Những "cử nhân... sau cai”

Phải gọi chuyện học ĐH của các con nghiện là sự kiện trọng đại vì nghe ra khá lạ và hoàn toàn mới mẻ với những người, mà khoảng thời gian trước đó còn nghiện ma túy nặng, đã từng quên lãng cuộc đời mình trong làn khói trắng.

Nối lại giấc mơ xưa

 

Trong số gần 50 học viên đầu tiên, gồm cả giáo dục viên và học viên Trường 5, đang tất bật chuẩn bị theo học chương trình đào tạo từ xa chuyên ngành cử nhân quản trị kinh doanh do Trường ĐH Mở - Bán công TPHCM phối hợp với Lực lượng TNXP TP tổ chức, tôi chú ý đến Nguyễn Quang Hoàng thuộc Đội 1. Chàng trai trẻ có gương mặt khá thông minh và nụ cười tươi luôn nở trên môi vừa tròn 25 tuổi, nhà ở quận 10 - TPHCM. Cha mẹ Hoàng trước đây đều là cán bộ công tác, giảng dạy ở một trường ĐH trong TP nên rất quan tâm đến việc học tập của con mình. Bản thân Hoàng cũng rất chăm và mê học. Một tương lai rộng mở đang chào đón...

 

Sau khi khai giảng lớp ĐH từ xa ngành quản trị kinh doanh, Trung tâm Giáo dục thường xuyên thuộc Lực lượng TNXP TP sẽ tiếp tục phối hợp với các trường ĐH mở thêm các lớp ĐH ngành xã hội học, quản trị kinh doanh ở các trường khác như trường 1, 5, 6...

 

Những năm học tiểu học, trung học cơ sở, Hoàng từng nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Hoàng bảo, từ khi còn bé, cậu đã mơ ước sau này sẽ theo học ngành kinh tế để trở thành “một nhà kinh doanh nổi tiếng”... Nhưng rồi không ai ngờ, biến cố cuộc đời đến với Hoàng vào những năm cuối trung học phổ thông. Chỉ trong phút yếu lòng, buồn chuyện tình cảm riêng tư rồi nghe theo lời bè bạn rủ rê, xúi giục, cậu đã tự hủy hoại cả cuộc đời, tương lai của mình bằng ma túy. Hoàng lén lút gia đình “đi mây, về gió”. Cho đến một đêm, Hoàng vật vã, quằn quại trong cơn “thiếu thuốc” thì gia đình mới bàng hoàng phát hiện ra sự thật và đưa đi cai nghiện. Những ngày tháng được giáo dục, rèn luyện ở trường 5 đã giúp Hoàng vượt qua tự ti, mặc cảm, tìm lại chính mình. Sau 24 tháng học tập, cai nghiện, Hoàng tình nguyện ở lại trường để được tiếp tục học nghề, rèn luyện trong giai đoạn sau cai.

 

Giấc mơ ĐH ngày nào quay trở lại với cậu. Những giờ nghỉ tay trong các buổi lao động bên các rẫy cà phê trên vùng cao nguyên trập trùng đồi núi, chàng học viên trẻ lại tranh thủ lấy tập, sách từ thời học cấp 3 mà gia đình chuyển lên để tự ôn tập. Bạn bè trêu: “Thằng Hoàng quyết tâm sau này trở thành nhà kinh doanh cỡ bự tụi bây ơi”. Hoàng cười, tự tin đáp: “Tụi mình đã từ cõi chết trở về thì phải biết vươn lên chứ”. Và cơ hội “nối lại giấc mơ xưa” ấy đã đến khi cách đây ít lâu, Ban Giám đốc Trường 5 công bố kế hoạch tuyển sinh ĐH từ xa của Trường ĐH Mở - Bán công TPHCM. Ngay buổi chiều hôm đó, Hoàng là người đầu tiên đến văn phòng nhà trường để hỏi thủ tục đăng ký nhập học...

 

Những ngày đầu tháng 5 này, không khí ở Trường Giáo dục đào tạo và Giải quyết việc làm số 5 (Trường 5) thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) TPHCM trở nên nhộn nhịp, vì một “sự kiện” trọng đại với nhiều học viên của trường: Chuẩn bị bước vào năm đầu tiên của chương trình đào tạo đại học (ĐH).

Học để đổi đời

 

Nguyễn Anh Dũng, học viên của Trung tâm Giáo dục dạy nghề và Giải quyết việc làm Nhị Xuân thuộc Lực lượng TNXP TP, tâm sự: “Phải học chứ anh, có học mới đổi đời được. Trước đây mình ngu dại tự rước họa vào thân. Bây giờ thì cuộc sống mình đã khác, cũng như mọi người, tụi em phải học tiếp thôi...”. Vào thăm phòng nghỉ của Dũng, chúng tôi thấy ngổn ngang các sách ôn thi ĐH và cả giáo trình ĐH mà cậu nói vui rằng đó là những “người bạn đầu ấp, tay gối” của mình.

 

Anh Phan Văn Trạng, Chủ nhiệm cơ sở giáo dục văn hóa, dạy nghề thuộc Trường 5, nhìn nhận: Quan trọng nhất là chính họ đã nhận thức được việc học tiếp là vô cùng cần thiết và đó như là khát vọng đổi đời của mỗi người. Nhiều người tự dành dụm tiền lương lao động sau cai để đóng học phí, mua giáo trình... Ban Giám đốc Trường 5 cũng tạo điều kiện tối đa cho học viên theo học chương trình đào tạo từ xa ĐH sắp tới như sắp xếp giờ giấc lao động, sinh hoạt hợp lý cho học viên có điều kiện ôn bài, ôn thi... Để động viên và “vào cuộc” cùng học viên, nhiều giáo dục viên, CB-CNV Trường 5 cũng tham gia vào lớp học ĐH quản trị kinh doanh sắp tới.

 

Không chỉ có người thân động viên con, em mình mà cả bạn bè cùng đội cũng tự động viên nhau học lên ĐH. Nguyễn Văn Tuấn, đội viên đội lao động tình nguyện của Trường 5, học viên của lớp ĐH quản trị kinh doanh sắp mở, kể mơ ước cháy bỏng của cậu là được học lên ĐH. Tuy vậy, khi nghe có đợt tuyển sinh ĐH tại trường, cậu cũng có phân vân vì ngại... tiền. Gia cảnh khó khăn, tiền lương hằng tháng được lãnh Tuấn đều dành dụm gửi chút đỉnh cho gia đình xem như tấm lòng của đứa con biết hối lỗi. Bây giờ học ĐH, dù là đào tạo từ xa đi chăng nữa thì tiền giáo trình, ôn thi... cũng khá trầy trật với cậu. Biết chuyện, một người bạn gái cũng là học viên sau cai ở đây động viên: “Anh ráng học đi, em dành dụm tiền lương đưa cho anh học. Sau này em học bổ túc hết tốt nghiệp trung học phổ thông xong thì lúc đó anh đã ra trường giúp lại em. Tụi mình phải vượt qua mọi khó khăn để học thôi”...

 

Nguồn chất xám sau cai

 

Thật ra, chuyện tổ chức cho học viên sau cai học tiếp lên ĐH là một dự định đã được lãnh đạo TP, Lực lượng TNXP và Sở LĐ-TB-XH TP cùng các trường, trung tâm ấp ủ từ những năm trước. Năm 2003, kế hoạch này đã được nhiều trường bắt tay xúc tiến. Nhưng khi bước vào thực hiện thì không đơn giản chút nào. Ông Nguyễn Văn Hoa, chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP, đơn vị đi tiên phong và tổ chức thành công lớp ĐH dành cho học viên cai nghiện, nhìn nhận cái khó nhất là trình độ học viên còn hạn chế, tỉ lệ học tốt nghiệp cấp 3 không nhiều. Mặt khác, có một số học viên cũng còn phân vân, chưa dám mạnh dạn đăng ký học vì sợ điều kiện, trình độ không đáp ứng được.

 

“Khó thì có khó nhưng chúng tôi quyết tâm sẽ duy trì và mở thêm nhiều nhiều lớp ĐH từ xa trong thời gian tới cho các em học viên có nhu cầu. Những “cử nhân... sau cai” sẽ là nguồn chất xám rất quan trọng tại các trường, xưởng, nhà máy giải quyết cho người sau cai sau này mà còn góp phần quan trọng xóa đi quá khứ đau buồn trong cuộc đời của chính họ”, ông Lê Khánh Thắng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Lực lượng TNXP TP, bày tỏ.

 

 Theo Nguyễn Bình

Người Lao Động