Nhọc nhằn gùi chữ lên đỉnh Măng Rơi

(Dân trí) - “Những ngày đầu vào công tác là những chuỗi ngày nước mắt chảy dài khi màn đêm buông xuống, cái cảm giác nhớ nhà, nhớ người thân lại ùa về…” , cô Hoàn Thị Lý, giáo viên Trường THCS Ngọc Yêu, xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum tâm sự.

Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum là địa phương đặc biệt khó khăn trong tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, xã hội… của tỉnh. Chính vì vậy, việc gieo con chữ của những giáo viên Trường THCS Ngọc Yêu nơi đỉnh đèo Măng Rơi đến với học sinh (HS) đồng bào Xê Đăng là cả một hành trình đầy thách thức của lòng dũng cảm.
Nhọc nhằn gùi chữ lên đỉnh Măng Rơi - 1
Các giáo viên A Phương (áo xanh) vất vả trên con đường vào Ngọc Yêu.

Từ trung tâm hành chính huyện Tu Mơ Rông vào đến Trường THCS Ngọc Yêu chỉ chừng 30 km, nhưng chúng tôi phải “bò” mất gần 3 tiếng đồng hồ, với những con dốc thẳng đứng và đèo uốn lượn quanh co vô cùng nguy hiểm. Không chỉ vậy, vào mùa mưa, vào Ngọc Yêu là một thách thức lớn, bởi 3 năm trước, quãnh đường dài 7km vào xã đã bị mưa lũ vùi lấp hoàn toàn do sạt lở, và cái “án” này nó vẫn lơ lửng khi mùa mưa đến. Chính vì vậy, chúng tôi đã đến Ngọc Yêu - nơi có những thầy, cô giáo ngày ngày gieo chữ cho HS nghèo vì sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Cả Trường THCS Ngọc Yêu có 17 thầy cô giáo và 206 HS người dân tộc Xơ Đăng, tỉ lệ HS khá 18 em chiếm 7,96%; tỉ lệ HS bỏ học 7 em chiếm 3,09%; tỉ lệ HS ở lại lớp 11 em chiếm 4,86%. Trong đó có 14 thầy cô giáo được tăng cường từ nơi khác đến và 4 thầy cô giáo là người địa phương. Thế nhưng, qua thời gian, cuộc sống khó khăn nơi xa xôi hẻo lánh, đã làm cho họ như già đi trước tuổi…

Nhìn cô giáo Hoàng Thị Lý chúng tôi cứ ngỡ cô đã ngoài 30 nhưng hỏi ra mới biết cô năm nay mới 26, cô sinh ra và lớn lên tại huyện Đăk Tô, Kon Tum. Sau khi tốt nghiệp cô tình nguyện vào Ngọc Yêu công tác. Sau mỗi buổi dạy học, nếu không đi về nhà phụ đạo cho các em HS yếu thì cô cũng chẳng biết làm gì ngoài việc soạn giáo án cho ngày mai và lấy chiếc ti vi làm bạn tri kỷ.

Cô Lý cho biết: “Mặc dù đã xác định tư tưởng vào dạy học nơi đây sẽ vô cùng khó khăn, vất vả nhưng những gì thực tế xảy ra ở đây lại vượt xa trí tưởng tượng của mình. Những ngày đầu vào công tác là những chuỗi ngày nước mắt chảy dài khi màn đêm buông xuống, cái cảm giác nhớ nhà, nhớ người thân lại ùa về. Thế nhưng sống và gắn bó cùng các em HS và người dân thì lại cảm thấy được sự chân thành và hiếu học của các em học sinh người Xơ Đăng. Nếu sau này chuyển công tác đến vùng thuận lợi hơn thì kỷ niệm về các em HS nơi đây sẽ mãi mãi được mình gìn giữ và trân trọng”.
 
Nhọc nhằn gùi chữ lên đỉnh Măng Rơi - 2
Thầy giáo trẻ Mai Quốc Phượng trong một giờ lên lớp.

Thầy giáo trẻ Mai Quốc Phượng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quảng Bình đầy nắng và gió, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH SP Đà Nẵng năm 2010, thầy đã tình nguyện vào Ngọc Yêu công tác. Thầy Phượng thành thật chia sẻ: “Thật sự điều kiện dạy học và sinh hoạt trong này quá khổ so với một số vùng khác, cái đó em ấn tượng ngay từ việc nhìn con đường dẫn vào trường. Đang sống cuộc sống phồn hoa nơi đô thị vào trong này thấy nhớ quá cảnh phố thị nên nhiều khi muốn bỏ ra ngoài phố. Sau một thời gian công tác, em nhận thấy tình cảm và tinh thần học tập của các em HS rất hăng say em lại không nghĩ đến việc từ bỏ việc dạy học ở nơi đây nữa. Trong này, dù trời mưa to đến mấy thì các em HS cũng đội mưa đến trường để học bài chứ không bỏ học khi chưa có sự cho phép của nhà trường. Các em HS ham học là động lực để cho chúng em tiếp tục gieo chữ ở vùng đất khó này”.
Nhọc nhằn gùi chữ lên đỉnh Măng Rơi - 3
Học sinh chăm ngoan chính là động lực níu kéo các giáo viên nơi đây.

Với những cán bộ giáo viên trẻ chỉ khổ có chừng đấy, còn với những cán bộ giáo viên đã có gia đình riêng thì lại cả trăm bề khổ, vợ công tác một nơi, chồng công tác một nẻo. Đường xa đi lại khó khăn, đồng lương ít ỏi cộng với thời gian được nghỉ chỉ 2 ngày cuối tuần thì ít khi các thấy cô trở về thăm gia đình vào dịp cuối tuần.

Thầy Linh, dạy môn lý, nhà ở dưới huyện Phước Thành, tỉnh Bình Định đã lập gia đình cách đây gần 4 năm, đã có một cháu nhỏ, nhưng cũng vài tháng mới có thể tranh thủ xin nghỉ phép vài ngày về quê thăm vợ và con được, chỉ có dịp nghỉ hè là may ra được ở bên vợ con nhiều một chút.
 
Theo thầy Võ Văn Cương, phó hiệu trưởng Trường THCS Ngọc Yêu, đối với các thầy cô giáo trẻ mới vào nghề, mà vào công tác tại đây thì cũng đều phải lắc đầu ngao ngán. Nghiệp vụ giảng dạy thì không có gì để lo lắng, nhưng việc sinh hoạt, đi lại, đau yếu và nay lại phải lo thêm chuyện sạt lở mỗi khi có mưa to gió lớn, cũng đã làm cho các thầy cô "rùng mình" ớn lạnh.

Năm 2009, cơn bão đi qua làm sạt tuyến đường duy nhất nối với trung tâm huyện, các thầy cô giáo phải ở trong này cả mấy tháng trời. Sau khi thông đường, một số giáo viên nữ của trường và trường tiểu học phải bỏ công tác vì không chịu được hoàn cảnh khắc nghiệt ở đây. Các thầy cô đi công tác hay về thăm nhà thì đều phải đi theo nhóm, vì sợ trên đường đi sẽ gặp nhiều hiểm nguy, việc cướp đi mấy mạng người vì sạt lở núi ở tại vùng đất này cách đây 3 năm đã làm cho thầy cô không khỏi đề phòng.

Khó khăn là vậy, nhưng vì những học sinh nghèo hiếu học nơi đây, vì sự nghiệp trồng người của nước nhà, các thầy cô giáo ở Trường THCS Ngọc Yêu vẫn không lùi bước trước khó khăn, để gieo những hạt mầm tri thức nơi núi cao rừng thẳm.
 
Thiên Thư