Nhiều trường đại học lỗ nặng sau kỳ tuyển sinh

Mặc dù đã hạn chế tối đa chi phí tổ chức, nhưng năm nay, ĐH Thủy lợi vẫn lỗ khoảng 150 triệu đồng, ĐH Giao thông Vận tải lỗ 200 triệu đồng, Học viện Tài chính "mất" gần 300 triệu đồng. Với những trường phải tự cân đối thu chi, mùa tuyển sinh thực sự là mùa kinh hoàng.

Theo Bộ GD-ĐT, đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH có hơn 630.000 hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT). Tuy nhiên, chỉ có hơn 470.000 thí sinh đến dự thi, chiếm 74%. Trong khi đó, các trường đều phải chuẩn bị cơ sở vật chất, thuê giám thị, sẵn sàng phục vụ cho 100% thí sinh ĐKDT. Lãnh đạo một số ĐH ở Hà Nội cho rằng, với mức lệ phí hiện nay, nếu thí sinh dự thi 100%, các trường may ra mới đủ cân đối thu chi. Thí sinh ảo càng nhiều, trường lỗ càng nặng.

 

Hàng chục tỷ đồng bị lãng phí

 

Theo quy định của Bộ GDiĐT, thí sinh sẽ phải nộp tiền ĐKDT 40.000 đồng/hồ sơ, nếu thi ngành năng khiếu phải nộp 80.000 đồng/hồ sơ. Tuy nhiên, các trường chỉ được hưởng một phần trong khoản tiền này. Nguồn thu mà các trường trông đợi là khoản lệ phí thi 20.000 đồng/thí sinh (nộp trực tiếp vào ngày 3 và 8/7). Năm nay, với gần 200.000 thí sinh ảo (không đến dự thi) của đợt 1, các trường thất thu ngót 4 tỷ đồng.

 

Từ tháng 1, nhiều ĐH ở Hà Nội đã phải đôn đáo lo đi tìm chỗ thi, vì nếu đợi sát ngày sẽ không thể thuê nổi. Vào thời điểm đó, các trường chưa hình dung nổi có bao nhiêu thí sinh ĐKDT nên đành phải đặt chỗ theo con số thí sinh dự thi năm ngoái.

 

"Một phòng thi dự kiến phục vụ cho 25-30 thí sinh, nay chỉ có chục em đến dự thi. Trường vẫn phải chuẩn bị 2 giám thị, quạt, điện nước, tiền thuê phòng như phục vụ 30 em, như vậy làm sao không lỗ. Đi qua những phòng thi vắng hoe, thấy thật là lãng phí", Trưởng phòng công tác chính trị ĐH Giao thông Vận tải Nguyễn Thanh Chương than thở.

 

Thày Chương tính, mỗi phòng thi có 2 giám thị. Chi phí dành cho mỗi giám thị là 200.000 đồng/đợt thi. Như vậy, mỗi phòng thi tốn 400.000 đồng, chưa kể tiền thuê phòng và các chi phí an ninh. Căn cứ vào đóng góp hiện nay, nếu phòng thi nào có 2/3 thí sinh đến thi cầm chắc là lỗ. Kỳ thi vừa qua, chỉ hơn 10.000 trong tổng số hơn 15.000 thí sinh ĐKDT vào ĐH Giao thông Vận tải đến nộp lệ phí, làm thủ tục dự thi.

 

Theo Hiệu phó ĐH Thủy lợi Hà Nội Đỗ Văn Hứa, bên cạnh những điểm lợi, việc tổ chức thi chung toàn quốc khiến các trường ở Hà Nội điêu đứng vì thiếu phòng thi. Giá thuê phòng bị đẩy lên cao, đặc biệt là các trường THPT, THCS ở trung tâm thành phố. Chi phí tổ chức thi cho thí sinh cũng tăng theo. Mùa tuyển sinh này, chỉ có hơn 7.000 thí sinh đến dự thi, bằng 69% số ĐKDT. "Vài năm gần đây, năm nào trường cũng lỗ nặng, năm nay bội chi khoảng 150 triệu đồng", thày Hứa nói.

 

Học viện Tài chính cũng dự tính lỗ tới 300 triệu vì chỉ có 56,5% thí sinh ĐKDT đến thi. Thày Phạm Ngọc Ánh, Hiệu phó kiêm Chủ tịch Hội đồng thi của trường than thở: "Nếu 100% thí sinh đăng ký đi thi chúng tôi cũng đã lỗ, vì chi phí cao hơn số lệ phí các em đóng góp rất nhiều. Thêm thí sinh ảo là lại mất thêm tiền thuê phòng, cán bộ coi thi, công an bảo vệ, giấy thi, giấy nháp".

 

Mùa tuyển sinh 2005, cả nước có hơn 1,5 triệu hồ sơ ĐKDT vào ĐH, CĐ. Nếu tính tỷ lệ ảo là 25% thì có tới gần 400.000 thí sinh ĐKDT không đến dự thi. Chi phí cho mỗi bộ hồ sơ khoảng 50.000 đồng (gồm 40.000 đồng lệ phí ĐKDT và chi phí công chứng, photo giấy tờ). Như vậy, 20 tỷ đồng của gia đình thí sinh đã trôi theo hồ sơ chết.

 

Khó hạn chế thí sinh ảo

 

Mặc dù ai cũng biết, không phải 100% thí sinh đăng ký đều đến dự thi, nhưng không ai dám "liều lĩnh" chỉ chuẩn bị đón tiếp 70% hay 80% số này.

 

Thày Chương cho rằng, với cách thi 3 chung hiện nay, sẽ không thể hạn chế được lượng thí sinh ảo. Thí sinh chỉ được thi một trường nên họ phải cân nhắc kỹ. Các em thường đăng ký 2-3 bộ hồ sơ, sau đó đến sát ngày thi mới quyết định chọn trường có tỷ lệ "chọi" thấp để dự thi. Họ sẵn sàng chấp nhận mất vài trăm ngàn đồng lệ phí.

 

Tại Học viện Tài chính, có thí sinh nộp tới 6 hồ sơ vào 6 ngành của trường. ĐH Thủy lợi có thí sinh cũng nộp 8 hồ sơ vào 8 ngành. Đến sát ngày thi, em này căn cứ vào tỷ lệ chọi (tỷ lệ thí sinh dự thi/chỉ tiêu) chọn 1 ngành để thi. Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm nay, trung bình 1 thí sinh nộp 2 bộ hồ sơ. Như vậy, tỷ lệ thí sinh ảo của Hà Nội tới 50%.

 

Theo thày Ánh, cần có một trung tâm xử lý thông tin chung của ngành giáo dục nhằm loại bỏ và hạn chế thí sinh ảo. Tuy nhiên, Hiệu phó ĐH Thủy lợi Hà Nội Đỗ Văn Hứa lại cho rằng, muốn chấm dứt nạn thí sinh ảo, Bộ GD-ĐT chỉ nên quản lý ngân hàng đề thi, đáp án. Các trường sử dụng đề của Bộ và tự chủ trong việc sắp xếp ngày thi.

 

"ĐH Thủy lợi và 3 trường nữa sẽ liên kết thành một cụm thi, tổ chức tuyển sinh luân phiên vào 8 ngày liền nhau. Khi đó, mỗi trường có thể sử dụng được cơ vật chất, giảng viên của cả 3 trường còn lại, không phải thuê phòng, giám thị của các trường phổ thông. Quan trọng nhất là thí sinh được quyền tự do thi những trường mà họ thích", ông Hứa nêu quan điểm.

 

Theo Việt Anh

Vnexpress