Nhiều trường ĐH “đói” giảng viên

(Dân trí) - Hiện nay không ít các trường đại học đang rất thiếu giảng viên và liên tục đăng tin tuyển với nhiều chế độ ưu đãi hấp dẫn. Tuy nhiên, việc chọn được những giảng viên ưng ý không phải là điều đơn giản.

Tuyển nhiều, ưu đãi lớn

Nhằm đáp ứng yêu cầu giảng dạy, vừa qua liên tục trên các trang web của các trường đại học thông báo tuyển giảng viên như Khoa Công nghệ thông tin - ĐH Sư phạm Hà Nội có đăng thông tin tuyển 5-8 giảng viên cho tất cả các bộ môn của khoa. Đối tượng tuyển là các tiến sỹ, thạc sỹ, và sinh viên tốt nghiệp từ loại giỏi trở lên… Những người được tuyển chọn sẽ được hưởng mọi quyền lợi của giảng viên đại học, được tạo điều kiện đi học tập trong và ngoài nước…

Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, Khoa Công nghệ Thông tin - Học viện Kỹ thuật Mật mã cũng có kế hoạch tuyển giảng viên với những điều kiện điều kiện như: Tốt nghiệp đại học hệ chính quy loại khá trở lên. Trong đó ưu tiên cho những người tốt nghiệp đại học loại giỏi, những người đã tốt nghiệp thạc sĩ từ nước ngoài, những người đã có bằng tiến sĩ…

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cần tuyển gần 30 giảng viên cho nhiều chuyên ngành với yêu cầu: Có bằng tốt nghiệp tiến sĩ, thạc sĩ hoặc tốt nghiệp Đại học hệ chính quy loại khá, giỏi đúng chuyên ngành.

Với những yêu cầu này mà thậm chí có những trường đăng tuyển lần thứ 3 vẫn không thể tìm được người ưng ý. Theo một cán bộ Vụ ĐH & SĐH Bộ GD-ĐT: “Hiện nay nhiều trường đại học đều có thông báo tuyển giảng viên cho mình. Tuy nhiên, việc tìm giảng viên theo đúng yêu cầu lại rất khó”.

Vấn đề đau đầu

GS. TS Nguyễn Ngọc Phú, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho biết: “Nguyên nhân của tình trạng thiếu giảng viên hiện nay của các trường đại học là do quy mô giáo dục đại học trong những năm gần đây tăng khá nhanh nhưng việc tuyển giảng viên mới chưa đáp ứng kịp thời. Hầu hết các trường ĐH, CĐ còn lại, đặc biệt là các trường ĐH, CĐ mới thành lập chưa đủ về số lượng giảng viên và chưa đủ thành phần, cơ cấu theo chuyên môn và trình độ đào tạo”.

Một giảng viên đại học của trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: “Hiện tại các trường đại học có xu hướng giữ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc. Tuy nhiên, các sinh viên này lại có một nhược điểm là thiếu kinh nghiệm, thiếu cọ xát với thực tế và thiếu mối quan hệ với các công ty hoặc lĩnh vực liên quan bên ngoài.

Lực lượng thứ hai là các cá nhân đã làm việc bên ngoài và có kinh nghiệm. Lực lượng này nếu thu hút được thì rất tốt vì có nhiều kinh nghiệm thực tế liên quan đến chuyên môn, có mối quan hệ rộng với giới công nghiệp nên có thể đem các hợp đồng hoặc dự án NCKH về trường ĐH. Tuy nhiên, cũng có những bất lợi như những người có kinh nghiệm thì phải trả lương cao, cơ chế tốt thì mới thu hút được họ, vấn đề này chúng ta đang lực bất tòng tâm”.

Tuy nhiên, đối với các trường ĐH thuộc hạng tốp trên như ĐHQG Hà Nội thì được ở lại làm giảng viên của trường rất khó. Ông Mai Trọng Nhuận, Giám đốc của trường cho biết: “ĐHQG có nguồn đào tạo cán bộ nguồn rất tốt đủ đáp ứng yêu cầu cho công tác giảng dạy của nhà trường. Hiện trường đã và đang tổ chức đào tạo 5 ngành cử nhân khoa học tài năng và 20 ngành cử nhân chất lượng cao.

Số học viên cao học chất lượng cao được nhận kinh phí hỗ trợ hoàn thành luận văn, còn sinh viên hệ cử nhân khoa học tài năng tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc đều được các đơn vị đào tạo ký hợp đồng lao động, bổ sung cho nguồn tuyển biên chế chính thức. 100% sinh viên tốt nghiệp năm 2004 được chuyển tiếp sinh đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ”.

Được biết, trong quá trình đào tạo sau đại học, các học viên, nghiên cứu sinh được tham gia hoạt động, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, một số tham gia dự án phối hợp đào tạo với nước ngoài. ĐH QG đã cũng cấp và bổ sung một lực lượng quan trọng các tiến sĩ, thạc sĩ chất lượng cao cho đội ngũ cán bộ giảng dạy của trường.

Dường như, không có nhiều trường có được sự “lạc quan” như ĐHQG Hà Nội khi nói về đội ngũ giảng viên của mình.

Hồng Hạnh