TPHCM:

Nhà trường tổ chức gặp gỡ học sinh 2 lần/năm

(Dân trí) - Nhà trường đẩy mạnh tổ chức gặp gỡ trao đổi giữa lãnh đạo với đại diện học sinh; giáo viên chủ nhiệm thường xuyên tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, tình cảm của học trò…

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM vừa có văn bản nêu ra những đề nghị yêu cầu các trường học, giáo viên phải chú trọng hơn đến tâm tư của học trò. Đây cũng là kết luận cho buổi đối thoại Tiếng nói học sinh TPHCM lần 6 năm 2014 diễn ra vào giữa tháng 3/2014 thu hút gần 100 ý kiến từ học sinh (HS).

Việc nắm bắt tâm tư, tình cảm của học trò sẽ giúp cho hoạt động giáo dục hiệu quả hơn.
Việc nắm bắt tâm tư, tình cảm của học trò sẽ giúp cho hoạt động giáo dục hiệu quả hơn. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, TPHCM tham gia hoạt động tư vấn tâm lý

Việc tổ chức gặp gỡ HS để tìm hiểu tâm tư, tình cảm, những vấn đề quan trọng mà các em quan tâm được lãnh đạo ngành giáo dục TPHCM tổ chức nhiều năm nay. Sở GD-ĐT TPHCM đề nghị các đơn vị giáo dục tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức gặp gỡ, trao đổi giữa lãnh đạo đơn vị với đại diện HS-SV, học viên các lớp, ít nhất 2 lần/năm (mỗi học kỳ 1 lần). 

Lãnh đạo nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm thường xuyên tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, tình cảm, suy nghĩ và những nội dung cần lưu ý trong HS để kịp thời báo cáo với lãnh đạo đơn vị. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động khác như hộp thư “Điều em muốn nói”, trang web và hộp thư điện tử của đơn vị, công tác tư vấn trường học.

Thời điểm này, HS băn khoăn rất nhiều về những đổi mới về nội dung và hình thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh CĐ-ĐH cũng như những nội, nhiều đề án hướng đến việc đổi mới công tác giảng dạy và học tập trong nhà trường, nhất là đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho HS phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố” mà Sở GD-ĐT đang triển khai.

Vậy nên, các trường cần tổ chức thông tin đến các em HS và các bậc phụ huynh về những nội dung đổi mới này, tổ chức đối thoại để giải đáp các thắc mắc.

Ngoài ra, lãnh đạo các đơn vị cần tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức Đoàn - Đội - Hội hoạt động, đáp ứng nhu cầu được tham gia hoạt động giáo dục, vui chơi của HS. Các phong trào nghiên cứu khoa học, đôi bạn học tốt, nhóm học tốt, các diễn đàn về phương pháp học tốt và tự học... cần được tổ chức sâu rộng và có hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, những hoạt động tuyên truyền biển đảo, giáo dục truyền thống cũng cần được đẩy mạnh để đáp ứng nhu cầu thông tin, giáo dục đạo đức và định hướng cho HS.

Về công tác an ninh, an toàn trường học, Sở GD-ĐT sẽ đẩy mạnh hoạt động phối hợp với Công an thành phố và lãnh đạo các địa phương nhằm tăng cường công tác đảm bảo an ninh cho nhà trường, an toàn cho HS.

Hoài Nam