Câu chuyện giáo dục:

Nhìn nhận tiêu cực vì… nghe đồn

(Dân trí) - Cho dù ở trường gần đây không còn tình trạng đánh nhau, cậu học trò vẫn phàn nàn về việc học sinh đi học mang theo nỗi sợ hãi về nạn bạo lực học đường, thậm chí phụ huynh cũng bất an.

Lời phát biểu của một học sinh (HS) đến từ Trường THPT Nguyễn An Ninh trong chương trình đối thoại giữa học sinh THPT với lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM diễn ra hôm 22/3 làm người nghe phải… hoảng.

Các em là những thủ lĩnh Đoàn, đại diện cho HS của trường mang đến tâm tư, suy nghĩ và khó khăn của mình nói lên với lãnh đạo ngành. Tuy nhiên, bên cạnh những chia sẻ xuất phát từ những vấn đề thực tế ở trường, vấn đề các em gặp phải là không ít HS đưa ra các vấn đề tiêu cực trong giáo dục trên cơ sở… nghe đồn.

Tiêu cực vì… nghe đồn
Chỉ nhìn thấy tiêu cực, bỏ quên những điều hay, điều đẹp sẽ làm con người mệt mỏi, chán nản, bi quan… Trong ảnh: Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM trong hoạt động ngoại khoá do trường tổ chức.

Như chia sẻ của em HS đến từ Trường THPT Nguyễn An Ninh nói trên đâu khác nào cho thấy HS của trường luôn phải canh cánh nỗi sợ bị đánh, bị bạo lực học đường. Khi vị Phó giám đốc Sở GD-ĐT trấn an, hỏi han tình hình đánh nhau ở trường kinh khủng lắm hay sao thì cậu học trò khẳng định: “Tình hình bạo lực học đường ở trường em đã giảm rất rõ, gần như không còn”. Và ấp úng lý giải là do em… nghe nói ở trường bạn, nghe trên mạng.

Thực tế hai năm qua, tại TPHCM tình trạng HS đánh nhau đã giảm rất rõ nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục với cơ quan an ninh, đẩy mạnh công tác tư vấn học đường…

Các em chia sẻ về những bức xúc, những tiêu cực là cần thiết để lãnh đạo ngành hiểu rõ tâm tư, có những chính sách, hoạt động phù hợp hơn. Đáng tiếc, không ít HS nhìn nhận về giáo dục một cách tiêu cực chưa hẳn do các em trải qua mà đơn thuần chỉ là... nghe nói.

Cũng "hùng hồn" không kém, một nữ sinh ở Q.1 cho rằng chương trình học quá nặng, nếu không học thêm không thể theo kịp bài, thầy cô dạy ở lớp không hiểu, học sinh không còn thời gian để vui chơi…

Nhận xét của em có thể không sai nhưng khi chia sẻ ngoài lề, em HS này lại khẳng định việc học thêm là không cần thiết, bản thân em và rất nhiều bạn khác trong trường không học thêm, tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khoá nhưng vẫn đạt học lực khá, giỏi. Em phàn nàn chương trình nặng vì… nghe nhiều người nói vậy.

Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần chú trọng đến việc định hướng cách suy nghĩ, nhận xét của học trò. Bởi khi đánh giá mọi việc thiếu khách quan, chỉ biết phê phán người khác, nhìn gì cũng thấy tiêu cực là một thiệt thòi lớn với chính bản thân các em.

Khi đó, các em sẽ bi quan, hoang mang, chán nản, thiếu tự tin, động lực để cố gắng và phủ nhận luôn những cố gắng của người khác. Nói xa hơn, đây cũng là một trong những hạn chế của giới trẻ Việt Nam khi giao lưu, hội nhập với thế giới.

HS chúng ta cần được chỉ dẫn cách đánh giá sự việc, con người một cách khách quan, có tính xây dựng. Có như vậy các em mới tìm thấy được niềm vui, động lực để phấn đấu. Như một chuyên gia về giáo dục khẳng định, không ai có thể thành công, hạnh phúc nếu bản thân họ không nhìn thấy những điểm đẹp, điểm sáng của cuộc sống và của những người xung quanh.

Hoài Nam