Thanh Hóa:

Nhiều trường “điếc không sợ súng” và chỉ thị chống lạm thu

(Dân trí) - Thực trạng nhiều trường “điếc không sợ súng” trong việc thu, chi đầu năm học vẫn tái diễn. Mới đây, tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo ngành giáo dục phải kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thu sai quy định; đồng thời, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và UBND tỉnh nếu để xảy tình trạng thu sai quy định trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Từ đầu năm học mới 2017 - 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), UBND tỉnh Thanh Hóa cũng như Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã có nhiều văn bản, công văn về việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu cũng như hướng dẫn thực hiện các khoản thu, chi trong các trường học và cơ sở giáo dục. Hơn nữa, vấn đề này cũng đã được đề cập rất nhiều từ những năm học trước đó.

Nhiều trường “điếc không sợ súng” và chỉ thị chống lạm thu - 1

Nhiều đơn vị trường học "vẽ" ra những khoản thu, chi chưa hợp lý

Tuy nhiên, trên thực tế, dường như nhiều trường học và cơ sở giáo dục vẫn "điếc không sợ súng" khi thực hiện các khoản thu trái quy định của nhà nước và hướng dẫn của ngành giáo dục.

Nhiều phụ huynh phản ánh, năm nào nhà trường cũng triển khai thu các khoản dịch vụ phục vụ học sinh, tu sửa cơ sở vật chất, nhưng trên thực tế thì trang thiết bị, đồ dùng phục vụ cho học sinh năm sau không có thay đổi so với năm trước.

Thực trạng này khiến không chỉ các bậc phụ huynh có con em theo học tại các nhà trường mà cả dư luận xã hội bức xúc, xem như là một vấn nạn. Thường, lý do mà các đơn vị trường học đưa ra để triển khai nhiều khoản thu vô lý là viện vào cái cớ khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí chi thường xuyên không đủ cho các hoạt động giáo dục của đơn vị.

Nhưng trong quá trình triển khai, nhiều đơn vị lại tìm cách "vẽ" ra quá nhiều khoản thu, chưa được cấp trên quản lý trực tiếp cho phép bằng văn bản; không công khai minh bạch nhiều khoản thu, chi...

Thậm chí, các nhà trường đùn đẩy và cho rằng, nhiều khoản thu là do ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện. Mặc nhiên, nhiều đơn vị trường học không quan tâm đến những quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT, ngày 22/11/2011 của Bộ GD-ĐT về ban hành điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh.

Để giải quyết tình trạng thu tiền trái quy định, ngày 14/9, Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã có công văn đề nghị UBND tỉnh ban hành Chỉ thị chống lạm thu trong trường học và các cơ sở giáo dục.

Ngày 25/9, ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo, giao Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, căn cứ nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Chỉ thị số 16/CT- UBND ngày 15/9/2017 về việc giải quyết dứt điểm tình trạng dạy thêm, học thêm và thu tiền trái quy định tại các nhà trường và các quy định hiện hành của pháp luật để chỉ đạo.

Ông Phạm Đăng Quyền giao Sở GD-ĐT Thanh Hóa hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm việc thu và sử dụng các khoản thu theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thu sai quy định; đồng thời, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và UBND tỉnh nếu để xảy tình trạng thu sai quy định trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, tại Chỉ thị số 16 về nhiệm vụ chủ yếu của ngành GD-ĐT năm học 2017 - 2018, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng dạy thêm, học thêm và thu tiền trái quy định tại các nhà trường.

Trong đó, tăng cường quản lý giáo viên trong việc thực hiện chương trình dạy học, thực hiện quy định dạy thêm học thêm, nghiêm cấm cắt xén chương trình để đưa vào dạy thêm hoặc ép buộc học sinh học thêm dưới bất kỳ hình thức nào.

Nhiều phụ huynh cho rằng, năm nào cũng thu khoản tu sửa cơ sở vật chất nhưng thực tế lại không thực hiện
Nhiều phụ huynh cho rằng, năm nào cũng thu khoản tu sửa cơ sở vật chất nhưng thực tế lại không thực hiện

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc chuẩn bị bài và giảng dạy của giáo viên trong giờ chính khóa và dạy thêm, kiên quyết xử lý giáo viên vi phạm quy định.

Đồng thời, công khai minh bạch các khoản nhà trường được phép thu và không được phép thu theo quy định của Bộ GD-ĐT và các quy định hiện hành của pháp luật. Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định của pháp luật về thu, chi học phí và các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục; phát hiện xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức sai phạm.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng như Giám đốc Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm trực tiếp trong thực hiện các nội dung thu, chi đối với các cơ sở giáo dục trực thuộc.

Theo ông Phạm Đăng Quyền, việc đóng góp của phụ huynh học sinh để chung tay xây dựng cơ sở vật chất khang trang, nâng cao chất lượng giáo dục cho chính con em mình là cần thiết nhưng không bắt buộc. Các trường không được tùy tiện quy định các khoản thu này.

Chỉ thị này được phổ biến tới cán bộ, công chức, viên chức ở các cấp quản lý giáo dục, nhà giáo ở các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp để quán triệt và thực hiện.

Duy Tuyên