Nhiều bộ sách giáo khoa: Phải được kiểm định chặt chẽ!

(Dân trí) - "Trong nền kinh tế thị trường sách giáo khoa cũng là hàng hóa nhưng là loại hàng hóa phải được kiểm định chặt chẽ. Nếu giải quyết được vấn đề này thì những bức xúc cơ bản trong ngành giáo dục sẽ được khắc phục”.

GS Nguyễn Lân Dũng cho biết như vậy khi nói về vấn đề một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa (SGK).

Chính phủ vừa đã thông qua Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông do Bộ GD-ĐT chủ trì xây dựng. Theo đó, Bộ GD-ĐT trực tiếp biên soạn bộ SGK mẫu, sau đó huy động các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn thêm nhiều bộ sách.

Chính phủ vừa đã thông qua Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông do Bộ GD-ĐT chủ trì xây dựng. Theo đó, Bộ GD-ĐT trực tiếp biên soạn bộ SGK mẫu, sau đó huy động các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn thêm nhiều bộ sách. Theo Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông về biên soạn SGK mới, Đề án đưa ra 2 phương án về xây dựng SGK, theo đó, phương án 1 là Bộ GD-ĐT trực tiếp biên soạn đầy đủ một bộ SGK, đồng thời huy động các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn thêm nhiều bộ sách hoặc cuốn sách, nhất là SGK cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; phương án 2 là Bộ GD-ĐT chỉ thẩm định chất lượng các bộ SGK được tổ chức, cá nhân biên soạn.

Ý kiến các các thành viên Chính phủ nhất trí cao với phương án 1 bởi phương án này về cơ bản có các ưu điểm: Bộ GD-ĐT chủ động có SGK trong quá trình chỉ đạo triển khai áp dụng chương trình mới.

Đồng thời huy động được nhiều trí tuệ của các nhà xuất bản (NXB), các tổ chức và cá nhân có năng lực tham gia biên soạn SGK; tạo ra nhiều nguồn thông tin đa dạng và phong phú, nhiều cách tiếp nhận, nhiều cách thức tạo ra SGK; tạo cơ hội có nhiều SGK phù hợp với từng vùng miền, đặc điểm từng địa phương...

Tạo điều kiện nâng cao chất lượng SGK do tạo ra được sự cạnh tranh trong biên soạn, in ấn, phát hành, kinh doanh.... tránh được hiện tượng độc quyền SGK. Tạo lựa chọn cho người sử dụng.

Nhiều bộ sách giáo khoa, ai kiểm định chất lượng?

Nhiều bộ sách giáo khoa, ai kiểm định chất lượng?

Khó đem lại kết quả mong muốn

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, việc huy động lực lượng xã hội tham gia biên soạn để có nhiều bộ SGK phổ thông sẽ tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng sách có lợi cho người học và người dạy.

Tuy nhiên, GS Thuyết cảnh báo khó khăn từ việc này là khả năng hạn chế sai sót, nhất là trong SGK các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Ở Hàn Quốc, tư nhân không được biên soạn SGK tiểu học và SGK các môn học này. Bên cạnh đó, cơ chế lựa chọn, sử dụng SGK, nhất là trong tình hình quyết định của những người có thẩm quyền dễ bị chi phối vì lợi ích nhóm. Cần có giải pháp để lựa chọn được những bộ sách tốt và tương đối ổn định để phù hợp với điều kiện tài chính có hạn của các gia đình Việt Nam.

Về nội dung chương trình, sách giáo khoa, theo đề án của Bộ GD-ĐT xác định tinh thần “kế thừa” chương trình, SGK hiện hành. GS Thuyết cho rằng, phương án mà bộ nêu ra trên thực tế là “xóa đi, làm lại từ đầu”. E rằng phương án này khó đem lại kết quả mong muốn, nhất là khi nó được thực hiện trong một thời gian rất gấp gáp với điều kiện đánh giá chất lượng khó đảm bảo khách quan. Bởi cùng lúc thay đổi SGK ở cả 3 cấp học, đồng thời giao việc thực nghiệm SGK mới cho tác giả tự làm. Xưa nay vẫn có câu “văn mình vợ người”, liệu tác giả có tự thấy được chỗ yếu kém của mình mà khắc phục hay sẽ tô vẽ kết quả thực nghiệm cho đẹp? - GS Thuyết nói.

GS Thuyết đề nghị: “Tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân biên soạn dần từng quyển hoặc từng bộ SGK thay thế SGK hiện hành. Không đặt vấn đề thay đổi toàn bộ SGK ngay một lúc vì như vậy vừa khó đảm bảo chất lượng vừa tốn kém”.

Còn ý kiến của GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng: Bộ GD-ĐT chỉ cần mua hoặc xin chương trình các môn học của một số quốc gia tiêu biểu, không quá chênh lệch quá nhiều với nước ta. Khi chương trình đó được thừa nhận thì việc biên soạn và in SGK chỉ còn là công việc của các nhóm tác giả và các NXB, giống như ở nhiều nước khác, cuốn nào không theo đúng chương trình sẽ không được in, cuốn nào viết dở sẽ ít được mua... Trong nền kinh tế thị trường, SGK cũng là hàng hóa nhưng là loại hàng hóa phải được kiểm định chặt chẽ. Nếu giải quyết được vấn đề này thì những bức xúc cơ bản trong ngành giáo dục sẽ được khắc phục”.

GS Dũng cũng đề nghị: "Giao việc biên soạn Chương trình giáo dục phổ thông cho các Hội khoa học chuyên ngành. Các hội này sẽ liên kết với những thầy cô giỏi ở bậc phổ thông để sớm làm ra những chương trình đáp ứng đủ 4 tiêu chí: hội nhập quốc tế, chính xác nhưng phù hợp với hoàn cảnh nước ta, phù hợp với trình độ dạy và học của thầy và trò với số thực học; có thể sử dụng lâu dài trong nhiều năm".

NXB nước ngoài có được biên soạn sách giáo khoa Việt Nam?

Cũng băn khoăn về vấn đề này, GS.TS Hoàng Văn Vân - ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Một chương trình nhiều bộ SGK là chủ trương phù hợp. Tuy nhiên, đề nghị dự thảo Đề án cụ thể hóa hơn nữa chủ trương này để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nhà nước, những ai quan tâm tham gia, bởi vì khi chủ trương được ban hành thì một loạt câu hỏi có thể được mọi người quan tâm là các NXB nước ngoài có được phép biên soạn SGK cho Việt Nam hay không.

Các cá nhân người Việt Nam có được phép hợp tác với tổ chức hay cá nhân nước ngoài đầu tư vào viết sách ở Việt Nam không? Một tổ chức hay một cá nhân có thể viết nhiều bộ sách của một môn học không? Các tỉnh có được phép thành lập Hội đồng thẩm định sách có sự giám sát và kiểm tra của Bộ GD-ĐT theo chương trình của Bộ ban hành để sử dụng cho địa pương mình hay tất cả sách đều phải thẩm định bởi Hội đồng thẩm định do Bộ thành lập?

Được biết, vào tháng 9, Chính phủ trình Quốc hội về Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông để Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết mới về chương trình, SGK phổ thông.

Hồng Hạnh