ĐBSCL:

Nhiều địa phương lúng túng với đổi mới thi tốt nghiệp THPT

(Dân trí) - Lãnh đạo một số Sở GD-ĐT các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thừa nhận, việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT với 4 môn thi vừa qua khiến các địa phương lúng túng.

Tại Hội nghị giao ban lần II ngành giáo dục vùng 6 (12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long) diễn ra mới đây tại tỉnh Hậu Giang, vấn đề đổi mới thi tốt nghiệp THPT trở nên khá “nóng” với nhiều ý kiến của lãnh đạo một số Sở GD-ĐT các tỉnh.

Thí sinh đồng bằng sông Cửu Long dự thi tốt nghiệp THPT 2014.
Thí sinh đồng bằng sông Cửu Long dự thi tốt nghiệp THPT 2014.

Nêu quan điểm của mình, ông Phạm Văn Hồng- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long cho biết, năm 2014 đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT với 4 môn thi phần nào cũng đáp ứng được nguyện vọng của nhiều người trong ngành và người dân. Tuy nhiên, cách thức thay đổi thì theo lãnh đạo ngành GD tỉnh Vĩnh Long là còn rất lúng túng bởi đưa vào thực hiện rất nhanh. “Chúng tôi lúng túng trong chỉ đạo và kể cả hiệu trưởng, giám đốc các Trung tâm giáo dục thường xuyên cũng lúng túng”, ông Hồng bày tỏ.

Do đó, ông Hồng kiến nghị, nếu có sự thay đổi hoặc giữ nguyên ở năm học sau thì Bộ nên có định hướng trước sớm hơn để tránh sự lúng túng như vừa qua.

Ông Hồng cũng cho biết, tỷ lệ tốt nghiệp THPT vừa qua trên 99% và có ý kiến của rất nhiều người đặt ra là liệu đạt 99% rồi thì năm tới có nên giữ thi tốt nghiệp THPT nữa hay không, hay là thực hiện theo lộ trình của Bộ GD-ĐT. Việc này, ông Hồng cũng đề nghị lãnh đạo Bộ có giải đáp.

Trong khi đó, đại diện Sở GD- ĐT tỉnh Long An, lãnh đạo Sở này cho biết, Sở nhất trí với việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT như vừa qua. Nhưng lãnh đạo Sở này cũng nêu vấn đề, dư luận xã hội, phụ huynh học sinh và kể cả người trong ngành đánh giá việc này có vẻ gì đó hơi vội vã, mang tính chất chắp vá chứ không phải có kế hoạch được xây dựng từ trước, cho nên đã gây khó khăn cho cơ sở.

Vị lãnh đạo Sở GD-ĐT Long An nêu cụ thể, có một số cái không hợp lý như phần mềm phục vụ công tác quản lý thi còn rất nhiều lỗi, tính đến những ngày sát kỳ thi phần mềm vẫn còn phải cập nhật dẫn đến tất cả hồ sơ, danh sách, phòng thi, bảng ghi tên, điểm… in ra trước đó về nguyên tắc phải bỏ hết để in lại. “43 hội đồng thi ở Long An phải in đi in lại những văn bản như vậy, từ đó chúng ta thấy có một sự thật lãng phí rất lớn về tiền của, công sức”, lãnh đạo này nhấn mạnh.

Giám đốc Sở GD-ĐT Bến Tre Lê Ngọc Bửu: Nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Giám đốc Sở GD-ĐT Bến Tre Lê Ngọc Bửu: "Nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT".

Còn ông Lê Ngọc Bửu - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bến Tre cho rằng, nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT và cũng không nên gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ lại với nhau.

Theo ông Bửu, việc gộp 2 kỳ thi là không ổn vì tính chất của 2 kỳ thi là khác nhau. “Thi tốt nghiệp THPT là để đánh giá lại quá trình dạy và học phổ thông theo chuẩn kiến thức đạt hay chưa đạt. Còn thi tuyển sinh ĐH, CĐ là chọn những em đủ năng lực để học bậc cao hơn nên không thể gộp để cái này chọi cái kia”, ông Bửu nói.

Ông Bửu cho biết, vừa qua có ý kiến cho rằng, nếu bỏ thi tốt nghiệp THPT thì chất lượng giáo dục đi xuống nhưng theo quan điểm của ông thì thấy rất khó xuống. Ông Bửu lý giải, mấy năm vừa qua, hàng năm ở  Bến Tre có khoảng 6.000 học sinh vào ĐH, CĐ, điều đó cho thấy đại đa số học sinh phổ thông đều muốn vào ĐH. Mà đã muốn vào ĐH thì các em phải phấn đấu, bởi muốn vào ĐH nhưng ở phổ thông cứ học tà tà thì làm sao cạnh tranh nổi.

Ông Bửu cũng cho rằng, bỏ thi tốt nghiệp THPT thì việc đổi mới dạy và học ở giáo viên phổ thông sẽ mạnh dạng hơn bởi các giáo viên không áp lực về tỷ lệ tốt nghiệp THPT nên sẽ đổi mới phương pháp giảng dạy tốt hơn.

“Nếu bây giờ còn tính tới thi tốt nghiệp THPT thì hàng năm người ta cứ chăm bẵm vào chuyện năm nay trường anh tỷ lệ tốt nghiệp bao nhiêu. Nhưng khi bỏ thi tốt nghiệp THPT rồi thì người ta đặt ra vấn đề khác là năm nay trường anh đậu ĐH, CĐ bao nhiêu. Từ đó bắt buộc các trường phải “chạy” theo đó nên không sợ các trường buông xuôi”, ông Bửu nêu rõ.

Cũng theo Giám đốc Sở GD-ĐT Bến Tre, việc bỏ thi tốt nghiệp THPT thấy phù hợp với xu thế lựa chọn ngành nghề của học sinh ngay từ bậc phổ thông. Khi đó các học sinh sẽ tập trung học các môn mà sau này có thể chọn ở bậc ĐH.

Giám đốc Sở GD-ĐT Bến Tre Lê Ngọc Bửu: Nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Trước những ý kiến về đề đổi mới, kiểm tra thi cử mà một số lãnh đạo Sở GD-ĐT nêu ra, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong quý này, Bộ GD-ĐT trình phương án đổi mới công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ trong những năm tới. Ngành sẽ đi theo hướng có 1 kỳ thi quốc gia nhằm 2 mục đích là xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.

“Sắp tới, khi Bộ GD-ĐT đưa ra dự thảo này thì đề nghị Giám đốc các Sở, các nhà giáo, giáo viên, phụ huynh, học sinh góp ý kiến để làm sao tổ chức kỳ thi thuận lợi, an toàn nhất, đảm bảo tính công bằng và đừng quá nặng nề, tốn kém, tránh những bức xúc trong xã hội” - Thứ trưởng Ga nêu rõ.

Huỳnh Hải