Nhật Bản thu hút học viên nước ngoài sang học nghề Điều dưỡng

(Dân trí) - Các trường đào tạo điều dưỡng viên ở Nhật Bản đang thu hút một số lượng ngày càng tăng các học viên nước ngoài sang nước này học ngành Điều dưỡng và ở lại xin việc bởi vì theo quy định sửa đổi có hiệu lực từ năm nay, điều dưỡng viên có thể thường trú ở Nhật để làm việc.

Số lượng học viên nước ngoài tăng là một mối lợi cho các trường. Khi Nhật Bản đối mặt với sự thiếu hụt trầm trọng nhân lực trong ngành Điều dưỡng, nước này phải nỗ lực thu hút công nhân sẵn sàng làm công việc vất vả là chăm sóc người già.

Theo Hiệp hội các trường đào tạo Điều dưỡng viên Nhật Bản, tính ở cả các trường nghề và trường cao đẳng, số lượng học viên nước ngoài học nghề Điều dưỡng ở Nhật Bản là 257 người trong năm tài chính 2016, tăng hơn 7 lần so với con số 34 người vào năm 2011.

Theo hiệp định đối tác kinh tế song phương giữa Nhật Bản và Indonesia, Philippines và Việt Nam, những điều dưỡng viên triển vọng người nước ngoài chỉ được thường trú ở Nhật Bản sau ít nhất 3 năm làm việc và thi đỗ kỳ thi năng lực quốc gia trong năm thứ 4.

Theo quy định sửa đổi của Luật Nhập cư được thông qua năm ngoái và sẽ có hiệu lực trong năm nay, người nước ngoài theo học các trường điều dưỡng ở Nhật Bản sẽ được thường trú ở nước này sau khi có chứng chỉ Điều dưỡng viên

Với quy định sửa đổi này, ngành Điều dưỡng Nhật Bản hy vọng sẽ thu hút được thêm nhiều công nhân nước ngoài làm điều dưỡng viên. Trong khi đó các học viên nước ngoài, trong đó có cả những học viên các trường ngôn ngữ tiếng Nhật cũng kịp thời nắm lấy cơ hội học ngành Điều dưỡng.

Hiện Trường Cao đẳng Giáo dục Phúc lợi Nhật Bản ở Tokyo có 15 học viên nước ngoài sau khi nhận 10 học viên nước ngoài khác vào mùa xuân năm ngoái. Nhà trường cho biết, đây là những học viên đến từ các nước Việt Nam, Philippines và Nepal, và nhiều người trong số này mong muốn sẽ được làm việc ở Nhật Bản.

Trong số này có Vũ Thị Thu Trang, 29 tuổi, đến từ Việt Nam.

Trang tâm sự: “Tôi rất vui là bây giờ người nước ngoài có thể làm việc ở Nhật Bản với công việc điều dưỡng. Tôi muốn tiếp tục ở lại và tham gia vào việc chăm sóc người khác”.

Cô Vũ Thị Thu Trang là học viên người Việt Nam hiện đang học ở Trường Cao đẳng Giáo dục Phúc lợi Nhật Bản (Tokyo, Nhật Bản). (Ảnh: Kyodo)
Cô Vũ Thị Thu Trang là học viên người Việt Nam hiện đang học ở Trường Cao đẳng Giáo dục Phúc lợi Nhật Bản (Tokyo, Nhật Bản). (Ảnh: Kyodo)

Mùa xuân năm nay, Trường Cao đẳng Phúc lợi Xã hội Kansai ở Osaka dự định sẽ đón thêm khoảng 30 học viên Việt Nam đến học, con số này chiếm một nửa so với tổng số tối đa 60 học viên mà trường sẽ nhận trong năm nay.

Trong hai năm qua, trường này đã chuẩn bị để đón nhận học viên nước ngoài.

Hiệu trưởng nhà trường, Yohei Yamamoto, nhận định: “Tình trạng ngành Điều dưỡng ở Nhật Bản phải phụ thuộc vào công nhân người nước ngoài sẽ còn duy trì trong những năm tới”.

Trong khi đó, một ngôi trường khác ở Tokyo cũng có lượng học viên nước ngoài tăng hơn 3/4 trong tổng số 60 học viên vào học năm ngoái.

Trong khi đó, số lượng học viên người Nhật Bản vào học ngành Điều dưỡng lại giảm mạnh, chỉ đạt 7.752 người tính đến tháng 4 năm ngoái. Con số này chỉ đạt 46,4% chỉ tiêu.

Ông Kazuhiko Mashiko ở Hiệp hội các trường đào tạo Điều dưỡng viên Nhật Bản cho biết ông “hoan nghênh” khi số học viên nước ngoài tăng. “Việc chấp nhận học viên nước ngoài cũng là một phần của việc đóng góp cho quốc tế”, ông nói thêm.

Tận dụng xu thế phát triển của ngành Điều dưỡng, Hiện hội Dịch vụ Chăm sóc Sức khỏe Người già Nhật Bản vừa lập một nhóm làm việc để trao học bổng cho những học viên triển vọng, những người có thể vừa làm vừa học để tuyển các học viên này khi tốt nghiệp.

Tuy nhiên vẫn còn tồn tại những rào cản đối với điều dưỡng viên người nước ngoài, ví dụ như rào cản về ngôn ngữ và văn hóa. Tỷ lệ thi đỗ của thí sinh nước ngoài trong kỳ thi năng lực quốc gia là 50,9% trong năm tài chính 2015.

Junya Ishimoto, Chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng viên Nhật Bản, cho biết ông hy vọng Hiệp hội có thể hỗ trợ việc giải tỏa những mối băn khoăn của các điều dưỡng viên nước ngoài. “Miễn là các học viên này cố gắng đạt yêu cầu về chuyên môn thì quốc tịch của họ không là vấn đề”, ông nhận định.

Xuân Vũ

Theo Kyodo