Nhất định đến giảng đường

Dù hoàn cảnh khó khăn, nhiều bạn sinh viên các trường đại học, cao đẳng vẫn nỗ lực để giữ cơ hội ngồi ở giảng đường đại học.

Nghèo không phải rào cản

Hồ Quang Nhựt được bạn bè ở lớp 14HS35, khoa Luật Hình sự (trường ĐH Luật TP. HCM) nể phục vì tinh thần hiếu học. Nhựt quê ở ấp An Định, huyện Đức Hoài, tỉnh Long An. Ba Nhựt rời bỏ gia đình khi cậu còn trong bụng mẹ. Ở ấp An Định, gia đình Nhựt thuộc diện nghèo nhất. Cả ba thế hệ nhà Nhựt đều không mua nổi mảnh đất để cất nhà. Ngôi nhà tôn mà Nhựt, mẹ và dì đang cư ngụ được người hàng xóm thương tình cho mượn. Kế mưu sinh của gia đình Nhựt là làm nón lá. Làm việc cật lực, nhưng mỗi ngày cả gia đình thu nhập chưa tới 40.000 đồng. Nhà nghèo không có tiền đóng học phí nên đầu năm lớp 11, Nhựt đã có ý định bỏ học để đi kiếm tiền. Cô giáo chủ nhiệm đến tận nhà khuyên Nhựt tiếp tục học tập và xin nhà trường miễn học phí cho cậu hai năm cuối cấp THPT.

Cách đây hai năm, cầm giấy báo trúng tuyển vào trường ĐH Luật TP. HCM mà cả nhà Nhựt nặng trĩu. Cô Phạm Thị Rem, mẹ của Nhựt nói như mếu: "Gia đình nghèo quá! Bây giờ, con đậu đại học rồi, má biết lấy gì lo cho con trong bốn năm sắp tới?". Không chỉ mẹ và dì của Nhựt băn khoăn mà hàng xóm của cậu cũng xì xào, lo cái ăn cho gia đình đã khó thì lấy tiền đâu đóng học phí, trang trải sinh hoạt bốn năm nơi thành phố đắt đỏ. Thế nhưng, chính cái nghèo đó lại thôi thúc Nhựt càng phải học để vươn lên. Để có tiền nhập học, Nhựt lại ra đồng cắt lúa mướn, hái ớt thuê. Tối về, cậu phụ mẹ và dì làm nón lá. Ngày nhập học, trừ tiền đóng phí, trong túi Nhựt chỉ còn đúng 500.000 đồng. Nhựt xin ở tạm nhà người quen rồi đạp xe đi đến các địa chỉ nhân đạo giáp ranh quận 4 xin ở nhờ. Chẳng có nơi nào nhận, Nhựt đi ở ghép với các bạn trong lớp.

Chiến thắng chính mình

Còn ở trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm, Hồ Thanh Sơn (lớp 12TO1, ngành Sửa chữa ô tô) cũng được nhiều bạn bè yêu mến. Mẹ Sơn mất từ lúc cậu còn nằm nôi. Sơn học lớp 5, ba Sơn lâm bệnh rồi cũng qua đời. Tính tình cậu thay đổi hẳn. Từ học sinh giỏi của lớp, Sơn bỏ bê học hành và nghiện game. Đến năm lớp 9, Sơn thi rớt và muốn ở nhà luôn. Nhờ tình thương và sự cảm hóa của ông nội, Sơn đã nộp hồ sơ nhập học tại trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm. Sơn tâm sự: "Ngày ba qua đời, mình như người mất phương hướng. Đang sống trong sự bao bọc của ba, tình thương của ông bà nội thì nay mình trở thành trẻ mồ côi. Mình trượt dài trong thế giới ảo. Cũng may, mình biết dừng lại đúng lúc và làm lại cuộc đời".

Bây giờ, mỗi khi tan học là Sơn lại về phụ bà nội bán tạp hóa. Rảnh rỗi, cậu đi phục vụ tiệc cưới ở nhà hàng Á Đông (đường Hải Thượng Lãn Ông, Q. 5), kiếm tiền phụ giúp gia đình. Sơn cho biết, thu nhập chính của ông bà nội là lương hưu mà phải trang trải chi phí sinh hoạt cho cả gia đình. Số tiền mà Sơn kiếm được, cậu dùng để trả tiền cho các chi phí của chính mình tại trường.

Ngoài giờ học, Hồ Thanh Sơn còn giúp bà nội bán tạp hóa
Ngoài giờ học, Hồ Thanh Sơn còn giúp bà nội bán tạp hóa.

Quyết định tương lai

Dù nhận 2 - 3 đầu việc làm thêm nhưng thành tích học tập của Hồ Quang Nhựt luôn đứng nhất nhì ở lớp 14HS35, khoa Luật Hình sự. Hai năm qua, chưa năm nào điểm tổng kết của Nhựt dưới 7,5. Ngày nào cũng vậy, cứ 5h sáng là Nhựt lại thức dậy xem bài vở. Tối nào không đi làm thêm, dạy kèm thì Nhựt cũng lấy tìm tài liệu tự nghiên cứu. Nhựt cho biết, chương trình học ở trường Luật khá nặng. Vì vậy, cậu phải nỗ lực không ngừng. Nhựt cho rằng ở vị trí của mình, cậu phải cố gắng học thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của mẹ, dì và những mạnh thường quân đã cưu mang mình. Hơn nữa, ra trường với tấm bằng loại ưu sẽ giúp cậu dễ xin được việc làm, đỡ dần gia đình. Nhựt bước vào năm học thứ ba, cũng là lúc dì và mẹ thay phiên nhau nhập viện. Mỗi lần về, nhìn ngôi nhà tôn thủng lỗ chỗ, Nhựt lại muốn tốt nghiệp thật nhanh để đi làm, có tiền xây cho gia đình ngôi nhà tươm tất. Nhựt tâm sự: "Bây giờ, mình có bảo lưu kết quả học tập, đi làm vài năm cũng không giải quyết được vấn đề. Vì vậy, mình quyết tâm tiếp tục học để sau này có thể tự quyết định tương lai của mình".

Ngoài việc học ở trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm, Hồ Thanh Sơn cũng đang theo học lớp 12 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 11. Sơn cho biết, Hè năm sau, bạn sẽ tốt nghiệp hệ trung cấp tại trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm và THPT tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 11. Sau đó, bạn sẽ dự thi tuyển sinh vào ngành Cơ khí ô tô của trường đại học nào đó hoặc liên thông lên đại học. Dù theo học tại hai trường nhưng ở nơi nào điểm trung bình của Sơn cũng trên 7,5. Tại trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Phú Lâm, học kỳ nào Sơn cũng nhận được học bổng. Sơn cho biết, mình luôn đề cao từ "tranh thủ" để học được nhiều. Nhờ biết sắp xếp thời gian hợp lý, Lâm đã học tốt cả hai trường.

Lên Sài Gòn học, việc đầu tiên của Nhựt là vội vàng đi kiếm việc làm thêm. Hai năm sống xa nhà là từng ấy thời gian cậu tất bật với việc dạy kèm, phục vụ nhà hàng tiệc cưới... Nhựt tâm sự: "Số tiền mình vay ngân hàng Chính sách xã hội huyện chỉ đủ để đóng học phí và phụ lo thuốc men cho dì và mẹ. Vì vậy, rảnh lúc nào là mình lại đi làm". Mỗi tháng, việc dạy thêm đem lại cho Nhựt 1 triệu đồng. Còn 1 buổi đi phục vụ tiệc cưới từ 2h chiều đến 11h đêm được 75.000 đồng. Với số tiền ít ỏi đó, Nhựt trả tiền thuê phòng 300.000 đồng/tháng rồi trang trải chi phí sinh hoạt, mua dụng cụ học tập. Những lúc dì và mẹ đau ốm, Nhựt lại tất tả đón xe buýt về nhà chăm sóc người thân.

 
Theo Quế Sơn
SVVN