Những “hạt cát” làm “bụi” giảng đường

Một giáo viên bắt 3 học sinh dàn hàng ngang để cho tất cả học sinh trong lớp lần lượt mỗi người tát một cái. Lý do cô đưa ra là 3 học sinh nói trên đã thiếu lễ độ với cô.

Một thầy giáo ở Thạch Đà, Mê Linh, Hà Nội vì tranh chấp đất đai đã lao vào xô xát ngay với người đã sinh thành ra mình. Rồi cả chuyện "lộn sòng" xưa nay chưa từng có, thầy hiệu trưởng mua trinh tiết của nữ sinh… Những câu chuyện như vậy không phải xảy ra thường xuyên đối với những người đứng trên bục giảng mà chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh" nhưng cũng khiến dư luận đau lòng. Bởi ở cái nghề cao quý, sang trọng như thế, lại có một số người thiếu và mất nhân cách đến vậy. Nguyên nhân của hiện tượng này từ đâu?
 
 
Những “hạt cát” làm “bụi” giảng đường  - 1

Bằng tình thương, sự dìu dắt, cô thầy luôn là người chúng em kính yêu! (Ảnh: Học trò Chu Văn An tặng hoa cho cô giáo nhân ngày 20/11. Ảnh chỉ có tính minh họa)

 

Em Nguyễn Vũ Đức Minh, lớp 12 THPT Việt - Đức

 

Những câu chuyện trên đây đã rất gây "sốc" cho em, đặc biệt là "scandal" thầy hiệu trưởng làm nhục nữ sinh. Đó là vụ án không thể tưởng tượng nổi, gây "động trời". Không chỉ đối với học sinh mà đối với cả những người là thầy, cô giáo, những chuyện như vậy, ít nhiều cũng tự làm họ xấu hổ. Xấu hổ không phải vì mình là người "trong cuộc" mà là trong "cộng đồng" giáo dục của mình lại có những "phần tử" như vậy.

 

Nguyên nhân của một số vụ việc trên theo em bắt đầu chính từ những người đó không ý thức được về nghề cao quý của mình. Và khi không ý thức được thiên chức cao quý của mình, họ đã "thả" mình trong những hành động thiếu nhân cách, phi nhân tính mà thông thường chỉ xuất hiện ở lớp người ít học, thiếu văn hóa…

 

Đối với những thầy cô này (tạm thời gọi như vậy), trước hết phải chịu xử lý của pháp luật, như trường hợp thầy hiệu trường làm nhục nữ sinh. Các trường hợp còn lại, bên cạnh việc phải chịu xử lý của ngành giáo dục còn cần phải học lại và tự tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp nếu tiếp tục đứng trên bục giảng.

 

Nguyễn Văn Định, giáo viên môn toán,  chủ nhiệm lớp 9

 

Thời xưa, có thể lấy mốc là thời kỳ bao cấp, trong đội ngũ làm giáo dục, có thể nói hiếm khi nào xảy ra những chuyện làm ảnh hưởng đến sự cao quý của nghề như trên. Phải nói rằng cực kỳ hiếm nếu như không muốn nói là chưa xảy ra bao giờ. Hồi đó, giáo viên chỉ cần "gõ" vào đầu trẻ, ban giám hiệu biết được là giáo viên đó bị phê bình, thậm chí kỷ luật lập tức.

 

Nhưng ngay cả trong trường hợp ban giám hiệu không biết, cũng ít giáo viên làm vậy. Vì họ ý thức đạo đức nghề nghiệp rõ ràng lắm. Họ giữ gìn thanh danh ở mức tối đa. Còn bây giờ thì khác, dù ở mức độ nào. Điều đó có thể lý giải sự thay đổi trong xã hội, ít nhất là từ cơ chế bao cấp sang thị trường đã khiến cho nhiều người trong đó có cả một số giáo viên đã chuyển từ coi trọng tinh thần sang coi trọng vật chất, sống theo lý (lý lẽ của riêng họ chứ không theo lý chung đã trở thành cơ sở, nền tảng của mọi người) hơn theo tình.

 

Chúng ta cũng thấy sự tác động ghê gớm của xã hội tới con người. Chúng ta đã phát triển nhanh cơ thế thị trường nhưng lại không phát triển song song giáo dục đạo đức, ý thức cho các thành viên của xã hội. Cho nên, với những người có bản lĩnh, ý thức nghề nghiệp ăn sâu vào máu thịt thì không bị tha hóa, biến chất trong cơ chế thị trường. Còn những người không làm được như vậy sẽ nảy sinh những hành động như các trường hợp nêu trên.

 

Theo Nguyễn Xuân Bách

Hà Nội Mới