Nhiều trường THPT tư đối mặt với phá sản

Ngày càng thêm nhiều trường THPT ngoài công lập không tuyển đủ học sinh, đối mặt phá sản.

21 tỉ đồng xây trường, không tuyển sinh được hai trường THPT Ngô Sĩ Liên và THPT Đặng Tiến Đông cùng chung một chủ đầu tư và đều nằm trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
 
Cả hai trường xây được trên 60 phòng học kiên cố và trên 10 phòng học bán kiên cố. Các phòng có đầy đủ ánh sáng, quạt, có 32 hệ thống camera để quản lý giờ học. Bảy phòng học chất lượng cao có máy chiếu, điều hòa, trang thiết bị dạy học.
 
Cả hai trường đều có đủ phòng học bộ môn, phòng chức năng, thư viện, y tế, phòng truyền thống, sân chơi, bãi tập. Tổng số tiền được đầu tư để xây dựng cơ bản của hai trường lên tới 21,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, tương lai của trường hiện rất bấp bênh khi mà nguồn học sinh để tuyển ngày càng èo uột.
 
“Khi còn thuộc tỉnh Hà Tây, trường Ngô Sĩ Liên có 29 lớp. Nay về Hà Nội, còn 17 lớp. Trường Đặng Tiến Đông trước 24 lớp nay chỉ còn năm lớp cả ba khối”, thầy Nguyễn Huy Chuyển, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng trường THPT Ngô Sĩ Liên, nói.
 
Trường THPT An Dương Vương có một khuôn viên hơn 6.000 m2 ở thị trấn Đông Anh với 30 phòng kiên cố, trong đó 24 phòng học và sáu phòng chức năng (thư viện, thí nghiệm, phòng máy). Các phòng học của trường được lắp camera, loa, màn hình tinh thể lỏng, tủ đựng đồ dùng cá nhân của học sinh (HS).
 
Trước đây trường có gần 1.300 học sinh. Kể từ khi Hà Nội mở rộng, mỗi năm trường giảm vài trăm học sinh. Năm học này, chỉ còn 578 học sinh.
 
Cách đây ba năm, thành phố có 76 trường THPT ngoài công lập với gần 52.500 HS. Năm học này, số trường là 92 nhưng số học sinh chỉ còn chưa đầy 38.000 em.
 
Theo chủ trương khuyến khích xã hội hoá giáo dục của thành phố, năm 2010 cấp THPT có 40% HS được học trong các trường ngoài công lập. Thực tế, Sở GD&ĐT đều ưu ái cho các trường công lập khi giao chỉ tiêu tuyển sinh. Kết quả, chỉ có 21,3% HS THPT đang học tại các trường ngoài công lập vào thời điểm năm 2012.

Tại hội thảo do Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội và các trường THPT ngoài công lập của Hà Nội tổ chức cuối tuần qua, ông Đoàn Hoài Vĩnh cho biết lãnh đạo Sở GD&ĐT sẽ bàn bạc, nghiên cứu đổi mới tuyển sinh, tìm cách tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập.

 
Tại huyện Đông Anh, năm học 2008 - 2009, chỉ tiêu giao cho các trường THPT công lập chiếm 53,3% số HS học xong lớp 9 của huyện; năm học 2011 - 2012, tỉ lệ này tăng lên 66,29%. “Năm vừa rồi, cả chín đơn vị tuyển sinh ngoài công lập chia nhau để tuyển trong số khoảng 1.000 HS”, một đại biểu cho biết.
 
Một bất công khác là chi phí. Hiện nay thành phố phân bổ định mức đầu tư cho các trường THPT công lập theo đầu học sinh với mức 4 triệu đồng/học sinh/năm. Các trường THPT ngoài công lập không được hưởng chính sách này nên mọi chi phí học tập học sinh phải gánh chịu.
 
Trao đổi với Tiền Phong bên lề hội thảo ngày 25/2, thầy Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), một trường đắt hàng tuyển sinh bậc nhất Hà Nội, cũng đồng tình: “HS ngoài công lập cần được nhà nước hỗ trợ chi phí học tập bình đẳng với HS công lập, nhiều nước cũng đã làm như thế. Các trường THPT ngoài công lập ở ngoại thành vẫn thu học phí cao so với nhiều gia đình nông dân. Trong khi đó những trường này đóng vai trò quan trọng đối với việc nâng cao dân trí trên địa bàn”.
 
Theo Quý Hiên
Tiền Phong