Nhộn nhịp mùa... thi lại

Chưa hết kỳ nghĩ hè, đã gặp cậu em họ lang thang trên thành phố. Thấy tôi giật mình, cậu giải thích: “Chưa hết mùa nghỉ hè nhưng đã vào “mùa thi lại”. Không lên sớm mà lo ôn thi thì chỉ có “tăng K” thôi”…

Bảng điểm “tử thần”

 

Tôi phì cười: "Cậu cứ phóng đại. Làm gì có cái gọi là "mùa thi lại". Thấy tôi không tin, cậu em tên Luật, sinh viên ĐH Giao thông vận tải (GTVT) dẫn ngay tới cổng trường. Năm học mới chưa bắt đầu, nhưng từ cổng tới sân nhộn nhịp đầy ắp người. "Toàn sinh viên đi thi lại cả đấy". Để lời nói có tính thuyết phục, Luật kéo tôi tới tận khu vực dán bảng điểm, và tôi bắt buộc phải tin vào cái mùa không có trong niên lịch.

 

- Lớp Cầu - Đường bộ B K39TC. Môn Xác suất thống kê, kết quả thi lần 2 (dành cho những người trượt thi lần 1): chỉ có 5 trong tổng số 33 người là "qua", tức là 15,1% trên 5 điểm. Còn lại 27 sinh viên chiếm 84,9% sẽ đóng tiền, học lại và thi lại.

 

- Lớp Cầu - Đường bộ Thăng Long K39. Thi lại lần 2 môn Vật lý A2, có 4/33 người đạt trên 5 điểm. 29 sinh viên phải tiếp tục học lại, thi lại, chiếm 87,9%.

 

Thấy tôi hoảng hồn vì những con số quá lớn, Luật “bồi” thêm: "Không phải chỉ riêng trường em "vào mùa" đâu. Bên ĐH Bách khoa (BK) cũng "trúng mùa" không kém". Hai chị em lại lóc cóc đến xem bảng điểm dán dưới sảnh nhà D3 BK:

 

- Lớp BK29 K49, điểm thi lại lần 2 môn Giải tích 2, năm học 2004 - 2005. 3/29 người thi lại được 5 điểm. Còn lại 3 điểm 0, 7 điểm 1. Điểm 2, 3, 4 điểm thì vô số. 89,6% sẽ phải học lại, thi lại. Cũng lớp trên, điểm thi lần 2 môn Phương trình vi phân và chuỗi, có tới 18/22 sinh viên không qua, tỷ lệ 81,8%.

 

Chưa hết bàng hoàng, Luật đã rỉ tai: "Nếu chịu khó đi xem điểm ở các khoa thì chẳng hiếm những bảng điểm giật mình. Có năm cả đuổi học, cả "tăng K" (xuống học cùng khóa sau) tới 700 người. Năm nào cũng tròm trèm nghìn ba, nghìn tư sinh viên BK bị xử lý tạm dừng học, thôi học, lưu ban, kỷ luật buộc thôi học".

 

Chao ôi, nghìn ba nghìn tư sinh viên đại học mà cậu nói nhẹ bỗng như nghìn ba nghìn tư Việt Nam đồng mang ra chợ tiêu vậy.

 

Lỗi tại ai?

 

Đông, sinh viên K45 ĐH GTVT cho biết: "Thi đi thì thường qua được nửa lớp, chứ thi lại thì qua ít lắm. Thi lại không qua thì phải đóng tiền, học lại, thi lại lần nữa. Sinh viên GT lưu truyền giai thoại có người thi 8 lần thi vấn đáp không qua môn Cơ kết cấu, đến lần thứ 9 thầy vừa chán vừa thương nên đành cho qua. Còn "dị bản" khác nói kỷ lục thi lại là 16 lần cơ".

 

Hỏi thêm một số sinh viên, tôi được biết không phải tình hình bi đát này chỉ xuất hiện ở một vài môn. Điển hình có những môn có “truyền thống” điểm lẹt đẹt, sinh viên thi đi thi lại nhiều lần không qua.

 

Đành rằng, việc học lại thi lại, phần lớn là do SV lười học. Nhưng nhiều SV lại cho rằng họ chỉ “đóng góp” một phần lỗi nhỏ trong chuyện ấy. Có lẽ đó là do độ vênh của chương trình, cách giảng của giáo viên, trình độ và thái độ học tập của sinh viên? Có lớp thi lại ít, lớp thi lại nhiều, phải chăng có độ vênh trình độ giữa các lớp? Và một điều thắc mắc nữa là tại sao, các nữ SV lại ít phải thi lại hơn các nam SV?

 

Lãng phí lớn?

 

Chưa thể khẳng định ngay nguyên nhân của sự xuất hiện “mùa thi lại”. Song có thể khẳng định ngay tính chất tốn kém của nó. Mỗi sinh viên, lệ phí thi lại là 5.000đ/lượt (ĐH GTVT), học phí học lại từ 20.000 đến 35.000đ/đơn vị học trình (ĐHBK). Môn ít thì 2, 3, môn nhiều thì 5, 6 đơn vị học trình. Thuật ngữ sinh viên gọi khoản tiền này là "tiền ngu".

 

Cậu em tôi cho biết, việc các sinh viên vay nhau vài trăm ngàn tới 1 triệu để đóng "ngu phí" là “chuyện thường ngày ở huyện”. Với lượng sinh viên học lại, thi lại nhiều như thế, một phép nhân đơn giản cũng cho thấy tổng số "tiền ngu" lớn đến giật mình! Và ở những vùng quê xa xôi, ngoài khoản tiền học phí, tiền sinh hoạt hằng tháng gửi cho con, các bậc cha mẹ lại oằn thêm gánh nặng từ những khoản "tiền ngu" ngoài dự kiến!

 

Theo Phương Nguyên

 Thanh niên