“Nhiều đại gia Việt không thiếu tiền sao không mặn mà làm giáo dục?”

(Dân trí) - Đây là câu hỏi đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thúy Lan nêu ra tại phiên thảo luận tại tổ về việc sửa Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học chiều 30/5.

"Đừng coi GS, PGS là danh vị to tát"

Tại tổ thảo luận của đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ, đại biểu Hoàng Thị Thúy Lan bày tỏ quan tâm đến vấn đề xã hội hoá giáo dục đại học. Bà Lan đặt vấn đề: “Tại sao nhiều “đại gia” Việt Nam không thiếu tiền, động cơ, ý chí mà vẫn không mặn mà đầu tư cho giáo dục đại học?”.

Để thể chế hoá, hiện thực hoá thành công chủ trương xã hội hoá giáo dục đại học, đại biểu đề nghị nêu rõ trong luật nguyên tắc ưu tiên tiếp cận đất đai, đảm bảo đủ quỹ đất cho cơ sở giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng; tạo môi trường phát triển bình đẳng cho giáo dục công lập và tư thục…

Liên quan đến câu chuyện học hàm, học vị gây nhiều tranh cãi thời gian qua, đại biểu Nguyễn Thanh Phương - Phó Hiệu trưởng, Đảng ủy viên Đảng bộ trường Đại học Cần Thơ kiến nghị Bộ GD-ĐT nên khảo sát, công bố danh mục các trường đại học được công nhận văn bằng, tạo ra sự minh bạch, thuận lợi cho người học.

Cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục cũng nên chấm dứt việc các viện nghiên cứu đào tạo Tiến sĩ; giới hạn việc phong GS, PGS chỉ trong các trường đại học… “Đừng coi GS, PGS là danh vị gì to tát quá, đó chỉ là ngạch bậc trong giáo dục thôi” - đại biểu Phương nói.

Đại biểu Lê Quốc Phong phát biểu tại tổ thảo luận
Đại biểu Lê Quốc Phong phát biểu tại tổ thảo luận

Đại biểu Lê Quốc Phong (Bình Thuận) - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCSHCM cũng cho rằng, nên có quy định về lộ trình để giao việc phong hàm GS, PGS để các trường đại học tự chủ, tự quyết định. Theo ông Phong, như kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục tiến bộ, giao việc phong hàm cho các trường là để mỗi cơ sở đào tạo tự nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của mình với việc sao để việc này tạo nên danh tiếng, uy tín cho nhà trường.

Thực hiện theo cách này cũng giúp giải quyết được những băn khoăn thể hiện trong xã hội vừa qua về việc “chạy” học hàm, hạ, nợ tiêu chuẩn GS, PGS.

Cha mẹ phải lén đọc Facebook để… đoán xem con nghĩ gì

Tại nhiều tổ thảo luận, các đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn về chất lượng xây dựng 2 dự thảo luật này của Chính phủ.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) nhận xét, hồ sơ luật thiếu những thông tin thuyết phục như phân tích chính sách, dự báo chi phí, nguồn lực thực hiện cũng như lợi ích thu lại. Ông dẫn chứng, luật nêu đề xuất áp dụng quy định về chuẩn giáo viên tiểu học (nâng từ trình độ trung cấp lên đại học) từ 1/1/2026 nhưng không có số liệu cụ thể để thấy được phép tính, mỗi năm chuẩn hoá được bao nhiêu giáo viên, tiêu tốn bao nhiêu, nguồn lực đâu ra để đến 2026 hoàn thành việc này.

Ngoài ra, các văn bản hướng dẫn, nghị định đi kèm dự luật mới làm theo kiểu… đối phó. Ông Giang kiểm tra một số văn bản thì thấy một dự thảo nghị định mà vẫn cóp nguyên xuống tiêu đề của một thông tư đang thực hiện, một dự thảo nghị định khác thì lại cóp nguyên từ luật xuống.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai băn khoăn về chất lượng xây dựng dự thảo luật
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai băn khoăn về chất lượng xây dựng dự thảo luật

Luật sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục Đại học đề nghị sửa 33 điều nhưng trong đó 23 điều là “để lại cho Chính phủ, Bộ GD-ĐT quy định”. Chất lượng dự thảo luật, theo đó, là dấu hỏi lớn đại biểu đặt ra.

Đại biểu Trương Thị Mai - Trưởng Ban Dân vận Trung ương Đảng đặt vấn đề, cần làm rõ việc sửa luật đã đáp ứng đúng yêu cầu thể chế hoá Nghị quyết 29 ban hành năm 2013 của Đảng về việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo định hướng thị trường XHCN chưa?

Bà Mai bày tỏ quan ngại khi các quan hệ cơ bản trong hoạt động giáo dục giờ đã thay đổi. Quan hệ thầy trò, môi trường sư phạm, đạo đức trong nhà trường… không còn như trước khi mạng xã hội ùa vào cuộc sống.

“Giờ cha mẹ cũng phải lén vào Facebook của con để… đoán xem con suy nghĩ gì vì con trẻ giờ không trao đổi, chia sẻ với cha mẹ nữa. Mối quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội đã có sự thay đổi lớn mà mỗi bậc phụ huynh giờ chỉ khao khát giờ nhà trường phải là môi trường chuẩn mực để an tâm gửi gắm con thì dự luật lại chưa đề cập” - bà Mai trăn trở.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long giải đáp các câu hỏi đặt ra về chất lượng 2 dự luật. Ông Long bày tỏ: “Ban đầu Bộ Tư pháp không đồng ý đưa 2 luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vì so với Nghị quyết 29 của Đảng thì rõ ràng là chưa thể chế hết các yêu cầu”.

Ông Long cũng lý giải việc 33 điều luật được đề nghị sửa nhưng 23 điều đề xuất giao Chính phủ, Bộ trưởng GD-ĐT quy định, hướng dẫn cụ thể: “Chúng tôi chịu sức ép như vậy đó. Việc làm luật cũng giống như đi thi kiểm tra đầu vào vậy, chất lượng nguồn đầu vào mà không tốt thì có 10 cơ quan thẩm định, thẩm tra, chính lý thì cũng không làm thế nào nâng chất lượng sản phẩm lên như kỳ vọng được”.

P.Thảo