Nguyên tắc đơn giản giúp học sinh lấy lại động cơ học tập

Dạy học là một quá trình phức tạp đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng của cả giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, giáo viên gặp rất nhiều khó khăn khi học sinh tỏ ra chưa hào hứng học bài.

Cô Nguyễn Thị Thanh Hải - giáo viên Trung tâm GDTX tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ những nguyên tắc đơn giản giáo viên có thể áp dụng nhằm giúp học sinh lấy lại động cơ trong học tập.

Liên tục nhấn mạnh những khái niệm then chốt

Cô Nguyễn Thị Thanh Hải cho rằng, giáo viên nên lặp lại những khái niệm này trong các bài giảng và bài tập về nhà trong suốt quá trình học.

Qua việc đưa ra các câu hỏi liên quan đến các chủ đề chính này trong mỗi kì thi, giáo viên có thể khuyến khích học sinh học, nhắc lại và có thể ứng dụng những kiến thức đó vào các trường hợp cụ thể khác nhau.

Ví dụ: Địa lí 10 là chương trình Địa lí đại cương rất khó gồm các khái niệm, quy luật chung nhất về tự nhiên và kinh tế - xã hội.

Để học sinh hiểu và nhớ lâu khái niệm, giáo viên cần cho học sinh học, nhắc lại và liên hệ với địa lí thế giới và Việt Nam.

Cụ thể như: Học thế nào là đô thị hóa? Học sinh phải nắm được khái niệm: Đô thị hóa là quá trình phát triển về số lượng và quy mô của các điểm dân cư đô thị, sự tập trung dân cư trong các thành phố và phổ biến rộng rãi lối sống thành thị.

Từ khái niệm đó học sinh suy luận ra đô thị hóa có 3 đặc điểm: Dân cư thành thị tăng nhanh; dân cư tập trung vào các thành phố lớn và cực lớn; phổ biến rộng rãi lối sống thành thị

Hơn nữa học sinh áp dụng vào trường hợp cụ thể đô thị hóa trên thế giới, đô thị hóa ở Việt Nam thể hiện 3 đặc điểm trên như thế nào.
 
Kết hợp hiệu quả các phương tiện nghe nhìn

Kết hợp hiệu quả các phương tiện nghe nhìn

Sử dụng các phương tiện nghe nhìn khi cần thiết giúp học sinh hiểu được các khái niệm khó và trừu tượng bởi học sinh có xu hướng nghe nhìn rất nhiều.

Với những học sinh này thì một videoclip, bản đồ, giản đồ hoặc sơ đồ sẽ có tác dụng hơn hàng ngàn chữ viết hoặc bài giảng bằng lời.

Ví dụ: Khi dạy về các chuyển động chính của trái đất, giáo viên cho học sinh xem videoclip về chuyển động tự quay và quay xung quanh mặt trời của trái đất, học sinh sẽ dễ dàng đưa ra các hệ quả của các chuyển động đó. Như vậy việc tiếp thu kiến thức nhẹ nhàng hơn, học sinh hứng thú hơn.

Dạy học sinh cách suy luận

Cô Nguyễn Thị Thanh Hải khuyến cáo, giáo viên nên sử dụng tư duy logic khi cần thiết. Hãy chỉ rõ học sinh thấy rằng thông tin nào là số liệu chính xác cần ghi nhớ máy móc, thông tin nào có thể được suy luận nhờ tư duy logic.

Hãy dạy học sinh cách suy luận và cách tiếp nhận kiến thức mới bằng phương pháp tư duy. Một khi học sinh đã sử dụng tư duy trong học tập thì chúng có thể mở rộng kiến thức đến không ngờ.

Sử dụng các hoạt động trên lớp để củng cố kiến thức mới học

Sau khi dạy học sinh những kiến thức địa lí cơ bản trọng tâm của bài, theo cô Nguyễn Thanh Hải, giáo viên nên cho học sinh làm bài tập ngay dựa vào những kiến thức mới.

Những bài tập này có thể ngắn nhưng miễn là làm học sinh hiểu rõ hơn bài học. Giáo viên có thể soạn bài tập nhận thức ngắn, hoặc có thể sử dụng phần câu hỏi và bài tập trong SGK.

Học sinh nên được làm việc theo nhóm, có thể hỏi giáo viên khi làm bài. Cách này có tác dụng rất lớn giúp học sinh hiểu thấu đáo bài mới. Ngoài ra nó sẽ giúp việc có mặt của học sinh có tác dụng tích cực và khuyến khích học sinh đi học đều đặn.

Tạo đường dẫn kiến thức cũ và mới

Một trong những cách rất hiệu quả là giúp học sinh tạo đường dẫn giữa kiến thức mới với kiến thức đã học. Nếu học sinh có thể liên hệ với kiến thức cũ thì việc học kiến thức mới sẽ diễn ra dễ dàng và thuận lợi hơn.

Chẳng hạn, khi dạy về cơ cấu dân số trẻ của Việt Nam, giáo viên có thể hỏi thế nào là dân số trẻ, cơ cấu dân số trẻ có thuận lợi và khó khăn gì đến phát triển kinh tế - xã hội? Những kiến thức này học sinh đã biết. Làm như vậy sẽ giúp học sinh dễ hiểu hơn, phát huy được tính tích cực, chủ động, hứng thú của học sinh.

Hãy tôn trọng học sinh

Học sinh nên được tôn trọng ngay từ khi học tiểu học. Giáo viên có thể kích thích tinh thần trách nhiệm của học sinh bằng cách trao cho họ một số chức vụ. Đây là cách khá hiệu quả với sinh viên các trường đại học, cao đẳng, vì thường những đối tượng này sẽ gắng hết sức để khẳng định mình.

Ví dụ: Khi sử dụng phương pháp thảo luận, cô Hải thường chia nhóm theo màu sắc, theo trò chơi, theo khả năng của từng học sinh, theo mục đích từng bài.

Điều này không chỉ mang lại tính hấp dẫn cho quá trình thảo luận nhóm, giúp giáo viên có thể đánh giá, nhận xét từng học sinh mà các thành viên trong nhóm đều phải hoạt động, đều có một nhiệm vụ cụ thể. Như vậy, học sinh thấy mình rất được tôn trọng, và sẽ thể hiện tự khẳng định mình.

Yêu cầu cao trong giảng dạy

Nếu học sinh không bị áp lực từ yêu cầu học tập với mức tiêu chuẩn nhất định, thì chỉ học sinh ý thức rất cao mới tự học hành chăm chỉ mà thôi.

Mặt khác, yêu cầu cao trong giảng dạy không chỉ tạo động lực cho học sinh mà nó còn tạo ra được những tinh thần phấn khởi cho học sinh khi đạt được những yêu cầu đó.

Mỗi nguyên tắc trên đều có những tác dụng rất khác nhau. Tuy nhiên, cô Nguyễn Thanh Hải cho rằng nguyên tắc 6 và 7 là quan trọng hơn cả. Nếu học sinh không được tôn trọng và không được giữ ở trình độ nhất định thì những nguyên tắc trên cũng sẽ giảm tác dụng.

Theo Hải Bình
Giáo dục & Thời đại