Nghệ An:

Nhà trường thành con nợ, giáo viên bị chậm hưởng chế độ thai sản

(Dân trí) - Ngân sách nợ nhưng Bảo hiểm xã hội huyện Nghi Lộc (Nghệ An) vẫn tính cả nợ và lãi cho các trường học trên địa bàn. Oái oăm hơn, phía bảo hiểm còn phong tỏa chế độ thai sản của các giáo viên vì cho rằng trường đang nợ bảo hiểm thất nghiệp.

Trường thành con nợ, giáo viên chậm hưởng chế độ thai sản

Theo phản ánh của một số nữ giáo viên (GV) Trường THCS Nghi Kiều (Nghi Lộc) thì từ năm 2011 tới nay, các GV không được nhận chế độ thai sản. Thậm chí, có cô giáo, con đã được 14 tháng tuổi nhưng chế độ thai sản vẫn chưa được giải quyết.

Cô Nguyễn Thị Vi (giáo viên môn Địa Lý) cho biết: “Em sinh cháu từ tháng 10/2011. Tới nay cháu cũng đã được hơn 1 tuổi rồi. Mọi hồ sơ, thủ tục để được nhận chế độ thai sản đều đã được hoàn thành từ rất lâu nhưng cho tới nay chế độ vẫn chưa được giải quyết. Lên kế toán trường để hỏi thì kế toán bảo do nhà trường còn đang nợ tiền bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nên phía bảo hiểm không thanh toán cho. Nói như thế thì vô lý quá, tiền BHTN của em được trừ thẳng vào lương, tháng nào hoàn thành xong tháng đó thì sao bảo là nợ tiền bảo hiểm được?”.

Nhà trường thành con nợ, giáo viên chậm được hưởng chế độ thai sản
Hàng tháng, BHXH huyện Nghi Lộc đều đặn gửi thông báo số tiền nợ bảo hiểm và số tiền lãi về cho các trường.

Tương tự, cô giáo Trần Thị Mỹ Dung sinh con đã được 14 tháng nhưng vẫn chưa được hưởng chế độ thai sản tương đương 4 tháng lương cơ bản và 2 tháng tã lót cho con. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài 4 GV tại Trường THCS Nghi Kiều chưa được hưởng chế độ thai sản, nhiều GV ở một số trường trên địa bàn huyện Nghi Lộc như Trường Tiểu học và THCS Nghi Văn, Nghi Lâm… vẫn chưa được nhận số tiền này.

“Lương GV hợp đồng 3 cọc 3 đồng, sinh con thì trăm thứ phải lo, nếu có thêm khoản thai sản thì cũng đỡ được phần nào. Hơn 10 triệu bạc chứ có ít mô. Không có lý gì nghĩa vụ bảo hiểm chúng em tham gia đầy đủ mà chế độ thai sản lại không được giải quyết!”, cô Vi cho biết thêm.

Trao đổi với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Kiều Oanh - kế toán Trường THCS Nghi Kiều cho biết: “Theo thông báo của BHXH huyện Nghi Lộc thì Trường THCS Nghi Kiều hiện đang nợ hơn 47 triệu đồng, bao gồm tiền BHXH, BHTN và BHYT nhưng trên thực tế số tiền trên là tiền BHTN. Mà thực ra nhà trường không nợ, GV không nợ mà đây là số tiền hỗ trợ BHTN 1% từ nguồn ngân sách nhà nước chi trả. Phía bảo hiểm bảo trường đang nợ tiền nên không giải quyết chế độ thai sản cho các GV”.

Không những bỗng nhiên bị phía BHXH huyện Nghi Lộc “gán nợ” số tiền 1% hỗ trợ từ ngân sách nhà nước mà các trường trên địa bàn huyện Nghi Lộc còn phải gánh thêm khoản nợ lãi từ số tiền nợ trên. Ông Bùi Công Nguyên - phó Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Kiều cho biết: Nhà trường không nợ, GV không nợ mà bắt nhà trường phải gánh khoản nợ đó thì vô lý quá. Dù sao thì số tiền đó trước sau gì cũng được phòng Tài chính huyện chuyển về cho các trường nhưng trường lấy ngân sách đâu mà trả tiền lãi được.

Không những nhà trường phải gánh nợ mà quyền lợi chính đáng của người tham gia BHXH cũng không được đảm bảo. Lãnh đạo trường cũng chỉ biết gửi tờ trình lên các cơ quan liên quan nhờ giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi cho các nữ GV nhưng tới nay vẫn chưa được giải quyết”.

“Bảo hiểm làm vậy là sai!”

Sáng ngày 25/11, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Khắc Tùng - phó Giám đốc BHXH huyện Nghi Lộc. Ông Tùng cho biết, từ tháng 1/2009, phía bảo hiểm bắt đầu thực hiện việc thu BHTN tại các đơn vị sự nghiệp. Số tiền BHTN tương đương 2% lương cơ bản, trong đó 1% được trừ từ lương của người lao động, 1% từ nguồn ngân sách nhà nước. Do số tiền 1% từ ngân sách nhà nước trong năm 2009 và 4 tháng đầu năm 2010 chưa được chi trả cho phía bảo hiểm nên theo căn cứ theo quy định của ngành, bảo hiểm phải thu số tiền đó. “Quy định là đóng bảo hiểm tới đâu, giải quyết chế độ tới đó. Đang nợ thì không thể giải quyết chế độ cho người tham gia bảo hiểm được”, ông Tùng cho biết thêm.

Nhà trường thành con nợ, giáo viên chậm được hưởng chế độ thai sản
Theo ông Nguyễn Khắc Tùng - Phó GĐ BHXH huyện Nghi Lộc, biết là thiệt thòi cho người lao động nhưng phía bảo hiểm làm đúng theo quy định.

“Rõ ràng số nợ này không thuộc trách nhiệm của nhà trường và GV nhưng tính nợ cho trường và không giải quyết chế độ thai sản cho người tham gia bảo hiểm là không hợp lý?”, chúng tôi chất vấn. Ông Nguyễn Khắc Tùng trả lời: “Trên máy tính thì không biết ai nợ nên chúng tôi phải tính cho trường. Số tiền bảo hiểm đã đóng, ưu tiên trước hết cho BHYT, BHTN rồi mới đến BHXH. Chúng tôi biết làm như thế này là thiệt thòi cho người lao động nhưng theo quy định của ngành nên phải làm. Đóng đến đâu thì chúng tôi giải quyết chế độ tới đó. Việc tính lãi là do máy tính làm theo phần mềm chứ không phải chúng tôi tính toán ra”.

Theo chúng tôi được biết, số tiền 1% BHTN ngân sách chi trả cho các trường trên địa bàn huyện Nghi Lộc trong năm 2009 và 4 tháng đầu năm 2010 lên tới hơn 1,2 tỷ đồng đã được chuyển về Phòng Tài chính huyện Nghi Lộc. Thế nhưng tới thời điểm này, nghĩa là đã hơn 4 tháng trôi qua, số tiền trên vẫn chưa được chuyển về các trường để nộp lên BHXH huyện.

Lý giải cho sự chậm trễ này, ông Lê Văn Đức - Trưởng phòng Tài chính huyện Nghi Lộc cho biết, do các trường làm số liệu chưa chuẩn, phòng phải đối chiếu đi, đối chiếu lại, mất nhiều thời gian nên tiền chuyển về hơi chậm. “Chúng tôi cũng đã làm việc với BHXH huyện về vấn đề này. Cái này là do ngân sách nợ chứ không phải do các trường nợ nên không thể tính nợ cho các trường được. Ngân sách nợ chứ không phải người lao động nợ nên bảo hiểm không giải quyết chế độ cho người lao động là sai”.

Đại diện BHXH huyện Nghi Lộc thì cứ “làm theo quy định”, còn Phòng Tài chính huyện lại một mực khẳng định việc tính nợ cho trường và không giải quyết chế độ thai sản cho các nữ GV là sai. Trong khi đó, giấy báo nợ vẫn đều đặn hàng tháng gửi về cho các trường và GV vẫn "dài cổ" chờ đợi quyền lợi chính đáng của mình được giải quyết!

Hoàng Lam