Nhiều đơn vị từ chối nhân lực chất lượng cao

(Dân trí) - Với nhiều lý do khác nhau, các đơn vị sau khi nhận được công văn về việc phân công công tác đối với học viên tốt nghiệp theo “Đề án liên kết đào tạo nguồn nhân lực trình độ ĐH và sau ĐH với các trường ĐH nước ngoài”, đã "khéo léo" từ chối...

Đủ lý do từ chối nhận học viên

Bố trí việc làm cho những người đi đào tạo theo “Đề án liên kết đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học và sau đại học với các trường đại học nước ngoài” đang là bài toán đặt ra đối với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Theo như phát biểu của ông Vương Văn Việt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thì trong tháng 4/2014 này, tỉnh sẽ cố gắng để bố trí công việc cho những người được đi đào tạo ở nước ngoài theo đề án của tỉnh.

Nhiều đơn vị từ chối nhân lực chất lượng cao
 

Một thực tế đang diễn ra trong thời gian qua, là Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa dường như trở thành người đi “xin việc” cho những trường hợp đào tạo theo đề án đã hoàn thành khóa học trở về địa phương. Sở Nội vụ đã gửi công văn, “gõ cửa” nhiều Sở, ngành, đơn vị và các địa phương, trường học... Tuy nhiên, đáp lại là những câu trả lời chung như đã đủ biên chế, không thể bố trí được những học viên này.

Ngày 21/3/2014, Sở Nội vụ Thanh Hóa đã có công văn khẩn gửi các Sở, cơ quan ngang sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc phân công công tác đối với học viên tốt nghiệp theo “Đề án liên kết đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học và sau đại học với các trường đại học nước ngoài”.

Theo đó, nội dung công văn có nêu, căn cứ trình độ chuyên môn, chuyên ngành đào tạo, Sở Nội vụ dự kiến phân công học viên đã tốt nghiệp theo “Đề án liên kết đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học và sau đại học với các trường đại học nước ngoài” về cơ quan đơn vị công tác.

Sau khi nhận được công văn của Sở Nội vụ, nhiều đơn vị đã có công văn phúc đáp. Trong đó, hầu hết các đơn vị đã trình bày “hoàn cảnh” và thông báo không thể tiếp nhận vì biên chế đã đủ, không thể bố trí công việc cho những học viên này.

Trong đó, ngày 30/3, Trung tâm xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch cho biết, trên cơ sở phân công dự kiến của Sở Nội vụ, Trung tâm cần nắm thực tế và khả năng ngoại ngữ, năng lực sở trường của học viên Phạm Thị Hương. Vì vậy Trung tâm đề nghị Sở Nội vụ đồng ý phương án bố trí học viên Phạm Thị Hương về thực tập tại trung tâm. Trung tâm sẽ tạo điều kiện bố trí cán bộ hướng dẫn và phân công nhiệm vụ cho học viên Phạm Thị Hương, nhưng học viên phải tự túc về máy tính làm việc và phương tiện đi lại. Ngoài ra, trung tâm không có nguồn kinh phí chi trả lương cho học viên trên.

Bên cạnh đó,Sở NN-PTNT cho biết nhu cầu cần trình độ Tiến sĩ, không có nhu cầu tiếp nhận học viên có trình độ đào tạo là Thạc sĩ; UBND thành phố Thanh Hóa sau khi rà soát đã đủ chỉ tiêu biên chế nên không có nhu cầu tuyển dụng; Công ty TNHH MTV Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa phúc đáp: Với chuyên ngành của đơn vị hiện làm, việc bố trí học viên là không phù hợp, không phát huy được khả năng của học viên trong công tác…

Công văn trả lời của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) có đề cập: Sở TN-MT xem xét lý lịch trích ngang của đồng chí Trần Thị Hoa và đối chiếu với chức năng nhiệm vụ của Sở TN-MT được pháp luật quy định, Sở báo cáo như sau: Đồng chí Trần Thị Hoa là sinh viên Đại học chuyên ngành Lâm nghiệp, được gửi đi đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Quản lý Tài nguyên thiên nhiên là không phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao của Sở TN-MT. Sở TN-MT không bố trí và phân công công tác cho đồng chí Trần Thị Hoa được theo dự kiến của Sở Nội vụ.

Trong công văn phúc đáp ngày 27/3, Sở Khoa học và Công nghệ có đề cập, nếu được phê duyệt giao tăng thêm biên chế, Sở sẽ tiếp nhận học viên tốt nghiệp theo “Đề án liên kết đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học và sau đại học với các trường đại học nước ngoài” với chuyên ngành mà Sở đã đăng ký và được Sở Nội vụ phân bổ…

Chúng tôi mong muốn lãnh đạo thực hiện lời hứa!

Những trường hợp được tham gia đề án là những người có năng lực học tập và trình độ ngoại ngữ tốt. Sau khi được tuyển chọn, những người này được tham gia đào tạo Tiếng Anh, khi đủ điều kiện mới được đưa đi đào tạo ở nước ngoài.

Là một trong những trường hợp được đưa đi đào tạo ở nước ngoài, dù hoàn thành khóa học trở về địa phương từ năm 2012, nhưng đến nay, chị L.T.T.T. vẫn chưa được bố trí công việc phù hợp. Trong quá trình chờ đợi, chị cũng đã nhiều lần “gõ cửa” một số đơn vị, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Qúa chán nản, chị T quay về đi xin làm lao động hợp đồng và nuôi hi vọng được bố trí công việc phù hợp theo chuyên ngành đào tạo.

Chị T. tham gia khóa 3, năm 2009, sau khi kết thúc khóa học Tiếng Anh và đã đủ điều kiện đi học cùng với khoảng 30 trường hợp khác. Đây được xem là những nhân tố then chốt cho sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa, nhằm góp phần “thay da, đổi thịt” quê hương.

Được đi đào tạo nước ngoài với các học viên không chỉ phát triển bản thân mà còn có thể đóng góp cho sự phát triển quê hương, đất nước. “Ngay từ đầu, tôi đã tự hứa với bản thân mình là phải cố gắng hết sức để xứng đáng với số tiền tỉnh bỏ ra cho mình đi học”, chị T. chia sẻ.

Tuy nhiên, dù kết thúc khóa học với kết quả xuất sắc, nhưng sau hơn một năm trở về địa phương, đến nay những gì chị T. làm được cũng là sự chờ đợi. “Những người sinh viên tốt nghiệp như chúng tôi chưa thấy ai được phân việc cả. Có những người có việc thì cũng tự thân vận động cả thôi. Bản thân tôi có cầm hồ sơ đến một số nơi nhưng người ta từ chối thẳng luôn”.

Theo chị T. thì phần lớn những người được đi đào tạo ở nước ngoài có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Mong muốn lớn nhất của chị và cũng như của nhiều trường hợp khác là bản thân đã hoàn thành lời hứa của mình trước khi đi đào tạo, thì bây giờ tỉnh cũng nên hoàn thành lời hứa của mình là bố trí công việc cho họ. “Tiếng Anh và chuyên môn được học lâu ngày không sử dụng đến sẽ mai một đi”, chị T. tâm sự.

Cồn trường hợp Thạc sĩ L.V.Đ., sau khi tốt nghiệp Đại học Quản lý kinh doanh, anh Đ. nộp đơn tham gia đề án của tỉnh và đi làm Thạc sĩ ở nước ngoài. Quá trình học tập, anh Đ. đã nỗ lực để tích lũy những kiến thức trở về phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa như mục tiêu của đề án đề ra.

Trước khi đi nước ngoài đào tạo, các học viên đăng ký trong hợp đồng những địa chỉ sau khi về nước bản thân mong muốn được làm việc. Tuy nhiên, kể từ khi về nước tới nay, anh Đ. chưa nhận được thông báo nào của các Sở, ngành liên quan.

Duy Tuyên