Thanh Hóa:

Những căn lều… nuôi con chữ

(Dân trí) - Những căn lều đơn sơ chỉ vừa để chui ra chui vào, những ngày nắng thì nóng nực, những ngày mưa nước dột tứ tung, nhưng đã chở che cho hàng trăm học sinh từ các bản làng xa xôi của xã Trung Lý, Mường Lát, Thanh Hóa trên hành trình đi tìm con chữ…

Từ những túp lều đơn sơ…
 
Xã Trung Lý là một xã giáp biên của huyện Mường Lát với 16 bản làng, trong đó hầu hết là đồng bào các dân tộc: Thái, Mông và Mường. Cuộc sống của bà con nơi đây còn nhiều khó khăn nên việc học hành của con em họ cũng ít khi được quan tâm.

Hành trình đến với con chữ của các em còn lắm gian nan và vất vả. Để đến được trường chính ở trung tâm xã, phần lớn các em phải băng rừng, lội suối hàng chục km mới đến được trường học.

Con đường từ các bản như Tà Cóm, Cánh Cộng, Cá Ráng và Cò Cài, Pa Búa... ra đến trung tâm xã phải mất 50km, với các em dù có nỗ lực đến mấy cũng không thể hàng ngày đến trường theo học chữ. Hơn thế nữa hàng ngày gia đình các em cơm chưa đủ ăn lấy đâu ra tiền cho con đi học.

Nhưng được các thầy cô giáo thường xuyên động viên, vận động các em đến lớp nên nhiều em đã quyết tâm theo đuổi học hành. Để học chữ không có cách nào khác là các em phải dựng lều ngay cạnh khu vực nhà trường để trọ học.

Ngay từ đầu năm học, các em phải vào rừng chặt nứa, luồng và bứt cỏ tranh về làm lán để ở. Những chiếc lán đơn sơ bắt đầu mọc lên và hành trình đến với con chữ của các em cũng bắt đầu từ đó với không ít những gian nan vất vả.

Những căn lều… nuôi con chữ - 1
Những căn lều này được các em tự dựng lên để trọ học.
 
Những căn lều… nuôi con chữ - 2
Với các em học sinh nơi đây, không có gì bằng việc tự động viên nhau trong cuộc sống và học tập.
 
Theo chân thầy Đoàn Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Trung Lý, chúng tôi đi một vòng dọc theo con đường của bản Táo, một bản trung tâm của xã Trung Lý và chứng kiến hàng chục chiếc lều tạm bợ được dựng lên từ những cây luồng, cây nứa trông rất đơn sơ nằm san sát nhau. Đứng từ ngoài có thể nhìn thấu vào bên trong qua những khe hở.
 
Thầy Sơn chia sẻ: “Điều kiện ăn ở của các em còn nhiều vất vả lắm, hầu hết các em đang tuổi ăn tuổi chơi nhưng đã phải tự lực, tự lo cho bản thân mình, sống xa gia đình nên các em phải tự lập mọi thứ”.
 
Đến ước mơ theo đuổi con chữ

Sau khi học hết tiểu học, để tiếp tục theo đuổi con chữ, hàng trăm học sinh phải rời bản làng ra trung tâm xã dựng lều tranh, vách nứa cách xa nhà hàng chục km để trọ học.
 
Em Xùng A Chai, 15 tuổi, học sinh lớp 9A, Trường THCS Trung Lý cho biết: “Em từ bản Tà Cóm ra đây trọ học. Em học chỉ mong có cái chữ để sau này đi làm công ty kiếm tiền về nuôi gia đình. Ở như thế này thiếu thốn lắm, nhiều hôm hết gạo cứ phải nhịn đói thôi”.

Những căn lều… nuôi con chữ - 3
Xùng A Chai và bạn trong căn lều của mình.
 
 
Thường vào đầu năm học, các em ra trường tự vào rừng chặt luồng, nứa về dựng lều để trọ học. Mỗi căn lều như vậy có 2 - 3 em ở chung với nhau.
 
Chiều đến, nơi đại ngàn heo hút, ngồi trong căn lều của các em học sinh Trường THCS Trung Lý, những ánh nắng cuối chiều vẫn còn gay gắt len lỏi qua những khe hở chiếu thẳng vào mặt. Chiếc giường nằm của các em được làm từ những cây nứa, chỉ kê cao khỏi mặt đất chừng 20cm. Những căn lều như thế này ngày nắng thì nóng nực vì ánh nắng có thể xuyên qua những khe hở và lại không có điện, còn ngày mưa thì nước dột khắp nơi.
 
Với các em, buổi đến trường, buổi vào rừng chặt nứa chẻ thành nan đem bán để kiếm tiền đong gạo ăn và mua sách vở học. Ngoài số tiền hỗ trợ hàng tháng của Nhà nước thì hầu hết các em phải tự lo cho sinh hoạt hàng ngày của mình. Có nhiều hôm hết gạo các em phải nhịn đói.
 
Em Vàng Thị Dợ, học sinh lớp 9A, tâm sự: “Xa nhà nên cứ vài tuần em lại đi bộ băng rừng về thăm nhà, nhiều hôm hết gạo em phải nhịn đói, bố mẹ không có tiền nên em thường đi phát nương thuê để kiếm tiền mua gạo và sách vở để học. Em ước mơ sau này trở thành bác sỹ để về chữa bệnh cho dân bản”.
 
Khó khăn của Dợ cũng là tình trạng khó khăn chung của hầu hết các em học sinh nơi đây khi phải sống tự lập xa gia đình, trong khi đó các em đang tuổi ăn tuổi học.
 
Thầy Đoàn Văn Sơn cho biết: “Toàn trường có 320 học sinh, trong đó có khoảng 250 học sinh phải ở bán trú. Có những bản cách xa trường 50 km, mọi sinh hoạt các em đều phải tự túc hết nên rất khó khăn. Nhà trường cũng tạo điều kiện nhưng không thể lo cho các em hết được. Nhà trường phối hợp với địa phương đảm bảo an ninh trong các khu trọ cho các em. Khổ nhất là về mùa mưa gió, lốc xoáy nhiều lần bay hết cả nóc lều. Năm học 2010 - 2011, nhà trường phấn đấu 65% học sinh ở bán trú được vào ở nhà kiên cố theo chương trình 135 của Chính phủ. Còn lại các em vẫn phải dựng lều trọ học bên ngoài. Hầu hết các em đều có hoàn cảnh rất khó khăn nên thường vào những thời điểm sau hè là giáo viên trong trường phải lặn lội đến nhiều bản để động viên các em trở lại lớp”.
 
Những căn lều… nuôi con chữ - 4
Những căn lều như thế này có thể tốc mái bất cứ lúc nào mỗi khi mưa gió.
 
Chiều xuống, những ánh nắng cuối cùng trong ngày đang tắt dần trên những ngọn núi xa xa, các em từ lớp học trở về với căn lều của mình, những đám khói nhạt nhòa bay lên từ các nóc lều đơn sơ, bữa cơm hàng ngày với các em thật đơn sơ đảm bạc, có hôm chỉ có cơm với thêm ít hạt muối, nếu hôm nào vào rừng hái được ít rau thì có cải thiện hơn.  
 
Sau bữa cơm chiều, ánh đèn dầu lay lắt mờ ảo nổi lên heo hút giữa đại ngàn, các em lại bắt đầu ngồi vào bàn học với bao nỗi lo toan về ngày mai...
 
 
Bài và ảnh: Duy Tuyên