“Nhạc viện miễn phí” của cựu giảng viên đại học

(Dân trí) - Bất cứ ai có niềm đam mê âm nhạc đến xin học tại “nhạc viện” là ông Thắng dạy hết. Hơn 10 năm nay, lớp học nhạc của ông không thu bất cứ đồng học phí nào. Với ông, được chia sẻ đam mê âm nhạc là niềm vui mỗi ngày để cuộc sống có thêm nhiều niềm vui.

“Nhạc viện” của ông kỹ sư lâm nghiệp về hưu, cựu giảng viên Phạm Quyết Thắng ở xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) được nhiều người biết đến hơn 10 năm nay. Đây không chỉ là một lớp dạy nhạc miễn phí bình thường mà còn là một “nhạc viện đồng quê” đã đào tạo ra nhiều nhân tài thành công trên con đường âm nhạc.

“Nhạc viện miễn phí” của cựu giảng viên đại học - 1
"Nhạc viện" của ông Thắng được dạy ngay trong phòng khách của gia đình.

Điều đặc biệt hơn hết là từ “nhạc viện miễn phí” của ông Thắng, nhiều hoàn cảnh khó khăn đã được giúp đỡ, nhiều thanh niên chơi bời hoàn cải cuộc đời, nhiều bệnh nhân đau ốm nhờ âm nhạc ông Thắng truyền dạy mà khỏi được bệnh, sức khỏe trở lại bình thường…

Căn nhà ông Thắng nằm sâu trong một con ngõ nhỏ. Từ đường chính đi vào phải vòng vèo qua nhiều ngõ ngách. Khi chưa đến nhà, từ xa chúng tôi đã nghe thấy những âm thanh vang vọng của tiếng đàn piano. Thi thoảng lại vang lên tiếng vĩ cầm du dương mê hoặc lòng người. Nghe thấy những âm thanh quen thuộc từ lớp nhạc từ nhà ông Thắng, mọi người dân sống gần đó đều như quên đi sự tấp nập, ồn ào của cuộc sống thường ngày.

Nói là nhà ở nhưng hơn 10 năm nay, vợ chồng ông Thắng sống quen với cảnh căn nhà nhỏ của mình cũng là một lớp dạy nhạc. Ngoài nhà bếp, phòng ngủ được ngăn cách riêng biệt, phòng khách của gia đình rộng khoảng 20m2 ông Thắng dành trọn làm nơi dạy nhạc. Trong căn phòng nhỏ này chỉ kê được bộ bàn ghế uống nước, còn lại là xếp đủ các loại đàn khác nhau như organ, piano, violin…

“Nhạc viện miễn phí” của cựu giảng viên đại học - 2
Nguyên là một kỹ sư lâm nghiệp, khi về hưu ông Thắng lại gắn cuộc đời mình với việc truyền dạy nhạc cho mọi người

Từ nhỏ ông Thắng đã có niềm đam mê âm nhạc, vì thế trong thời gian theo học Đại học Nông nghiệp tại Hà Nội ông đã tranh thủ đi học thêm các lớp học về âm nhạc. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông được phân về công tác tại lâm trường Sim, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa). Đến năm 1973, ông được điều lên làm Trưởng ban kỹ thuật vùng trồng luồng thuộc 8 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa.

Trong thời gian này, ông Thắng nhớ nhất hai câu thơ được nhiều người làm lâm nghiệp của Thanh Hóa thời bấy giờ ghi nhớ: "Đẩy mạnh công cuộc trồng luồng/ Làm cho Tổ quốc hùng cường xanh tươi". Vốn là người đam mê âm nhạc, từ hai câu thơ này ông đã sáng tác ra nhiều bài hát có liên quan đến cây luồng. Nhiều ca khúc về cây luồng của ông cũng được chọn làm bài hát cổ vũ phong trào trồng luồng của toàn tỉnh Thanh Hóa.

Sau thời gian công tác tại vùng trồng luồng, ông Thắng được chuyển về làm giảng viên dạy học tại trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa (nay là Trường Đại học Hồng Đức). Là một giảng viên dạy chuyên ngành về Nông lâm, nhưng ông Thắng cũng luôn đi đầu trong phong trào văn hóa, văn nghệ của nhà trường. Nhiều năm liền ông là đội trưởng đội văn nghệ, thường xuyên hướng dẫn, chỉ đạo đội văn nghệ đi thi các hội thi, hội diễn phong trào. Đến năm 2000 thì ông về hưu và tham gia phong trào khuyến học của địa phương. Hiện ông đang làm phó Chủ tịch Hội Khuyến học của xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư, Ninh Bình.

“Nhạc viện miễn phí” của cựu giảng viên đại học - 3
Ông Thắng cần mẫn chỉ bảo từng nốt nhạc cho các em nhỏ.

Cơ duyên mở lớp dạy nhạc đến với ông bắt đầu từ những đêm mang đàn ra sân chơi cho khuây khỏa khi về hưu. Thấy tiếng đàn, tiếng hát của ông mọi người trong làng ai nghe cũng say mê. Cứ tối đến, mọi người lại kéo nhau sang nhà để được nghe ông đàn hát. Nhiều trẻ em, người lớn say mê âm nhạc từ đó và xin ông được theo học nhạc. Thấy mọi người thích thú, muốn theo học ông Thắng mở “nhạc viện” từ đó.

“Nguyện vọng của tôi muốn mở lớp nhạc là để dạy cho các cháu ở quê có niềm đam mê, năng khiếu âm nhạc nhưng vì hoàn cảnh gia đình không có điều kiện cho đi học. Các cháu đang còn trẻ, được đào tạo bài bản tài năng sẽ phát triển trong tương lai” - ông Thắng chia sẻ.

Ông tâm sự thêm: “Không chỉ dạy nhạc cho các cháu mà tôi còn dạy cả về đạo đức, cách sống, học làm người có ích cho xã hội. Âm nhạc không chỉ cho con người ta thỏa mãn niềm đam mê mà còn cho ta giá trị của cuộc sống. Nó giúp con người thêm yêu đời, tâm hồn được thoải mái và hướng thiện nhiều hơn”.

Từ những ngày đầu chỉ là lớp dạy nhạc giúp các em nhỏ trong làng ngoài xã. Tiếng lành đồn xa, lớp học của ông Thắng ngày càng có đông thêm các học sinh ở xa đến xin theo học. Có lúc đến cả vài chục em xin học, ông không từ chối một ai mà nhận lời hết để dạy cho các em.

“Nhạc viện miễn phí” của cựu giảng viên đại học - 4
Nhờ "nhạc viện miễn phí" của ông Phạm Quyết Thắng mà nhiều em nhỏ đã thành công trên con đường nghệ thuật.

“Tụi nhỏ đam mê âm nhạc cũng giống như tôi khi còn trẻ vậy. Ban đầu chúng thích thú, nhưng khi học sẽ cảm thụ được và đam mê nhiều hơn. Những tiếng nhạc có sức hút với con người rất kỳ lạ, nhất là khi mình nghe và hiểu được nó. Đây chính là nền tảng mà nhiều em đã thành công được từ lớp học này” - ông Thắng nói.

Hơn 10 năm mở “nhạc viện” đào tạo miễn phí, đến nay lớp học của ông đã có hàng trăm học viên được tạo. Học viên đến với lớp nhạc của ông không chỉ có các em học sinh mà còn có nhiều người lớn. Mọi người đến lớp của ông Thắng không kể tuổi tác, địa vị xã hội, hoàn cảnh sống, địa phương… bất cứ ai đam mê âm nhạc đến xin học là ông Thắng dạy hết.

“Mỗi năm lớp học của tôi có hơn 50 học viên. Sau thời gian dài dạy nhạc cho các em học sinh, từ lớp nhạc này hiện đã có 128 em đỗ vào các trường âm nhạc trong cả nước. Có nhiều em sau khi học xong đã ra đi dạy, thành công trên con đường âm nhạc. Niềm vui lớn nhất đối với tôi là vào mỗi dịp lễ Tết, các em học sinh về thăm thầy rất đông vui” – ông Thắng chia sẻ.

Trong số những học viên mà ông Thắng từng đào tạo, có nhiều học viên đặc biệt mà ông không thể quên được đó là em Nguyễn Văn Thành bị bại não, sau nhiều năm học tại lớp của ông đã bình phục, sau đó thi đỗ vào trường đại. Đặc biệt nhất phải kể đến ông Nguyễn Văn Lạp (Hà Nội) trước kia công tác tại Bộ GTVT, dù đã 75 tuổi nhưng khi nghe tin về lớp nhạc của ông Thắng, ông Lạp đã đến xin theo học.

Trước khi đến học nhạc, ông Lạp bị tai biến. Tuy nhiên sau thời gian dài theo học tại “nhạc viện” của ông Thắng, ông Lạp đã bình phục sức khỏe, không còn đau ốm như trước nhờ cảm thụ được âm nhạc.

“Nhạc viện miễn phí” của cựu giảng viên đại học - 5
Được chia sẻ đam mê âm nhạc giúp cho cuộc sống của ông Thắng có thêm niềm vui mỗi ngày.

Ngoài ông Lạp còn có ông Trần Doanh, nguyên là giảng viên trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Khi đến xin học nhạc ông Doanh đã 80 tuổi, với quyết tâm để học được nhạc, hàng ngày ông Doanh đạp xe vượt hàng chục cây số từ Nam Định sang Ninh Bình để được ông Thắng dạy nhạc.

Ông Thắng chia sẻ: “Hằng ngày lớp dạy nhạc được bắt đầu từ lúc 7h30, nghỉ trưa đến khoảng 2h30 lại tiếp tục dạy buổi chiều. Lớp học dạy quanh năm, cứ có ai đến đăng ký học là tôi dạy. Hiện nay có nhiều tầng lớp nhân dân trong xã đều đến xin học nhạc. Ban ngày tôi dạy cho các cháu học sinh, tối đến thì dạy cho các thành phần khác như thanh niên, phụ nữ… Lớp học từng có cả Bí thư Đảng ủy xã cũng đến xin học, lãnh đạo các đoàn thể trong xã thì kể không hết”.

Ông Nguyễn Đức Dục - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Ninh Mỹ chia sẻ: "Lớp học nhà của anh Thắng ngoài dạy miễn phí cho những người đam mê, muốn phát triển con đường âm nhạc thì đây còn là lớp học của Trung tâm học tập cộng đồng do Hội Khuyến học xã chủ trì. Nhiều năm qua, lớp học nhạc này luôn là địa chỉ tin cậy, là nơi đào tạo ra nhiều thế hệ học sinh của địa phương thành công trên con đường âm nhạc. Đặc biệt, lớp học có tính cộng đồng nên mọi người dân đều có thể tham gia. Anh Thắng cũng là người nhiệt tình và rất tâm huyết với âm nhạc nên đã truyền cảm hứng và đam mê cho mọi người, khi học rất nhanh tiếp thu".

“Âm nhạc mãi là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mọi người. Ngày nào tôi còn sức khỏe thì ngày đó tôi sẽ tiếp tục dạy nhạc cho mọi người” - ông chủ "nhạc viện miễn phí" chia sẻ.

Thái Sơn