Nhóm ngành Kinh doanh được thí sinh “chuộng”

(Dân trí)- Theo thống kê của TS.Lê Thị Thanh Mai, Phó Trưởng ban ĐH và sau ĐH ĐHQG TPHCM, năm 2011 cả nước có gần 300 ngành học tổ chức tuyển sinh tại 475 cơ sở giáo dục ĐH, CĐ. Trong đó, nhóm ngành Kinh doanh có tỷ lệ thí sinh dự thi cao nhất.

Nhóm ngành Kinh doanh được thí sinh “chuộng” - 1
Năm 2011, nhóm ngành Kinh doanh có tỷ lệ thí sinh dự thi cao nhất.
 
Theo thống kê của TS.Lê Thị Thanh Mai, nhóm ngành Kinh doanh có tỷ lệ thí sinh dự thi cao nhất với 10,98%, sau đó đến các nhóm ngành: Ðào tạo giáo viên (9,31%); Kế toán - kiểm toán (9,00%); Tài chính - ngân hàng - bảo hiểm (8,63%); Xây dựng (4,05%).

Sau nhóm ngành kinh tế đến nhóm ngành Nông nghiệp (4,02%); Y học (3,41%); Chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống (3,18%); Luật (3,03%); Ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài (2,81%); Công nghệ kỹ thuật cơ khí (2,63%); Kinh tế học (2,57%); Công nghệ thông tin (2,54%); Ðiều dưỡng, hộ sinh (2,34%); Khoa học môi trường (2,27%); Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông (2,21%); Sinh học ứng dụng (2,04%); Kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông (1,94%); Dịch vụ y tế (1,84%); Kỹ thuật cơ khí và cơ kỹ thuật (1,03%).

Ngành Quản trị kinh doanh có các chuyên ngành như: quản trị nhân sự, quản trị kinh doanh tổng hợp, quản trị chất lượng, quản trị dịch vụ, quản trị du lịch, quản trị kinh doanh quốc tế, thương mại, quản trị chất lượng, marketing, quản trị truyền thông…

Như vậy, ngành Quản trị kinh doanh là ngành có sức hút nhất trong nhóm ngành Kinh tế, hầu hết các trường ĐH, CĐ trong cả nước đều có ngành học này. Sinh viên tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh có thể làm việc trong hầu hết các doanh nghiệp, tập đoàn thuộc mọi lĩnh vực trong nước và quốc tế, các tổ chức nghiên cứu và quản lý kinh doanh, các tổ chức xã hội và phi chính phủ. Nếu tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh tổng hợp, quản trị dịch vụ, quản trị nhân sự…, SV có thể làm công tác quản lý doanh nghiệp ở các đơn vị sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tài chính, tiền tệ; tổ chức và quản lý các cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, thể thao. Hay như Quản trị truyền thông là chuyên ngành khá mới, đào tạo các kiến thức cơ bản quản trị doanh nghiệp và các kiến thức kỹ năng về quản trị truyền thông trong doanh nghiệp. Chẳng hạn như tổ chức và thực hiện các đợt quảng cáo, khuyến mãi; tổ chức các sự kiện, xử lý thông tin, thiết lập quan hệ với khách hàng...

Một điểm quan trọng là điểm chuẩn của ngành này không cao, phù hợp với năng lực của số đông thí sinh. Năm 2011, điểm chuẩn của các trường chênh lệch khá lớn: các trường tốp trên lấy từ 20 điểm trở lên, trong khi những trường mới đào tạo thì điểm chuẩn chỉ bằng điểm sàn. Cụ thể, với các trường tốp trên, điểm chuẩn ngành Quản trị kinh doanh khá cao, ĐH Ngoại thương năm 2011 cả 2 khối A, D1 vào nhiều chuyên ngành từ 18 - 24 điểm; Trường Kinh tế quốc dân từ 18 - 22,5; Học viện Tài chính, nhóm ngành Quản trị kinh doanh 20 điểm, ĐH Thương mại, nhóm ngành Quản trị kinh doanh 19 điểm.

Những trường tốp giữa, điểm chuẩn ngành Quản trị kinh doanh từ 15 - 16 điểm như trường ĐH Công đoàn, năm 2011, điểm chuẩn ngành này 16,5; trường ĐH Thủy lợi 16 điểm; trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, khối A 15,5 điểm, khối D1 15 điểm…

Các trường ĐH Dân lập ngành Quản trị kinh doanh hầu hết đều lấy bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT.

Hồng Hạnh