Những “cặp đôi” diệu kỳ của kỳ thi ĐH

(Dân trí) - Nhắc đến cháu ngoại, giọt nước mắt của bà lăn trào trên gò má nhăn nheo. Gương mặt khắc khổ, lam lũ của người phụ nữ 63 tuổi đến từ Tiền Giang đó luôn hiển hiện sự mỏi mệt, chỉ đôi mắt là sáng bừng lên khi cổng trường thi bắt đầu mở ra…

Người phụ nữ ấy là Trần Thị Ba, bà đến TPHCM đã cả 10 ngày nay khi đưa cháu ngoại là Trần Thị Kim Tiền đi thi. Đứng giữa hàng trăm phụ huynh chen chúc ở cổng trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM), bà là vị phụ huynh cao tuổi nhất ở đây.  

Người phụ nữ nhà quê ấy luôn tự nhận mình là đâu có biết gì về chuyện học. Bà quanh năm đầu tắt mặt tối với công việc của nhà nông, cả đời chưa từng một lần được đặt chân đến cổng trường ĐH, lần này đưa cháu gái đi thi mới một lần được biết.  

Bà bảo: “Tôi đưa cháu đi thi hai trường, nhưng cũng không biết cháu thi những trường nào. Có nghe cháu kể về chuyện học, chuyện thi, tôi cũng không hiểu cháu nói gì hết. Chỉ nhìn gương mặt của cháu để động viên, an ủi cho cháu cố đi thi thôi!”.

Con gái, con rể bà đi làm ăn xa đã 5, 6 năm nay, bỏ lại cho bà đứa cháu gái bé bỏng. “Nó ngoan lắm, học hành cặm cụi xong đêm nào cũng ôm bà ngủ. Tôi dốt nát nên chẳng biết chia sẻ với nó chuyện học hành gì. Thấy cháu thèm thi ĐH thì cũng chiều cháu đưa nó xuống thành phố đi thôi chứ tôi cũng đâu có biết ĐH là gì đâu!”.

Trọ thi ở ngã 7, sáng sáng, không có tiền nên hai bà cháu phải dắt nhau cặm cụi đi bộ đến điểm thi. Bà cũng không biết từ chỗ trọ đến chỗ thi xa bao nhiêu, chỉ biết là xa lắm, đi cả tiếng mới tới nơi. Vậy mà trong suốt 3 tiếng đồng hồ của buổi thi môn Văn, bà cũng không hề ngồi, luôn đứng ở cổng trường và hướng đôi mắt đầy những vết chân chim vào sau cánh cổng sắt dõi đợi bóng cháu.  

Hai anh em Nguyễn Xuân Trường và Nguyễn Thị Thu Vân thì đến từ Lâm Đồng. Cậu anh đưa em gái đi thi. Vừa nhìn thấy em từ cổng trường thi bước, hai anh em đã ôm chầm lấy nhau. Khi nhìn đến đề thi Văn, cậu anh reo lên sung sướng: “Trời, đề ra Nam Cao là đúng vào phần tủ của em rồi còn gì!”.

Nguyễn Xuân Trường hiện đang là sinh viên năm thứ hai khoa Toán - Tin của trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM). Cậu vốn là dân “tự nhiên” nên dốt đặc về Văn, ấy vậy nhưng lại rất rõ em gái mình học Văn mạnh ở những điểm nào, chỗ nào tủ, chỗ nào không!

Trường bảo: “Em tuy ghét môn Văn nhưng lại thương em gái của em lắm! Mà mình thương ai thì mình phải quan tâm quên mình về người đó thôi!”. Còn cô em gái cậu thì cho biết: “Chiều nay, em sẽ bước vào dự thi môn Toán bằng “lửa” của anh trai em!”.

Lưu Bá Nguyên, chàng trai có gương mặt rất sáng sủa và thông minh từ Nha Trang đến TPHCM dự thi vào 2 trường ĐH là Học viện Hàng không và Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM. Thi môn Văn, cậu rời khỏi phòng thi trước nửa tiếng và nhấp nhổm đứng ngồi không yên tại cổng trường để đón bạn gái cũng thi vào trường này.  

Hai đứa học cùng lớp với nhau, nơi đất khách, tình cảm bạn bè càng thấy tha thiết hơn. Trước mỗi buổi thi, được nhìn nhau một chút, trò chuyện với nhau một chút là thấy ấm lòng khi bước vào trường thi. Nhưng khi được hỏi đó là người yêu của em sao. Nguyên cười ngượng nghịu: “Không có đâu chị, tụi em chỉ là bạn bè thôi. Đi thi ĐH mà dắt díu chuyện yêu thì trượt mất!”.

Bà mẹ Đặng Thị Hiền (Đắc Lắc) mới thật là bà mẹ vĩ đại. Cũng cả 10 ngày nay, đêm nào cũng như đêm nào, chị ôm cô con gái Phạm Thị Hồng Thuý vào lòng ru ngủ như hồi nó còn bé xíu để nó không bị giật mình và trằn trọc lo lắng vì thi. Hai mẹ con chị trọ tại trường ĐH Thuỷ Lợi, 50.000đ/ngày đêm.  

Phòng chị trọ có cả thảy 8 người gồm 4 thí sinh và 4 phụ huynh của Hà Tĩnh, Tây Ninh, Nghệ An và chị. “Mỗi người mỗi giọng nhưng chúng tôi đều chung một điểm là cứ 10 giờ đêm là ai cũng bảo ai chỉ nói chuyện thì thào cho các cháu còn ngủ. Đứa nào đứa nấy đều ngủ say tít thò lò, chỉ có các phụ huynh là chong chong mắt nhìn nhau, đến ho cũng còn không dám!”- chị Hiền kể.  

Thức đêm ròng rã nhưng chị chẳng có vẻ gì là mỏi mệt. Khi con gái ùa từ phòng thi chạy ra, chị ôm lấy con, gương mặt rạng rỡ và tràn ngập hạnh phúc.

Những khoảnh khắc ở trường thi, những cặp đôi “diệu kỳ” phụ huynh - sĩ tử, càng chứng kiến càng thấy lòng ấm áp và tin yêu biết bao!

Mai Minh