Nhận định giáo viên: Đề thi Lịch sử phát huy tối đa năng lực của học sinh

(Dân trí) - Không còn những câu hỏi mang tính chất học thuộc lòng, học vẹt, đề thi Lịch sử năm nay được đánh giá là hay, toàn diện, mang hơi thở thời đại và tiệm cận với cách dạy và học Lịch sử mới, đó là đi vào cốt lõi, bản chất của sự kiện chứ không đơn thuần là trình bày diễn biến của sự kiện.

Cô Hoàng Thị Lan Hương, giáo viên Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội):

Đề thi Lịch sử năm nay có thể nhìn thấy ngay là rất hay, mảng kiến thức rất toàn diện và đảm bảo đầy đủ cấu trúc đề thi của Bộ. Đề thi cung cấp đủ kiến thức cơ bản cho học sinh lớp 12, đảm bảo để học sinh có thể đạt được số điểm từ 5-7.

Đề thi phân hóa rất uyển chuyển ở câu 3, câu 4, có vận dụng thấp, vận dụng cao, đòi hỏi học sinh phải có khả năng tổng hợp và phân tích, nhận định, đánh giá một cách sắc nét. Học sinh không thể học tủ, không thể học lệch mà phải thẩm thấu rất rõ mới có thể trình bày được một cách mạch lạc, khoa học, đủ ý và đạt điểm cao.

Câu số 3 ở phần một phân tích tác động của Tiến công chiến lược Đông – Xuân 1953 - 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954), câu này đòi hỏi học sinh phải rất khôn khéo, ví dụ như phải có cái nhìn khái quát về cuộc Tiến công chiến lược Đông – Xuân, phân tích sâu chủ trương của ta trước đường hướng của địch, sau đó kết hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ để lãm rõ sự tác động đến chủ trương của ta. Có nghĩa các em phải hiểu chủ trương của ta, phải linh hoạt, sáng tạo để làm rõ được chủ trương đúng đắn của Đảng làm cho địch không thể chủ động như mong muốn mà bị đẩy vào tình huống bị động.

Tôi rất thích tính thực tế thể hiện trong đề, đó là đường lối đổi mới của Đảng, phù hợp với chủ trương đổi mới hiện nay của toàn Đảng ta. Đối với chủ trương đoàn kết dân tộc, thực ra từ trong sâu thẳm chúng ta có rồi nhưng phải làm sao để thể hiện được ra rõ phải bằng những việc làm và hành động cụ thể. Ví dụ như tinh thần tương thân tương ái, những chương trình mang tính cộng đồng mà tuổi trẻ đi đầu như chiến dịch mùa hè xanh…

Phát huy truyền thống dân tộc theo tôi là sự vận dụng rất hay của đề thi năm nay, đảm bảo tính thực tiễn cao và đòi hỏi trách nhiệm của cá nhân học sinh đó trước yêu cầu phát triển của đất nước.

Nhận định giáo viên: Đề thi Lịch sử phát huy tối đa năng lực của học sinh - 1

Cô Ngô Thị Hạnh, Giáo viên Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội):

Đề thi môn Lịch Sử năm nay bám sát chương trình sách giáo khoa và đúng cấu trúc của Bộ như mọi năm. Đề thi có sự phân hóa từ thấp đến cao, từ mức nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp đến vận dụng cao. Ở câu hỏi 1 và câu hỏi 2, các em đều có thể làm được, từ câu hỏi 3 trở đi bắt đầu có sự phân hóa, đòi hỏi các em phải có sự phân tích.

Đa số các em đều có thể đạt điểm trung bình, còn để đạt được điểm cao thì đòi hỏi các em phải học sâu, học kỹ, có sự phân tích, đối chiếu, so sánh.

Câu hỏi cũng có hướng mở để các em suy nghĩ thực tiễn, phát huy vai trò thanh niên ngày nay đối với truyền thống đoàn kết dân tộc. Trong quá trình dạy và ôn tập, các giáo viên luôn nhắc các em về đề thi theo hướng mở, sẽ có phần câu hỏi theo dạng liên hệ, vận dụng với thực tế ngày nay nên các em sẽ không bỡ ngỡ với dạng đề này.

Nhận định giáo viên: Đề thi Lịch sử phát huy tối đa năng lực của học sinh - 2

Cô Đặng Ngọc Tú, giáo viên Trường THPT Kim Liên (Hà Nội):

Đề thi năm nay có sự phân hóa rất rõ ràng với học sinh. Nếu như câu 1, 2 là những câu học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản chương trình Lịch sử lớp 12 là có thể trả lời được thì sang đến câu 3, câu 4 đề đã có sự vận dụng thấp và vận dụng cao. Do vậy học sinh phải có cả kiến thức xã hội mới có thể làm được. Theo tôi, đề thi này sẽ có thể chọn lựa được những học sinh giỏi.

So sánh với đề thi năm trước, tôi thấy đề thi năm nay rất hay. Nó vừa sức với học sinh, chỉ cần nhìn vào câu 1, câu 2 các em có thể trả lời được ngay, có cảm giác đầu tiên là yên tâm, tự tin để làm bài. Sau đó đến câu 3, 4 mới nâng cao dần.

Với lượng kiến thức và cách ra đề giúp các em yên tâm như năm nay, cá nhân tôi hy vọng kỳ thi THPT Quốc gia năm tới sẽ có thêm nhiều hơn các em học sinh lựa chọn môn Lịch sử để dự thi.

Nhận định giáo viên: Đề thi Lịch sử phát huy tối đa năng lực của học sinh - 3

Cô Lê Mỹ Dung, giáo viên Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội):

Đề thi năm nay đáp ứng đúng chủ trương của Bộ, đó là hạn chế dần việc học sinh phải tiếp nhận quá nhiều kiến thức thay vào đó là đề ra dưới dạng định hướng phát huy tối đa năng lực, đánh giá vấn đề của học sinh.

Đề thi có sự phân hóa rõ ràng hơn so với năm trước. Ở câu 1, câu 2, học sinh trung bình khá có thể làm được bài ngay. Sự phân hóa rõ nét nhất thể hiện ở ý 2 câu 3 và câu 4.

Để trả lời được hai câu hỏi này, ngoài việc học sinh phải nắm được kiến thức cơ bản thì cần phải vận dụng cả kiến thức xã hội, cập nhật các vấn đề thời sự hiện nay mới có thể giải quyết được. Đây là hai câu hỏi yêu cầu thí sinh phải có khả năng vận dụng cao, tốt mới làm được bài.

Tôi cho rằng, đề thi năm nay vừa sức với học sinh và phổ điểm sẽ có sự phân hóa rõ cao thấp.

Nhật Hồng (ghi)