Thầy giáo Nguyễn Văn Cải:

“Nhớ bác Sáu Khải của học trò nghèo”

(Dân trí) - Sinh ra cùng quê hương Củ Chi, thầy giáo Nguyễn Văn Cải, Phó hiệu trưởng trường THPT Quang Trung (Củ Chi) có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với bác Sáu Khải (cách gọi thân thương dành cho cố Thủ tướng Phan Văn Khải). Ấn tượng với anh chính tình cảm của Bác sáu dành cho học sinh – sinh viên nghèo vượt khó, trong đó có bản thân anh.

Anh Cải chia sẻ rằng các bạn học sinh- sinh viên quê Củ Chi gọi cố Thủ tướng Phan Văn Khải với xưng danh trìu mến “Bác Sáu Thủ tướng của học sinh nghèo”. Sở dĩ như thế vì bác luôn dành sự quan tâm đặc biệt với các bạn trẻ nghèo khó ở đây.

Sau chiến tranh vùng căn cứ cách mạng Củ Chi còn nghèo khó bởi tàn tích của bom đạn chiến tranh khiến hàng ngàn bạn trẻ không thể đến trường và phải trông chờ sự tiếp sức của xã hội. Năm nào cũng vậy, bác Sáu dành cho sinh viên, học sinh vùng quê nghèo khó này những suất học bổng tuy không nhiều nhưng chứa đựng tình cảm sâu nặng, và bác Sáu trực tiếp đến trao tặng, dặn dò.

Gia đình thầy giáo Nguyễn Văn Cải trong lần thăm bác Sáu Khải gần đây nhất (ảnh NVCC)
Gia đình thầy giáo Nguyễn Văn Cải trong lần thăm bác Sáu Khải gần đây nhất (ảnh NVCC)

Cách đây 20 năm, tôi vinh dự nằm trong danh Sách 395 học sinh sinh viên đón nhận học bổng của Quỹ bảo trợ Giáo dục Đào tạo Củ Chi do Thủ tướng Phan Văn Khải trao tặng. Tôi nhớ như in hình ảnh bác Sáu trong chiếc áo sơ mi trắng giản dị, đến với sinh viên – học sinh trong buổi lễ trao học bổng đó.

Với vẻ trang nghiêm mà gần gủi, bác căn dặn các bạn trẻ đến nhận học bổng rằng: “Đất nước ta còn nghèo, đời sống còn nhiều khó khán, muốn thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu và giảm bớt khó khăn thì không còn cách nào là mỗi cháu phải ra sức học tập, làm làm việc. Học giỏi chưa đủ mà phải có lý tưởng, có đạo đức, phải là người con hiếu thảo, người công dân tốt.

Các cháu phải làm sao cho xứng đáng là con em của quê hương Củ Chị, đất thép thành đồng”. Nhớ lời dạy ấy, mỗi bạn nhận học bổng hôm ấy đều nổ lực vượt khó vươn lên. Tôi thì miệt mài trên ghế giảng đường ĐH sư phạm TPHCM.

Sau 4 năm học năm 2002, tôi tốt nghiệp ngành sư phạm ngữ văn, tôi xin về trường THPT Quang Trung công tác, góp phần vào công tác khuyến học khuyến tài. Cùng các thầy cô tiếp tục chăm lo giúp đỡ học sinh sinh viên nghèo vượt khó trên quê hương Củ Chi.

Thầy giáo Cải cũng kể thêm một kỉ niệm mà anh nhớ mãi về bác Sáu Khải. Đó là thời điểm năm 2002, đang là sinh viên năm cuối, anh Cải được dịp ra dự Đại hội tuyên dương cán bộ Đoàn tại Hải Phòng. Sẵn dịp ghé Hà Nội, anh tranh thủ ghé nhà Thủ tướng Phan Văn Khải với ý định tặng bác quyển sách “Năm mươi gương hiếu thảo thời nay” để bác xem cho vui và biết thêm về những nghị lực của nhiều bạn trẻ thời đó.

Lúc ấy, bác Sáu Khải đang bận họp Quốc hội, anh Cải đành gửi cuốn sách cho cô giúp việc ở nhà, kèm theo đó là bức thư tay gửi bác. Trong bức thứ, anh chỉ viết vài dòng ngắn ngủi nhằm báo với bác cháu sắp ra trường và chuẩn bị về công tác phục vụ ngay chính trường THPT Quang Trung.

“Lúc đó mình cũng nghĩ không biết bác có rảnh để đọc sách hay không, nhưng sau đó trong một dịp họp mặt bác Sáu nhắc lại đầy đủ những điều trong quyển sách đã viết, trong đó có nhắc đến tôi. Thật bất ngờ dù bận rộn với công việc nhưng bác vẫn đọc quyển sách ấy và luôn dõi theo từng bước đi của những sinh viên nghèo trong đó có riêng tôi”, thầy Cải xúc động nhắc lại.

Thầy giáo Cải chụp ảnh cùng cố Thủ tướng Phan Văn Khải với hai sinh viên (giữa) mà bác Sáu tặng học bổng cách đây vài năm (ảnh NVCC)
Thầy giáo Cải chụp ảnh cùng cố Thủ tướng Phan Văn Khải với hai sinh viên (giữa) mà bác Sáu tặng học bổng cách đây vài năm (ảnh NVCC)

Theo anh Cải, không chỉ gần gũi, bác Sáu còn là người rất biết “truyền lửa” giúp cho các sinh viên như mình thời ấy. “Trong một lần họp mặt, bác Sáu còn tiết lộ với chúng tôi bản thân bác thời thơ ấu cũng rất nghèo khó, để đến thành công phải trải qua tuổi thơ cơ cực. Có lẽ từ hoàn cảnh ấy mà bác có sự cảm thông, chia sẻ với người nghèo khó. Bác Sáu còn dạy rằng những người thành công lớn hầu hết xuất thân từ nghèo khó, nhưng trước khi làm chức vụ gì, các cháu phải là một con người đúng nghĩa”, thầy giáo Cải kể.

Dù ở cương vị nào, bác Sáu Khải luôn theo dõi từng bước trưởng thành của những thế hệ sinh viên vượt khó như anh Cải. “Ngay sau khi nghỉ hưu về quê sống, biết chúng tôi đang làm công tác khuyến học, bác nhắn rằng: “Cải chọn 2 cháu sinh viên nghèo hiếu học, Bác cấp học bổng cho đến khi ra trường xem như món quà tiếp sức cho công tác khuyến học của Hội khuyến học trường THPT Quang Trung”.

Và thế là, đều đặn 4 năm đại học, mỗi tháng hai sinh viên Bùi Đức Trọng và Nguyễn Thị Hồng Nhung được bác hỗ trợ tiền mỗi tháng. Dù số tiền không lớn nhưng nhờ vậy cả hai đều vượt qua nghịch cảnh, tốt nghiệp ĐH và có việc làm ổn định, thoát nghèo.

“Mỗi lần lễ tết, nếu khỏe bác sáu đều gọi thầy trò chúng tôi đến nhà hỏi thăm chuyện học, việc làm, lì xì… rất gần gũi, ấm áp. Nhưng kể từ nay thì chúng tôi vĩnh viễn sẽ không còn được sự quan tâm đặc biệt từ người bác đáng quý ấy nữa”, thầy giáo Cải bùi ngùi.

Lê Phương

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục