Nhà báo Trần Đăng Tuấn: Tôi ủng hộ bỏ hết “biên chế suốt đời”, bắt đầu từ cán bộ quản lý

(Dân trí) - “Tôi ủng hộ bỏ hết “biên chế suốt đời”, cả công chức và viên chức, nhưng bắt đầu từ biên chế cán bộ quản lý. Chính bộ máy quản lý này phải bị đặt vào sức ép khắc nghiệt nhất đầu tiên. Để không có vị lợi, quan liêu, lạm quyền. Khi có cái máy cái chạy tốt, thì máy móc khác mới vận hành đúng nghĩa”.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn - Chủ tịch HĐQL Quỹ trò nghèo vùng cao có bài viết bàn về vấn đề biên chế giáo viên. Xin trân trọng giới thiệu:

Thứ nhất - Biên chế theo đúng nghĩa cũng là một loại Hợp đồng. Hợp đồng này bên A là Nhà nước. Người kém thì dù là vào công chức hay viên chức cũng không nên tuyển. Tuyển vào rồi mà kém thì dù công chức hay viên chức cũng phải chấm dứt. Giáo viên cũng thế mà ngành khác cũng thế. Nếu cái việc xét và sử dụng Biên chế nhà nước mà làm tốt thì chẳng nảy sinh chuyện gì cả.

Thứ hai - Do việc tuyển và đánh giá làm không tốt nên mới có chuyện chất lượng công chức và viên chức chưa đạt. Bộ máy nhà nước (bên A) không thể chọn hay đánh giá giáo viên (bên B) tốt, nay Nhà nước giao cho bên A phẩy (Hiệu trưởng) quyết định, mà việc chọn A phẩy vẫn theo vận hành cơ chế như bây giờ, thì cái gì đảm bảo nó sẽ tốt lên?. Có thể sẽ có cái thay đổi là Nhà nước bao giờ cũng tốt, chỉ có một số Hiệu trưởng là chưa tốt, dù họ là do Nhà nước chọn ra.

Thứ ba - Vâng, nếu "bỏ biên chế" (theo nghĩa nói trên, chứ không phải theo nghĩa ký hợp đồng hay không) thì giáo viên trường công (trừ các trường công chất lượng đã đang tốt rồi) còn lâu mới giống giáo viên trường tư. Theo nghĩa không bằng. Vì trường tư có động lực cạnh tranh chất lượng, họ quản lý tốt hơn, chọn tuyển chặt hơn và họ cần níu kéo người dạy giỏi hơn.

Thứ tư - Vì vậy, với những nơi mà có động lực tuyển và dùng người giỏi (kể cả các trường công quản trị theo hướng cạnh tranh về chất lượng), việc hợp đồng do ai đứng ra ký (A hay A phẩy) không đáng ngại. Còn khu vực trường công mà cơ chế quản lý chung của Nhà nước vẫn còn kém như hiện nay, không có cơ chế kiểm soát dân chủ, thì việc trút trách nhiệm sang cho A phẩy nó có thể thành đánh bùn sang ao.

Nếu ông Trưởng phòng (hay Sở, Bộ) vẫn thế thì việc ký hợp đồng với Hiệu trưởng do chính các ông đề xuất bổ nhiệm không phải là giải pháp khiến giáo viên tốt được trọng dụng. Cho Hiệu trưởng quyền quyết định, mà Hiệu trưởng vẫn phụ thuộc vào bộ máy quản lý (Phòng, Sở, Ban, Ngành, Uỷ ban...) từng đồng từng hào phải đợi rót về, thì bộ máy ấy chẳng "nhường quyền" thực sự cho Hiệu trưởng đâu.

Thứ năm - Tôi ủng hộ bỏ hết “biên chế suốt đời”, cả công chức và viên chức, nhưng bắt đầu từ biên chế cán bộ quản lý. Chính bộ máy quản lý này phải bị đặt vào sức ép khắc nghiệt nhất đầu tiên. Để không có vị lợi, quan liêu, lạm quyền. Khi có cái máy cái chạy tốt, thì máy móc khác mới vận hành đúng nghĩa. Máy cái chạy không tốt, nhường cái trách nhiệm của mình cho máy A phẩy thì có lẽ thành hai tròng, ba tròng với người đi làm (dù ở lĩnh vực nào).

Mặt khác, nếu là Bộ trưởng, tôi sẽ thúc đẩy tạo các điều kiện công bằng và khuyến khích phát triển thật mạnh hệ thống trường học không phải công lập. Nó sẽ là sức ép để các trường công lập không thể như cũ. Nó cũng tăng quyền lựa chọn cho giáo viên. Nhà nước sẽ chú trọng vào khu vực vùng dân cư khó khăn, vì đó không phải là địa bàn của trường tư.

Thứ sáu - Giáo viên vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo xa xôi giống những người lính ra tuyến đầu. Lính không ký hợp đồng nghĩa vụ với sĩ quan mà với Nhà nước. Vì sao tôi nghĩ không cần nói thêm.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn