Những bài văn xúc động năm 2014

(Dân trí) - Cảm xúc trong bài văn của các em học sinh đã lay động trái tim thầy cô và nhiều người đọc sau khi được lan truyền trên mạng xã hội.

Bài văn điểm 10 về hiện tượng bạo lực gia đình 

Khi viết về đề văn: “Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về hiện tượng bạo lực gia đình trong xã hội hiện nay”, em Nguyễn Thị Cúc (học sinh lớp 12/11, Trường THPT Nguyễn Trãi, Đà Nẵng) đã đạt điểm tuyệt đối.

Bài văn của em Nguyễn Thị Cúc về hiện tượng bạo lực gia đình
Bài văn của em Nguyễn Thị Cúc về hiện tượng bạo lực gia đình.

Cúc bày tỏ những suy nghĩ và sự xót xa về tình trạng bạo lực gia đình đang diễn ra trong cuộc sống xung quanh mình. Tình cảm chân thật thể hiện sự thấu hiểu, đồng cảm, đồng thời chứa đựng quan niệm sâu sắc về triết lý nhân sinh nên từng bước gây ám ảnh, khơi gợi cảm xúc của người đọc: “Tình yêu trên đời vốn là ích kỉ, nhưng sự độc đoán, cổ hủ lại khiến con người ta trở nên vô cảm, một khi sự ghen tuông nổi dậy thì tình yêu đẹp đó dù được xây dựng trong bao nhiêu năm cũng trôi vào tro bụi. Đấy là tình cảnh chung của bao chị em phụ nữ đang phải gánh chịu”.

Được biết Cúc khá vất vả vì cuộc sống mưu sinh, để tự lo cuộc sống, học hành của mình ở thành phố. Cũng chính vì trải đời, mà giọng văn, cách nhìn nhận của em cũng có sự sâu lắng, trải nghiệm.

Bài viết cảm xúc về người thầy cũ

Với đề bài “Phát biểu cảm nghĩ về một người mà em ngưỡng mộ”, Vũ Phương Thảo (lớp 10A1 chuyên Toán, THPT Định Hóa, Thái Nguyên) đã viết về người thầy giáo cũ của mình. Bài viết được thầy giáo dạy Văn của Thảo chia sẻ trên mạng vào tháng 10/2014, nhanh chóng khiến người đọc rưng rưng xúc động.

Với giọng văn chau chuốt, giàu cảm xúc, hình ảnh của người thầy, cũng như sự kính trọng của Thảo hiện lên rõ nét, đi sâu vào lòng người đọc. Cấu trúc trong bài như cuộn phim quay chậm, đưa mọi người ngược về quá khứ bằng những kỷ niệm đẹp đẽ, thân thương bên người thầy.

Bài văn về người thầy cũ của em Vũ Phương Thảo
Bài văn về người thầy cũ của em Vũ Phương Thảo.

Đây là đoạn văn mô tả xúc động trong bài: “Tôi nhìn rõ cái bóng liêu xiêu, đổ dài trên con đường dài dằng dặc, cùng với cây thước kẻ nửa mét kẹp trong chiếc cặp da sờn cũ, hộp phấn bằng thép chỉ chực rơi ra, cùng mái tóc đã bạc lắm rồi. Bỗng nhiên, tôi thấy nước mắt đang dâng lên, đầy tràn hai khóe mắt”.

Người thầy hiện lên bình dị, hiền hậu, tuy nhỏ bé với chiều cao 1m60, nhưng to lớn, vĩ đại trong mắt cô trò nhỏ về vẻ đẹp tâm hồn, của ánh sáng dịu hiền, ấm áp và luôn tận tụy vì học sinh.

Viết về người bố làm nghề xe ôm

Vào tháng 7/2014, bài văn của em Nguyễn Thị Hậu (THPT Huỳnh Thúc Kháng, Nghệ An) viết về người bố làm nghề xe lai đã khiến bao người xúc động. Người bố không chỉ cực nhọc nuôi gia đình, mà còn phải chịu đựng bệnh tật khổ sở. Tuy nhiên, bằng tất cả tình yêu thương và nghị lực của mình, người bố luôn là chỗ dựa tinh thần cho con mình.

Bài văn về người bố của em Nguyễn Thị Hậu
Bài văn về người bố của em Nguyễn Thị Hậu.

Cảm xúc chân thành trong từng lời văn ấy đã lan tỏa trong trái tim người đọc. Sự khó chịu, thương xót của Hậu khi chứng kiến đau đớn của bố mình khiến không ít người phải rơi nước mắt: “Mỗi ngày bố đứng như vậy thì khi trở về những cơn đau quằn quại lại hành hạ bố. Nhìn khuôn mặt bố nhăn nhó lại, những cơn đau vật vã mà bố phải chịu đựng, tôi chỉ biết òa lên mà khóc.

Nhìn thấy bố như vậy, lòng tôi như quặn đau hơn gấp trăm ngàn lần. Bố ơi, giá như con có thể mang những cơn đau đó vào mình thay cho bố, giá như con có thể giúp bố kiếm tiền thì hay biết mấy? Nếu làm được gì cho bố vào lúc này để bố được vui hơn, con sẽ làm tất cả, bố hãy nói cho con được không?”.

Luật sư Trần Đình Triển đã chia sẻ sau khi đọc bài văn: “Trong hoàn cảnh mà nhiều vụ án con giết, đánh, đối xử tệ bạc, kiện cáo với cha mẹ trở thành tiếng chuông báo động sự suy thoái về đạo đức của xã hội; thì bài văn của em đã lấy máu từ trái tim truyền cảm cho mọi người”.

Bài văn miêu tả mẹ của học sinh lớp 2

Những dòng chữ ngây thơ, non nớt nhưng rất thương yêu mẹ của em Trịnh Thanh Tùng, học sinh lớp 2/10 Trường Tiểu học Bình Hòa, Bình Dương đã khiến cho người đọc phải bùi ngùi xúc động.

Chỉ vài câu mô tả nhưng Tùng đã làm nổi bật đức tính hy sinh và chứa chan tình cảm đối với con mình của người mẹ đáng kính. Tùng đã viết: “…Mẹ em rất yêu thương em. Mẹ không bắt em phải trả lại tình thương mà mẹ đã dành cho em suốt bao năm qua.

Mẹ lo cho em từng miếng ăn giấc ngủ. Mẹ hi sinh tất cả vì em. Mẹ làm rất nhiều thứ mà em không kể hết được. Mẹ mang nặng đẻ đau để mong em được lớn khôn. Mẹ lo cho em đến mức quên cả việc ăn uống. Mẹ rơi những giọt nước mắt vì em. Em sẽ cố học giỏi để không phụ công của mẹ”.

Hoàng Dung