày lễ lớn cho trẻ, bản thân trẻ tập luyện văn nghệ, tham gia biểu diễn, hội thi ở trường, ở huyện. Trong dịp hè, tôi cùng đồng nghiệp đã tham mưu xây dựng các lớp bồi dưỡng năng khiếu hè tình nguyện cho các cháu nhằm tạo sân chơi lành mạnh bổ ích góp phần giảm bớt thiệt thòi khi các cháu không có điều kiện tham quan du lịch cùng cha mẹ như những trẻ em ở thành phố.

Để làm tốt công tác giáo dục trẻ ở vùng khó khăn, cô giáo Dinh luôn xác định phải có kiến thức chuyên môn vững vàng, có kiến thức xã hội, có phương pháp giảng dạy khoa học, phù hợp với từng lứa tuổi học sinh. Đặc biệt, phải “dũng cảm” đoạt tuyệt với thói quen cô nói gì trẻ làm theo cô cái nấy, thực sự phải lấy việc phát triển phẩm chất, năng lực của trẻ làm trung tâm của dạy học. Thực sự yêu thương, tin tưởng vào trẻ, biết vận động cha mẹ, già làng, trưởng bản cùng tham gia giúp trẻ đến trường mỗi ngày.

Là giáo viên vùng cao nhưng Dinh luôn chăm chỉ lên mạng internet, tìm các tài liệu, hình ảnh, video để làm cho bài giảng của mình thêm sinh động hơn, hấp dẫn hơn. "Ứng dụng công nghệ thông tin làm không khí lớp học sôi động hẳn, nhưng có điều cả trường chỉ có một chiếc máy chiếu, nên giáo viên phải chia nhau, học sinh cũng chịu thiệt thòi," cô giáo Dinh bộc bạch.

Chính vì vậy, chỉ mới 6 năm đứng trên bục giảng, nhưng Dinh đã có 4 năm là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, một năm là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

Có được thành tích như vậy, cô Dinh cho hay, ước mơ nho nhỏ từ tấm bé của tôi đã trở thành hiện thực với vai trò vừa là ca sĩ vừa là thầy thuốc và vừa là mẹ hiền nên tôi luôn cố gắng dạy tốt, tìm ra nhiều ý tưởng phương pháp hay trong giảng dạy được học sinh tích cực hứng thú tham gia hoạt động, Ban giám hiệu nhà trường và đồng nghiệp đánh giá cao. Từ đó, tôi càng hăng say với nghề hơn để tiếp tục tham gia dự thi giáo viên dạy giỏi các cấp do nhà trường, ngành tổ chức.

“Phần thưởng lớn nhất từ những cuộc thi đó không có gì quý hơn là được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp để áp dụng phù hợp với địa phương đem lại nụ cười hồn nhiên cho học sinh vùng cao chúng tôi” – Cô Dinh chia sẻ.

Hồng Hạnh