Hà Tĩnh:

Nhà trường "ăn chặn" tiền phụ cấp của giáo viên

(Dân trí) - Nhiều giáo viên tại Trường Tiểu học Xuân Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) đang rất bức xúc trước việc bị lãnh đạo nhà trường "cấu" mất một phần tiền đứng lớp, tiền phụ cấp các loại.

Nhiều giáo viên bị bớt xén tiền đứng lớp

Trường Tiểu học Xuân Lộc có 637 học sinh (HS) chia làm 24 lớp. Toàn trường có 41 cán bộ CNVC. Dù Quyết định số 224/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 6/10/2005 quy định rõ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập và Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính quy định những đối tượng không được hưởng tiền phụ cấp ưu đãi (phụ cấp đứng lớp) quy định tại khoản 1, nhưng lãnh đạo Trường Tiểu học xã Xuân Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) lại không căn cứ vào đó mà tự ý đưa ra những quyết định chẳng giống ai để bớt xén tiền của giáo viên (GV).

Số tiền thu học buổi 2 của học sinh được nhà trường chi cho rất nhiều khoản khác nhau.
Số tiền thu học buổi 2 của học sinh được nhà trường chi cho rất nhiều khoản khác nhau.

Đầu tiên là việc nhà trường cắt khoản tiền trợ cấp đứng lớp của GV. Trong đó có trường hợp cô Nguyễn Thị Nga. Từ tháng 9/2010 đến nay, cô Trần Thị Kim Thanh nghỉ ốm vẫn chưa đi dạy trở lại. Để có người đứng lớp, nhà trường đã ký hợp đồng với cô Nguyễn Thị Nga dạy thế cô Thanh. Theo quy định thì cô Nga được hưởng khoản phụ cấp tiền đứng lớp vốn dành cho cô Thanh, tuy nhiên, trong năm học 2012 - 2013, bà Hiệu trưởng đã cắt khoản tiền trợ cấp đứng lớp của cô Nga.

Tương tự, các trường hợp như cô Phạm Thị Thanh xin nghỉ dạy gần 3 tháng, cô Hoàng Thị Huệ xin nghỉ dạy 2 tháng, cô Nguyễn Thị Lợi xin nghỉ dạy 1 tháng và cô Võ Thị Nguyệt xin nghỉ 5 tháng (trong đó 4 tháng nghỉ sinh) nhưng nhà trường không hề báo cáo cắt tiền phụ cấp đứng lớp lên Phòng GD-ĐT huyện Can Lộc. Với việc không báo cáo với Phòng Giáo dục huyện, lãnh đạo Trường Tiểu học Xuân Lộc vẫn ung dung rút tiền đứng lớp của những GV trên.

Ngoài việc ăn chặn tiền phụ cấp của GV, lãnh đạo Trường tiểu học Xuân Lộc còn "cấu" mất một phần không nhỏ tiền đứng lớp dạy buổi hai của hầu hết các GV tại đây. Cụ thể, trong năm học 2012 - 2013, lãnh đạo nhà trường yêu cầu 24 GV chủ nhiệm thu đồng loạt trên 24 lớp mỗi em HS 70.000 đồng/tháng để học hai buổi. Tổng cộng mỗi HS phải đóng 630.000 đồng/năm tiền học 2 buổi. Trong khi cùng nguồn thu trên, nhiều GV ở các trường khác nhận mức thù lao cao hơn 70.000 đồng/buổi, thậm chí có trường xấp xỉ gần 100.000 đồng/buổi, thì các GV dạy buổi hai tại Trường tiểu học Xuân Lộc chỉ được nhà trường chi trả trung bình 60.000 đồng/buổi.

Chẳng hạn như lớp 3D do thầy Thắng chủ nhiệm, có tổng số 31 HS, tổng số tiền các em phải nộp 1 tháng là 2.170.000 đồng. Dù đã "chạy" hết công suất, nhưng số tiền mà thầy Thắng được hưởng chỉ là 1.500.000 đồng. Tượng tự, các GV khác tại trường này cũng bị lãnh đạo nhà trường "cấu" đi hàng trăm ngàn đồng/tháng tiền đứng lớp buổi hai.

Biết sai nhưng vẫn làm

Để tìm câu trả lời cho những bức xúc của GV, cũng như phụ huynh, chúng tôi đã đến Trường Tiểu học Xuân Lộc để làm việc trực tiếp với bà Nguyễn Thị Kim Hương - Hiệu trưởng nhà trường.

Khi được chúng tôi hỏi, căn cứ vào đâu mà nhà trường lại cắt tiền đứng lớp của cô Nga khi cô Nga đang giảng dạy ở nhà trường, bà Hương cho biết: Năm 2011, nhà trường cũng chi trả tiền đứng lớp cho cô Nga. Tuy nhiên, do năm học 2012 - 2013, cô Nga đã có lương trả hợp đồng của huyện là 1.200.000 đồng nên nhà trường đã cắt 35% tiền đứng lớp của cô Nga. Bà Hương phân bua, số tiền phụ cấp đứng lớp của cô Nga được nhà trường đưa vào quỹ phúc lợi.
 
Số tiền thu học buổi 2 của học sinh được nhà trường chi cho rất nhiều khoản khác nhau.
Bà Nguyễn Thị Kim Hương thừa nhận việc cắt tiền đứng lớp của cô Nga và một số giáo viên (thuộc diện không được hưởng tiền đứng lớp nhưng nhà trường vẫn không báo cắt) để chuyển vào quỹ phúc lợi là trái với quy định.

Còn về vấn đề có nhiều trường hợp GV xin nghỉ dạy quá 1 tháng, thậm chí có người xin nghỉ 3 tháng để làm việc riêng nhưng nhà trường vẫn không báo cáo cắt tiền đứng lớp mà vẫn âm thầm rút tiền chi tiêu, bà Nga phân trần làm thế để có chi phí hỗ trợ GV đi tham quan du lịch. "Các khoản phụ cấp tiền đứng lớp của những GV này nhà trường rút về để bỏ vào quỹ phúc lợi. Chúng tôi biết làm thế là sai, không đúng quy định. Nhưng để có tiền thể hổ trợ cho các anh chị em trong trường 1 năm có thể có một chuyến đi tham quan thì chúng tôi đành phải làm thế" - bà Nga nói.

Về khoản tiền học buổi 2, bà Hương cho biết, ngoài hưởng mức thấp nhất theo hợp đồng huyện là 1.200.000 đồng/tháng, GV được hưởng thêm 50.000 đồng/em nếu lớp có trên 25 HS. Trường hợp của thầy Thắng như đã nói ở trên, vốn dĩ chỉ nhận được 1.500.000/2170.000 đồng là nhà trường chi trả 1.200.000 đồng hưởng mức thấp nhất theo hợp đồng huyện cộng với 300 ngàn đồng của 6 em (lớp thầy Thắng có 31 em, nhiều hơn 6 em theo quy định - PV). Các trường hợp khác bà Hương cũng giải thích tương tự.

Chúng tôi đem câu hỏi của phần đông GV về việc số tiền dư còn lại đi đâu, bà Hương ngập ngùng rồi đưa ra một loạt các khoản chi, gồm chi hành chính, chi tiền bồi dưỡng HS giỏi, chi trang bị cơ sở vật chất, chi thưởng HS và tiền dành cho Quỹ Phúc lợi.
 
Khi được thông tin câu trả lời của Hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Hương, một GV cho rằng: "Đấy là lời biện hộ của bà hiệu trưởng để hợp lý hóa thu chi, thực tế các khoản ấy chi đã có ngân sách nhà nước phân bổ. Sẽ hợp lý hơn, nếu chúng tôi không được hưởng thì phần tiền dôi dư còn lại phải trả lại cho HS để các em đỡ thiệt thòi".
 
Theo tìm hiểu của của PV Dân trí, việc nhập nhằng trong thu chi, bớt xén tiền GV của Hiệu trưởng Nguyễn Thị Kim Hương đã diễn ra một thời gian dài. Khi một số GV thẳng thắn đứng ra yêu cầu làm rõ các khoản thu, bà hiệu trưởng luôn tìm cách né tránh, thậm chí chì chiết, đe dọa thuyên chuyển những GV có ý kiến tới những trường khác. Việc làm trên của hiệu trưởng đã khiến nội bộ Trường Tiểu học thêm mất đoàn kết. Các GV Trường tiểu học Xuân Lộc đang mong chờ cơ quan chức trách ở huyện Can Lộc vào cuộc thanh tra toàn diện, để họ được trả lại quyền lợi chính đáng.
 
Xuân Sinh - Văn Dũng