Những bài thi Sử “vượt” đáp án

Thực tế hai ngày chấm bài thi môn Lịch sử tại một hội đồng ở Hà Nội cho thấy, có một số thí sinh trình bày rất sáng tạo. Hầu như ở câu hỏi nào cũng có thí sinh có cách trình bày rất tốt, chỉ tiếc là chưa có thí sinh nào làm thật tốt tất cả các câu.

Dưới đây là một số ví dụ.

Ở câu 1 "những thắng lợi của quân Đồng minh trong việc tiêu diệt phát xít Nhật và tác động của của những thắng lợi đó đối với VN năm 1945", có thí sinh viết:

“Từ cuối năm 1943, quân Đồng minh chuyển sang phản công trên các chiến trường. Sau khi Anh vào Miến Điện, Mĩ vào Philippines, Nhật chỉ còn đường bộ duy nhất qua Đông Dương để xuống các căn cứ phía Nam. Vì thế, chúng cần độc chiếm Đông Dương bằng mọi giá.

Để trừ hậu hoạ bị Pháp đánh sau lưng và để giữ Đông Dương làm cầu nối từ Trung Hoa xuống phía nam, ngày 9/3/1945, Nhật nhanh tay đảo chính lật đổ Pháp, độc chiếm Đông Dương. Sau khi đảo chính thành công, Nhật thi hành nhiều biện pháp để củng cố quyền thống trị của chúng (Tác động bậc 1 - TG).

Trước tình hính đó, Đảng Cộng sản Đông Dương phát động cao trào kháng Nhật cứu nước để làm tiến đề tiến lên tổng khởi nghĩa (Tác động bậc 2 - TG).

Sau khi tiêu diệt phát xít Đức (5-1945), tháng 8-1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật, đánh tan đạo quân Quan Đông của Nhật ở Đông Bắc Trung Quốc gồm hơn một triệu tên. Mĩ ném hai quả bom nguyên tử xuống Hirôsima và Nagadaki. Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện (ngày 13-8, Nhật hoàng ra lệnh cho quân đội hạ vũ khí đầu hàng, ngày 14-8 Chính phủ Nhật tuyến bố đầu hàng, ngày 15-8 Nhật ký giấy đầu hàng).

Quân phiệt Nhật Bản bị tiêu diệt làm cho chính quyền Nhật và tay sai ở Đông Dương hoang mang, quân đội Nhật mất hết tinh thần. Kẻ thù trực tiếp của nhân dân ta gục ngã. Vào lúc đó, quân Đồng minh cũng chuẩn bị vào Đông Dương làm nhiệm vụ tước vũ khí của quân đội Nhật.

Tranh thủ thời cơ thuận lợi, với tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh kiên quyết phát động toàn dân nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương”.

Đây là một cách trình bày rõ ràng, không thuộc vẹt, nhưng cũng không cầu kỳ. Đúng, đủ, rõ ràng.

Câu 2, ý 1 "những thuận lợi cơ bản của Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945", có thí sinh trình bày:

“Sau Cách mạng tháng Tám 1945, nước Việt Nam đứng trước những thử thách hiểm nghèo, nhưng cũng có những thuận lợi rất cơ bản:

Một là, về mặt quốc tế, chủ nghĩa xã hội đang trở thành một hệ thống thế giới, phong trào giải phóng dân tộc dâng lên mạnh mẽ ở cả thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Cuộc đấu tranh cho hòa bình, dân chủ và tiến bộ cũng lên cao ngay tại các nước tư bản chủ nghĩa. Về cơ bản và lâu dài, tình hình đó có lợi cho cách mạng Việt Nam.

Hai là, ở trong nước, nhân dân ta vốn có truyền thống yêu nước và truyền thống cách mạng, được hưởng những thành quả của cách mạng mang lại, đã bước từ địa vị nô lệ lên địa vị làm chủ đất nước, nên có quyết tâm đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để bảo vệ chế độ dân chủ cộng hoà. Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, Đảng và nhân dân ta có bộ máy chính quyền nhà nước để làm công cụ xây dựng và bảo vệ đất nước. Sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh là điều kiện quyết định đưa cách mạng tiếp tục tiến lên”.

Chỉ có hai ý thôi, nhưng tổng cũng bằng 4 ý nêu trong đáp án. Đó cũng là một cách trình bày thông minh.

Câu 4a và câu 4b là những câu hỏi mang tính chất thuộc bài, nhưng trước khi trình bày câu 4a, có thí sinh viết: “Cách mạng Việt Nam có quan hệ mật thiết với thế giới bên ngoài và phụ thuộc vào so sánh lực lượng giữa ta và địch. Từ Cách mạng tháng Tám giành chính quyền, đến việc củng cố chính quyền, đối phó với dã tâm của thực dân Pháp, cho tới Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương đều phản ánh mối quan hệ đó”. Khi viết điều này, chắc hẳn thí sinh đã phát hiện được mối liên hệ giữa các câu hỏi trong toàn bộ đề thi. Thật là giỏi.

Một trường hợp khác. Trước khi trình bày câu 4b, cũng có thí sinh cho rằng: “Việc ký kết Hiệp định Pari (27/1/1973) là một thắng lợi chiến lược của cách mạng Việt Nam. Nhân dân ta đã căn bản hoàn thành sự nghiệp đánh cho Mĩ cút. Nhưng cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước vẫn chưa hoàn thành. Sự nghiệp chống Mĩ cứu nước chưa kết thúc. Sự biến chuyển của tình hình mỗi miến Nam, Bắc Việt Nam có tác dụng quyết định đến việc xác định chủ trương và biện pháp hoàn thành sự nghiệp đó”.

Mục đích của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ là lựa chọn một số tú tài vào bậc học cử nhân. Điều đó hoàn toàn được đáp ứng với một đề thi có khả năng phân loại rộng như đề thi môn lịch sử năm 2006. Qua chấm sơ bộ, có dải điểm phân cách từ 0,0 đến 8,5, trong đó có khoảng 15-20% là điểm khá, giỏi.

Không làm được bài vì...

Đáng tiếc là vẫn còn nhiều thí sinh không làm được bài, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân chủ yếu là thí sinh không xác định đúng yêu cầu của đề bài. Hoặc do vội vàng, thiếu sự phân tích đề bài trước khi làm, dẫn đến lạc đề.

Có thí sinh trình bày câu 1 từ cuộc khủng hoảng kinh tế 1929-1933 đến khi chủ nghĩa phát xít xuất hiện; từ khi Chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ (1-9-1939), đến lúc kết thúc (8/1945), trong khi câu hỏi chỉ yêu cầu trình bày những thắng lợi của quân Đồng minh đối với phát xít Nhật.

Câu 2 chỉ yêu cầu trình bày những thuận lợi của Việt Nam sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, có khoảng 30% thí sinh lại sa vào phân tích những khó khăn của đất nước. Câu hỏi chỉ yêu cầu trình bày những nội dung về củng cố chính quyền cách mạng (chính quyền là đối tượng của hành động), thì nhiều thí sinh lại trình bày lạc sang những hoạt động của chính quyền (chính quyền là chủ thể hành động)...

Câu 3 chỉ giới hạn thời gian từ ngày 6/3/1946 đến trước ngày 19/12/1946, nhưng nhiều thí sinh lại trình bày nhiều sự kiện trước ngày 6/3, như phân tích những sách lược nhân nhượng với quân Tưởng Giới Thạch.

Câu 4a hỏi về Hiệp định Giơnevơ, nhưng có thí sinh đi trình bày sang cả Hiệp định Pari (1/1973).

Câu 4b yêu cầu trình bày tình hình mỗi miến Bắc, Nam, thì thí sinh trình bày về tình tình hình thế giới và nước Mĩ, thậm chí có thí sinh đi vào mô tả cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975...

Một nguyên nhân đáng kể khác là sự học vẹt, học gạo. Vấn đề đặt ra ở đây không phải là thuộc các sự kiện lịch sử theo kiểu biên niên, phải nhớ từng ngày tháng thật chi tiết, mà phải hiểu được nội dung các sự kiện và quá trình lịch sử. Bản thân những ngày tháng quan trọng nhất đã được nêu ngay trong đề bài. Song do thiếu sự hiểu biết kiến thức cơ bản, dẫn đến kết quả không tương xứng với công học.

Một nguyên nhân khác, cần có sự nghiên cứu và đánh giá của các chuyên gia: không chỉ với môn lịch sử, mà cả khối C nói chung. Điểm thi trong nhiều năm luôn thấp hơn các khối khác. Phải chăng, một bộ phận không nhỏ thí sinh dự thi ở khối C không có khả năng thi ở các khối khác, nhưng vẫn thi với hy vọng gặp may mắn (?).

PGS.TS Vũ Quang Hiển
(Khoa Lịch sử, trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội)
Vietnamnet

Dòng sự kiện: Chấm thi ĐH 2006