Nhận xét học sinh Tiểu học cần sự yêu nghề, tận tâm

(Dân trí) - Giáo viên không khỏi lúng túng khi phải chọn câu từ, lời lẽ sao cho thật sâu sát, phù hợp với từng em học sinh. Việc nhận xét bằng cách ghi vào vở của học sinh đã tạo ra không ít áp lực cho các giáo viên vì mất nhiều thời gian...

Trên đây là những khó khăn mà cán bộ, giáo viên (GV) ở Hậu Giang gặp phải khi thực hiện Thông tư 30 được các cán bộ, GV đưa ra tại buổi hội thảo "Đổi mới đánh giá học sinh Tiểu học theo Thông tư 30" do Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang tổ chức mới đây.

Buổi Hội thảo về Thông tư 30 của ngành Giáo dục Hậu Giang.
Buổi Hội thảo về Thông tư 30 của ngành Giáo dục Hậu Giang.

Tại buổi hội thảo, ông Bùi Đức Quang - Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (thuộc Sở GD-ĐT Hậu Giang) cho biết, việc triển khai đánh giá học sinh (HS) Tiểu học theo Thông tư 30 trong ngành giáo dục ở Hậu Giang bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định.

Qua triển khai cho thấy, đội ngũ GV và cán bộ quản lý giáo dục Tiểu học có trách nhiệm, tâm huyết hơn với HS, với công việc. GV đổi mới phương pháp, điều chỉnh hình thức nội dung dạy học phù hợp với đối tượng HS và kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của HS để động viên, khích lệ những hạn chế của HS, từ đó giúp đỡ ngay trong quá trình dạy học để các em tiến bộ. Bên cạnh đó, GV cũng gần gũi, sâu sát và hiểu HS hơn, tạo hứng thú, niềm vui cho các em cũng như tăng sự gắn kết giữa gia đình, nhà trường trong việc giáo dục HS.

Tuy nhiên, theo ông Quang, việc thực hiện Thông tư 30 cũng gặp không ít khó khăn. Vẫn còn một số GV, cán bộ quản lý giáo dục Tiểu học, cha mẹ HS chưa thực sự hiểu hết ý nghĩa và chưa ủng hộ việc đánh giá HS Tiểu học theo Thông tư này. Một số ít GV và cán bộ quản lý giáo dục Tiểu học chưa thực sự trách nhiệm, tâm huyết vào việc thực hiện và chỉ đạo thực hiện đánh giá HS Tiểu học. Vẫn còn tình trạng một số nhà trường, cán bộ quản lý chỉ đạo máy móc, cứng nhắc gây áp lực cho GV, nhất là về hệ thống hồ sơ, sổ sách.

Qua ghi nhận cho thấy, một số GV gặp khó khăn khi đánh giá bằng lời trong từng giờ học vì mất nhiều thời gian. Một bộ phận cha mẹ HS chưa thực sự yên tâm với cách đánh giá mới hoặc không thích cách nhận xét. Do đó, phụ huynh HS chưa biết cách hoặc chưa tham gia đánh giá như yêu cầu của Thông tư 30.

Theo ông Quang, nguyên nhân còn khó khăn do GV đã quen với việc đánh giá bằng điểm số nên khi chuyển sang đánh giá bằng nhận xét các môn học và hoạt động giáo dục, GV còn cảm thấy khó, lúng túng khi thực hiện. Một số GV chưa nghiên cứu kỹ Thông tư 30 cũng như năng lực còn hạn chế, không theo kịp với sự đổi mới về đánh giá HS. Trong khi đó, khi GV không còn chấm điểm, cha mẹ HS muốn ngày nào con em mình cũng được GV ghi nhận xét vào vở, gây áp lực cho GV.

Buổi Hội thảo về Thông tư 30 của ngành Giáo dục Hậu Giang.
Ông Bùi Đức Quang - Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học cho biết, việc thực hiện Thông tư 30 của ngành Giáo dục tỉnh Hậu Giang vẫn còn gặp một số khó khăn.

Ông Trần Văn Thiện (chuyên viên Phòng GD-ĐT TP Vị Thanh) cho hay, bước đầu thực hiện Thông tư 30, GV không khỏi lúng túng khi phải chọn câu từ, lời lẽ để nhận xét cho thật sâu sát, phù hợp với từng em. Việc nhận xét bằng cách ghi vào vở của HS tạo ra không ít áp lực cho giáo viên vì mất nhiều thời gian vì phải cân nhắc nội dung ghi sao cho phù hợp với thực tế bài làm của HS, phải chỉ ra được chỗ hạn chế và có biện pháp hỗ trợ một cách phù hợp, chưa kể đến trường hợp không phải GV nào cũng đủ tự tin về nét chữ khi phải viết vào vở của HS. Với lời nhận xét đạt hoặc chưa đạt, hoàn thành hay chưa hoàn thành, phụ huynh sẽ không khỏi thắc mắc bởi chỉ biết con em mình đạt chứ không biết đạt mức độ nào bởi chưa thích ứng được với việc học tập không thành tích của con em mình.

Theo thầy Nguyễn Thanh Truyền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nàng Mau I nhận định, Thông tư 30 đối với những em có học lực yếu hơn so với các bạn trong lớp không phải chịu áp lực vì thua sút ban bè, ngược lại các em được khích lệ và được động viên rất nhiều. Từ đó, giúp các em có hướng phấn đấu, vươn lên trong học tập.

Tuy nhiên, theo thầy Truyền, qua thực hiện Thông tư 30 thì nhận thấy những lời nhận xét của GV còn chung chung dẫn đến phụ huynh HS còn hiểu mơ hồ, chưa chỉ rõ những điểm yếu các em cần lưu ý nhằm giúp HS và phụ huynh có biện pháp hỗ trợ giúp đỡ con em mình. Nhiều GV cho rằng, với HS có học lực trung bình, yếu thì việc nhận xét có phần dễ hơn bởi có nhiều ý để phê hơn nhưng GV lại gặp khó khăn khi không được dùng trực tiếp những từ ngữ nêu ra khuyết điểm của học trò, làm tổn thương các em mà phải nhận xét theo hướng động viên khuyến khích.

Cái khó nữa theo thầy Truyền là GV mất rất nhiều thời gian cho việc ghi sổ sách. Vào cuối kỳ vừa ghi nhận xét của học sinh, vừa ghi sổ theo dõi chất lượng tháng, cuối kỳ, vừa phải ghi học bạ. Chưa nói đến một số nơi giáo viên làm lại sổ chủ nhiệm theo mẫu mới, viết sổ liên lạc. “Trường Tiểu học Thị trấn Nàng Mau I với 29 lớp, có trên 1.000 học sinh, việc nhận xét của giáo viên bộ môn phải tranh thủ mọi thời gian từ giờ ra chơi, tan trường cho đến mang về nhà để nhận xét kết quả học sinh”- thầy Truyền nhấn mạnh khó khăn GV của trường gặp phải.

Cô Vương Thúy Hằng (Tổ trưởng chuyên môn khối 4&5, Trường Tiểu học Phú Hữu I) nhìn nhận, lần đầu thực hiện Thông tư 30 nên kinh nghiệm còn hạn chế, ít nhiều bỡ ngỡ lúng túng trong cách lựa chọn từ ngữ, câu chữ từ trong việc ghi lời nhận xét vào vở học tập hay sổ theo dõi kết quả học tập của HS. Theo cô Hằng, qua 1 năm thực hiện vẫn còn không ít băn khoăn, lo lắng của GV và phụ huynh trong việc thực hiện thế nào để đánh giá một cách chính xác và khách quan, không gây áp lực, bảo đảm khuyến khích được từng HS vươn lên trong học tập, nhất là HS còn thụ động.

Nhận xét học sinh cần sự yêu nghề, tận tâm. (Ảnh minh họa)
Nhận xét học sinh cần sự yêu nghề, tận tâm. (Ảnh minh họa)

Còn cô Trương Thị Mỹ Phụng (GV Trường Tiểu học Hùng Vương) cũng chia sẻ, từ trước đến nay, GV chỉ tập trung truyền đạt kiến thức và đánh giá bằng điểm số, chưa chú trọng việc đánh giá bằng chữ viết nên bước đầu còn lúng túng trong việc chọn câu từ thích hợp với từng đối tượng HS, nhất là các lớp có số HS đông và có nhiều HS cá biệt.

Theo cô Phụng, qua ghi nhận cho thấy vẫn còn tình trạng GV chỉ nhận xét về nội dung HS chưa hoàn thành chứ chưa tư vấn để HS làm lại cho hoàn thành hoặc GV chưa chỉ cho các em biết sai ở chỗ nào. Cô Phụng đưa ra ví dụ: Như khi dạy chính tả bài “Vàm Cỏ Đông” ở khối lớp 3, GV yêu cầu HS đọc thầm và viết khổ thơ 4 câu. Sau đó GV thu vở, nhận xét một số bài như: “Em viết chưa đúng”... Theo cô phụng, câu “Em viết chưa đúng” là rất mơ hồ, bởi HS chưa biết chưa đúng là chưa đúng chính tả hay chưa đúng cách trình bày nên GV cần ghi cụ thể hơn nữa.

Cô Phụng kiến nghị, GV chủ nhiệm cần phối hợp chặt chẽ với GV bộ môn và phụ huynh HS để nắm bắt đối tượng HS chính xác, đánh giá hợp lý, bởi theo Thông tư 30 là không chỉ xác nhận HS học được gì mà còn đánh giá quá trình các em học như thế nào. Từ đó, GV hướng dẫn, giúp đỡ, động viên cụ thể phù hợp cho từng HS.

Nhận định về áp dụng thực hiện Thông tư 30, cô Lương Thị Thu Trang (GV Trường Tiểu học Thạnh Xuân I) cho rằng, áp lực lớn nhất đối với GV môn chuyên ở Tiểu học là phải đối diện với khối lượng nhận xét quá lớn. Hiện nay, một lớp học khoảng 35 HS, việc đánh giá bằng nhận xét đối với từng em khá nặng về sổ sách và mất nhiều thời gian cho GV.

Cô Trang cho biết, theo trách nhiệm thì đánh giá HS phần lớn dồn cho GV trực tiếp giảng dạy. Để có lời nhận xét một cách chính xác, đánh giá đúng thực chất, GV phải tranh thủ mọi thời gian có thể để ghi lời nhận xét. Từ đó dẫn đến nhiều GV phải ghi sẵn những lời nhận xét chung chung mang tính hình thức, chưa đi sâu, chưa cụ thể vào từng HS.

Theo cô Trang, để giảm áp lực cho GV môn chuyên, GV không nhận xét phần năng lực và phẩm chất HS hàng tháng, học kỳ, cả năm mà để GV chủ nhiệm đánh giá sẽ thích hợp hơn. GV môn chuyên chỉ phối hợp khi cần nhận xét những HS đặc biệt. Để nhận xét có hiệu quả đối với HS thì GV phải dựa vào nội dung bài học, căn cứ vào sản phẩm đạt được của HS ở mức độ đối chiếu với chuẩn kiến thức kỹ năng xem còn hạn chế gì, đồng thời hướng dẫn HS biết tự đánh giá mình và đánh giá bạn. Cách đánh giá mới không chỉ ghi nhận kiến thức HS đạt được mà còn đánh giá quá trình HS có được kiến thức và vận dụng kiến thức ấy như thế nào.

“Việc đánh giá HS cần sự sát sao và kiên nhẫn, tập trung nhiều vào động viên, khuyến khích, tuyên dương những thay đổi tích cực, tiến bộ của các em. Cách đánh giá đòi hỏi GV phải yêu nghề, tận tâm. Còn phụ huynh phải quan tâm, sâu sát việc học của con em mình, quan tâm nhiều hơn bằng cách đọc kỹ những lời nhận xét chu đáo của GV để phối hợp kịp thời, chặt chẽ với giáo viên giúp đỡ con em mình” - cô Trang nêu quan điểm.

Nhiều cán bộ, GV cũng ý kiến cho rằng, đối với HS khi mới vào lớp 1 đọc chưa trôi chảy thì việc đánh giá bằng nhận xét khiến các em không hiểu, không hào hứng dẫn đến không khí lớp học không sôi nổi như cho bằng điểm số.

Trước ý kiến trên, theo quan điểm của một số GV, với HS lớp 1, nhận xét bằng lời nói vẫn được thực hiện nhưng các em còn quá nhỏ nên các em cũng có thể quên lời dặn dò, trong khi nhận xét trong vở thì các em không thể đọc được. Vì vậy, các GV phải tìm cách phối hợp với phụ huynh để đánh giá. Bên cạnh đó, GV phải vận dụng cách dặn dò nhiều lần, yêu cầu các em nhắc lại trước khi về để các em nhớ.

Nhận xét học sinh cần sự yêu nghề, tận tâm. (Ảnh minh họa)
Bà Nguyễn Ngọc Ánh- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang: "Thực hiện Thông tư 30 có hiệu quả hay không là do tâm huyết của mỗi người".

Bà Nguyễn Ngọc Ánh - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang cho biết, Thông tư 30 ra đời đã phát huy được mặt mạnh, khắc phục hạn chế để kết quả học tập của các em HS được nâng lên. Tuy nhiên, bà Ánh cũng ghi nhận từ các địa phương và các trường, việc thực hiện Thông tư 30 vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định.

Để tháo gỡ khó khăn, bà Ánh đề nghị các Phòng GD-ĐT, các trường cần chú ý tăng cường phối hợp với các hội đoàn thể trên địa bàn tuyên truyền Thông tư 30 đến nơi đến chốn, đến từng phụ huynh, cộng đồng.

Theo bà Ánh, các trường cần phải hỗ trợ GV còn gặp khó trong quá trình sử dụng vốn từ để nhận xét HS. Việc đánh giá phải sát thực tế, vừa mang tính chất động viên, khuyến khích, đây là một trong những điểm mấu chốt về thực hiện bằng nhận xét. Bà Ánh cũng yêu cầu các GV không lạm dụng một số câu mẫu có sẵn, không phù hợp đặc điểm tâm sinh lý HS bởi mỗi em có mỗi đặc điểm khác nhau. Bà Ánh cũng nhấn mạnh, việc hỗ trợ GV trong đổi mới phương pháp dạy học phải phù hợp với từng đối tượng HS, có như thế mới nâng cao chất lượng. Đây là một trong những trách nhiệm của các nhà quản lý và thầy cô giáo - những người trực tiếp đứng lớp giảng dạy.

Bà Ánh cho hay, về thực hiện hồ sơ sổ sách được cho là gây áp lực lớn đối với GV thì qua kiểm tra thực tế có GV phàn nàn ghi quá nhiều sổ sách, trong đó có nhận xét việc học tập của HS nên không có thời gian để nghiên cứu chuyên môn. GV cho biết một phần nguyên nhân là do phụ huynh yêu cầu GV ghi vào để họ xem nên nhiều GV đã ghi. Việc làm này dẫn đến chính GV tự tạo áp lực cho chính mình bởi GV chưa tuyên truyền sâu đến phụ huynh. Vì thế, theo bà Ánh, hồ sơ sổ sách không nên quá cứng nhắc mà nên thực hiện sao cho phù hợp với mỗi đơn vị.

“Việc đánh giá học sinh không nên chạy theo thành tích mà quan trọng là chất lượng. Thực hiện có hiệu quả và thành công hay không là do khả năng và tâm huyết của mỗi người” - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hậu Giang đúc kết. 

Huỳnh Hải

Thông tin, bài viết về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!