Những con số bị phù phép

(Dân trí) - Không ai phủ nhận những thành tích mà nền giáo dục nước ta đã đạt được, nhưng, khó ai có thể chấp nhận được “hàng rởm” về giáo dục mãi khi 1/4 thế kỷ qua, năm nào cũng như năm nào bị buộc phải chiêm ngưỡng các con số cực đẹp về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học.

Mỗi năm, xã hội bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng chỉ để đánh trượt một số thí sinh không đáng kể và phát đi hàng loạt bằng tốt nghiệp không xứng đáng! Nhân cách thế hệ trẻ sẽ đi về đâu sau mỗi kỳ thi như thế?

 

Từ trăn trở của một “tiến sĩ đọc ngược”...

 

“Năm 1982, lên công tác tại huyện Như Xuân, tôi phát hiện một học sinh lớp 5 trường THCS Xuân Khang (thuộc huyện Như Thanh, Thanh Hoá ngày nay) cầm... ngược sách giáo khoa và đồng nghiệp của tôi đã phong cho tôi là “tiến sĩ đọc ngược” vì tôi là người đầu tiên ở Ty giáo dục Thanh Hoá phát hiện học sinh đã học đến lớp 5 rồi mà vẫn đọc ngược sách giáo khoa!”- Đó chính là một phần nội dung lá thư của ông Bùi Bá Ơng, nguyên là Thanh tra Sở Giáo dục Thanh Hoá, nay là Chủ tịch hội Khuyến học xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương, Thanh Hoá vừa gửi đến toà soạn.

 

Trong thư, ông Ơng còn viết: “Tôi nhớ mãi khi tôi còn làm công tác thanh tra ở Ty giáo dục Thanh Hoá (nay là Sở GD-ĐT Thanh Hoá). Năm đó, thầy Trịnh Hiệt từ trường ĐH Sư phạm Hà Nội về làm trưởng ty. Chúng tôi đề nghị với Thầy Hiệt tổ chức coi thi, chấm thi thật chặt xem thực chất chất lượng bậc THPT ra sao và thầy đã đồng ý vì chất lượng thấp thầy cũng không chịu trách nhiệm do mới về tỉnh nhà công tác (!?)

 

Chấm xong, khi hồi phách, cả tỉnh đậu chính thức 10%. Trường THPT miền núi Ngọc Lặc đậu chính thức chỉ có 1 học sinh! Ty Giáo dục Thanh Hoá đã báo cáo kết quả trên ra Bộ  và Bộ chỉ đạo Thanh Hoá biết... làm ăn chân thật nên được xét riêng tốt nghiệp xuống lấy 16 điểm (4 môn thi) và tỷ lệ tốt nghiệp đã được nâng lên 57%. Do sức ép từ nhiều phía, Ty Giáo dục Thanh Hoá không thể thực hiện được ý định của mình và từ những năm tiếp theo, tỷ tốt nghiệp đều trên 90% thậm chí có trường tốt nghiệp 100%”.

 

Từ 10% lên 57% rồi 90% và 100%; Đương nhiên Thanh Hoá không phải là một điển hình. Theo bà Huỳnh Thị Hường, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam thì : “Trước đây, tôi đã từng chỉ đạo một kỳ thi thực sự nghiêm túc. Năm đó, tỷ lệ đỗ chỉ đạt trên 70%. Việc này đại bộ phận giáo viên rất đồng tình. Nhưng sau đó, do tương quan lực lượng (!?) tôi buộc lòng phải điều chỉnh lại, nới ra để đạt 80-90%”.

 

Và hơn hai mươi năm nay, sự “phù phép” này chưa lúc nào ngừng lại. Đã thế, một lãnh đạo của Vụ THPT Bộ GD-ĐT từng hồn nhiên tuyên bố: Học hết cấp, không cho đỗ thì để làm gì (!?)

 

... đến e.mail của một nhà giáo

 

“Tôi là một nhà giáo đã giảng dạy 30 năm nay và năm nào cũng chấm thi tốt nghiệp THPT. Tôi cảm thấy xấu hổ khi phải cầm bút chấm bài học sinh không theo lương tâm của nhà giáo mà phải theo mệnh lệnh cấp trên. Môn Toán tốt nghiệp THPT giáo viên chúng tôi đã phải chấm đi chấm lại biết bao nhiêu lần để đạt chỉ tiêu trên trung bình mà cấp trên đã ấn định.

 

Khi chấm bài về, gặp học trò hỏi: tại sao em không làm được bài mà vẫn đỗ  vậy? Thấy vô cùng xấu hổ mà không sao lý giải được. Nói thật, coi thi, chấm thi tốt nghiệp THPT còn tồi hơn thi kiểm tra 45 phút học sinh trong lớp. Đây là một tệ nạn trong vấn đề chấm thi mà không ai giải quyết nên để cùng nhau thoả hiệp với cái xấu mà đưa thành tích tỉnh ta lên!

 

Tôi còn nhớ năm 1998, anh Đặng Hoài Dũng- Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo An Giang đã được cấp trên đồng ý cho thể hiện thực chất và An Giang năm đó tỷ lệ tốt nghiệp chỉ dưới 40%. Nhưng sau đó, việc làm của anh Dũng lại cô đơn và không được ai ủng hộ”- tranthilamthuy44@yahoo.com.

 

Ngành giáo dục đã “bắn phát súng” đầu tiên ra sao?

 

Tháng 4/2004, Bộ GD-ĐT đột nhiên kiểm tra một số trường THPT tại Hà Nội và phát hiện ra hầu hết các trường đều “xé rào” quy định của Bộ thể hiện qua việc: Khoá sổ điểm, kết thúc sớm chương trình những môn không thi tốt nghiệp để tập trung vào những môn thi tốt nghiệp trước thời điểm kết thúc năm học đến hàng tháng!

 

Ngày 8/4, Bộ tức tốc ra công văn số 2672/GDTrH chỉ đạo phải có biện pháp xử lý nghiêm đối với lãnh đạo các trường không tổ chức thực hiện đúng quy định về phân phối chương trình các môn học và thời gian theo quy định. Thực hiện công văn này của Bộ, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng tức tốc ra thông báo số 696/TB-SGD-ĐT đòi nghiêm trị các trường THPT, phòng giáo dục các quận, huyện vi phạm.

 

Kết quả của việc này là các trường đều eo xèo không phục vì 31/3 Bộ thông báo môn thi tốt nghiệp, 19/4 kết thúc những môn không thi. Tháng 5 lẽ ra chỉ còn tập trung vào ôn thi tốt nghiệp nhưng lại phải bắt đến 17/5 mới được ôn là không thực tế! Trường nào chẳng muốn tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao nên trường nào chẳng hăng hái kết thúc năm học trước biên chế để tập trung ôn. Bộ có kiểm tra được hết không? Đột nhiên Bộ ra công văn, đột nhiên Bộ kiểm tra có lẽ chỉ muốn thể hiện quyết tâm triệt căn bệnh thành tích cho dư luận khỏi điều tiếng. Nhưng, không thể lấy một vài trường ra làm tốt thí thân!

 

Năm 2004, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp toàn quốc tiếp tục duy trì ở mức trên 90%. Năm 2005 cũng vậy và theo ghi nhận từ phía các trường thì tỷ lệ phần trăm đỗ tốt nghiệp cao và rất cao luôn luôn được công nhận là một nguyện vọng chính đáng. Phát súng này của ngành giáo dục đã “rơi tõm” giữa không gian.

 

Tuy nhiên, những Giám đốc Sở GD-ĐT ngày nay khi được hỏi về tỷ lệ tốt nghiệp của tỉnh nhà thì đều chậm rãi hơn và trả lời thường kèm theo một câu ý nhị: “Thực chất đấy!”.

 

 “Những phép mầu nhiệm”

*Theo một cuộc khảo sát chất lượng của ngành giáo dục tại một tỉnh bất kỳ được thực hiện vào năm 1997, sau khi kiểm tra chuyên môn, điều tra phổ cập, so sánh đầu năm và cuối năm, kết quả :

-Chất lượng thực chất bậc Tiểu học: 40%; bậc THCS đạt 28-30%; Bậc THPT đạt 15-30%. Thậm chí cả khối 12 không có một học sinh nào đạt tiêu chuẩn ở môn Toán.

Tuy nhiên, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở các bậc học vẫn là: Tiểu học- 95-97%; THCS- 93-94%; THPT-90%.

(Theo Viện nghiên cứu phát triển giáo dục)

*Năm học 1993-1994, Lạng Sơn và Sơn La quán triệt tinh thần thực chất thì thi vòng thứ nhất chỉ đạt 33% và 39% và phải tổ chức lại vòng hai vì có sự chỉ đạo từ trên...

(ý kiến của bà Nguyễn Thị Hồng Vy - Đại biểu Quốc hội khoá XI và là giáo viên trường CĐSP Sơn La)

 

 

Mai Minh