Những câu chuyện xây dựng điển hình đổi mới dạy và học ngoại ngữ

Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 được triển khai từ năm 2011 đến nay, và đã đạt được những thành tựu nhất định. Đặc biệt, việc xây dựng các điển hình đã làm lan tỏa những cách làm hay, mới mẻ, hiệu quả trong việc dạy và học ngoại ngữ.

 

Giao lưu, chia sẻ về xây dựng điển hình đổi mới dạy học.

Giao lưu, chia sẻ về xây dựng điển hình đổi mới dạy học.

Xây dựng cộng đồng học tập ngoại ngữ

Tạo môi trường học tập là yêu cầu của tất cả các môn học, nhất là với bộ môn đặc thù như ngoại ngữ - cần phải có nơi để sử dụng và rèn luyện thường xuyên.

Thầy Nguyễn Tấn Sĩ - Hiệu trưởng trường THCS Tam Kỳ (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) - chia sẻ: Để học sinh có môi trường rèn luyện tiếng Anh, trường đã thành lập các CLB, tập trung 30 – 40 em làm nòng cốt, đến nay đã có 200 tham gia thường xuyên.

Bên cạnh đó, những tiết sinh hoạt dưới cờ cũng được tận dụng để các em tổ chức trò chơi, thuyết trình, lan tỏa không khí học tiếng Anh trong toàn trường.

Nhà trường cũng gắn kết với các trung tâm tiếng Anh để đem tiếng Anh đến nhà trường, đến với chính các thầy cô giáo. Động viên, khuyến khích học sinh tham gia nhiều cuộc thi, để các em có thêm nhiều bài học mới.

Thầy Sĩ cho biết thêm, để học sinh giao tiếp tốt, trường đã tìm mọi cách để các em được giao lưu, nói chuyện với người nước ngoài. Tam Kỳ không phải là địa danh có nhiều khách du lịch quốc tế, nhưng cách đó 40km, Hội An lại có rất nhiều.

Trường đã tổ chức cho học sinh thực tế mỗi tháng 1 lần, yêu cầu các em chụp hình, và có kết nối Internet với những người mà các em gặp gỡ.

Tiếp nối câu chuyện của trường THCS Tam Kỳ, nhiều thầy cô từ các tỉnh cũng chia sẻ những cách làm hay để tạo ra nhiều sân chơi ngoại ngữ cho học sinh.

Cô giáo Đỗ Thị Mai Chi - Chuyên viên tiếng Anh Sở GD&ĐT Ninh Bình - cho biết: Giáo viên cần phải áp dụng nhiều biện pháp linh hoạt trong dạy học tiếng Anh, và đặc biệt khai thác tốt cơ sở vật chất, công nghệ thông tin, nhất là mạng xã hội Facebook…

Hầu hết học sinh hiện nay đều biết đến và sử dụng mạng xã hội, vậy thì hãy biến nó trở thành một công cụ hữu ích để tăng cường giao lưu, chia sẻ.

Nhiều giáo viên dạy tiếng Anh tại các trường THPT phổ thông chuyên cũng thừa nhận: dù là trường chuyên, lớp chuyên, nhiều học sinh vẫn không phát triển đều cả 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết và lúng túng trong giao tiếp tiếng Anh.

Vì thế, những cách học như: học nhóm, tham gia các diễn đàn, fanpage, mạng xã hội, tăng cường giao lưu quốc tế qua online hoặc offline, hoặc face to face, tham gia các cuộc thi hùng biện… sẽ góp phần giúp học sinh tự tin, mạnh dạn hơn.

Còn đối với bậc tiểu học, nhiều giáo viên chia sẻ, độ tuổi các emm chủ yếu mới chỉ làm quen với tiếng Anh, yêu cầu ngữ pháp không cao, nhưng lại là độ tuổi rất thích hợp để dạy nghe – nói. Vì thế, tạo môi trường học tập sinh động bằng tranh ảnh, các câu chuyện, buổi ngoại khóa, các vở kịch tiếng Anh, trò chơi… sớm rèn luyện được

Xã hội hóa để dạy - học tốt hơn 

Để dạy và học tốt ngoại ngữ, yếu tố trang thiết bị dạy học, công nghệ thông tin rất quan trọng. Tuy nhiên, xây dựng nhà trường điển hình, không phải chỉ ở trường có lợi thế và ưu tiên về nguồn lực mà còn có cả trường vùng khó. Bởi thế, các trường cần chủ động đẩy mạnh công tác xã hội hóa tạo nguồn lực cho đổi mới dạy và học.

Xác định rõ nhiệm vụ này, 5 năm qua, Trường THCS Lý Tự Trọng, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã tích cực vận động, tuyên truyền và huy động được 8 tỷ đồng từ nguồn lực xã hội hóa cho bộ môn tiếng Anh.

Trong đó, 5 tỷ đồng về cơ sở vật chất và 3 tỷ đồng hỗ trợ công nghệ thông tin. Hiện nay, các lớp đều cho máy chiếu, và trang bị đầy đủ thiết bị kết nối, âm thanh, mạng Internet cho học sinh toàn trường.

Thầy Trần Như Long - Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương, Biên Hòa (Đồng Nai) - cũng chia sẻ câu chuyện của trường mình: Nhằm hạn chế những yếu kém, rụt rè trong giao tiếp tiếng Anh với người nước ngoài của cả học sinh và một số giáo viên, từ năm học 2013-2014 trường đã mời giáo viên bản ngữ đến dạy, tăng cường giao lưu quốc tế, tận dụng và ứng dụng công nghệ thông tin…

Để thực hiện được kế hoạch đó, cần phải đảm bảo cơ sở vật chất đầy đủ. Nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần, còn về phía nhà trường cũng tích cực xã hội hóa.

Đến nay, tất các các phòng học của trường được trang bị 1 tivi smart, 1 cặp loa để giáo viên sử dụng giảng dạy. Riêng tại phòng học bộ môn tiếng Anh được trang bị thêm hệ thống âm thanh, bàn ghế có thể di chuyển được để thảo luận nhóm…

Hiện nay, các bậc phụ huynh cũng như cả xã hội đang rất quan tâm và đầu tư cho việc dạy và học ngoại ngữ. Tận dụng mọi nguồn lực xã hội hóa là việc hết sức quan trọng để hoàn thiện và đồng bộ cơ sở vật chất, không chỉ có ý nghĩa trong 1, 2 năm học, với một vài thế hệ học sinh mà còn có hiệu quả sử dụng về lâu dài.

“Đeo bám” trong quản lý và dạy học ngoại ngữ

Đó là thuật ngữ được thầy Nguyễn Linh - Hiệu phó trường THPT chuyên Hạ Long (Quảng Ninh) - nhắc đến thường xuyên khi trình bày đề án “Tăng cường kỹ năng giao tiếp tiếng Anh cho học sinh do giáo viên nước ngoài giảng dạy”.

Như tên gọi, nội dung đề án nhằm vào việc đưa giáo viên nước ngoài vào trường học Việt Nam. Đây là việc không hề dễ, đối với cả một ngôi trường THPT chuyên, chưa nói đến các trường học bình thường khác.

Thế nhưng, thầy vẫn kiên trì theo đuổi đề án của mình, tìm sự ủng hộ của Sở GD&ĐT và UBND tỉnh, các ban ngành liên quan. Đến nay, đề án đi vào hoạt động với hơn 90% học sinh tham gia.

Những năm qua, trường THPT chuyên Hạ Long cũng đã tổ chức cho 50% giáo viên tiếng Anh của trường đi bồi dưỡng chuyên môn ở nước ngoài.

Hoạt động của đề án còn mở rộng ra các hoạt động ngoại khóa, giao lưu quốc tế, xây dựng hệ thống website trao đổi thông tin giữa các tổ chuyên môn cũng như giữa giáo viên và học sinh.

Có thể nói, để học tốt ngoại ngữ cần nhiều yếu tố, nhưng một trong những điều quan trọng nhất là sự kiên trì, xác định mục tiêu và không từ bỏ. Và ngay cả đối với việc quản lý, dạy học ngoại ngữ cũng cần điều đó.

Thầy Nguyễn Thanh Tâm - Hiệu trưởng trường THPT Tứ Kỳ (Hải Dương) - cho biết: Thầy vốn tốt nghiệp ĐH SP Ngoại ngữ - ĐHQGHN, ra trường đi dạy, điều thầy luôn trăn trở là câu hỏi tại sao học sinh học tiếng Anh ở VN lại lâu tiến bộ như vậy?

Thầy đã cùng với đội ngũ cán bộ giáo viên trong trường xây dựng những giải pháp cho học sinh, bắt đầu từ việc tạo cộng đồng học ngoại ngữ: tăng cường xã hội hóa, khai tác tốt cơ sở vật chất, công nghệ thông tin, thường xuyên kiểm tra đánh giá dạy học ngoại ngữ… qua đó từng bước tạo nên kết quả tốt đẹp.

Điều kiện kinh tế xã hội của mỗi địa phương khác nhau, theo đó cơ sở vật chất, công nghệ thông tin của các cơ sở giáo dục không thể có sự đồng đều và có những giới hạn nhất định. Nhưng sự sáng tạo, trí tuệ và tâm huyết của thầy – và trò là không giới hạn.

Thực hiện Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, có chiến lược rõ ràng, với lãnh đạo năng động, tầm nhìn rộng, đưa ra kế hoạch cụ thể và đội ngũ cán bộ giáo viên quyết tâm và tâm huyết, thì việc xây dựng điển hình đổi mới dạy học ngoại ngữ sẽ có được thành quả.

Theo Giáo dục & Thời đại