Những hình phạt lạ lùng

Nội qui của trường lớp là những qui định cần thiết để duy trì và bảo đảm các mặt hoạt động của nhà trường. Tuy nhiên, nếu nhìn qua một số hình phạt mà các trường và giáo viên TPHCM đưa ra cho học sinh, người ta không khỏi giật mình...

Từ chép phạt đến quét rác!

Chép phạt là hình thức khá phổ biến để phạt HS lỗi không thuộc bài. Nhẹ thì vài chục lần, nặng thì vài trăm đến gần cả ngàn lần.

Chị H. có con học ở Trường THPT C. (Hóc Môn, TPHCM) phân trần đầy bức xúc:

“Chuyện học ở trường đã khá căng thẳng, ngoài học chính khóa cháu còn phải học tăng tiết nữa nên hầu như suốt ngày chỉ có học và học, thậm chí không dám xem cả tivi. Hôm trước vì cháu quá mệt, không thuộc bài thế là cô giáo bắt chép phạt 600 lần bài mà cháu chưa thuộc. Tối đó về nó thức gần như trắng đêm để chép!

Chỉ lỡ không thuộc bài một lần mà cháu không còn thời gian để học các môn khác, hôm sau lại không thuộc bài và lại phải chép phạt. Tôi và chị nó thấy tội nghiệp quá nên phụ nó chép phạt cho xong để còn học bài môn khác chứ không thì lại bị chép phạt nữa”.

Trong khi đó, một phụ huynh lại bức xúc về hình phạt do trường đưa ra với con ông. Chỉ vì vi phạm nội qui nhà trường mà con ông, một nữ sinh lớp 11, bị phạt trèo lên mái tôn của nhà xe để... quét rác!

“Có cần thiết phải dùng hình phạt như thế không? Là con gái mà bắt cháu phải leo trèo như vậy vừa nguy hiểm vừa khiến cháu cảm thấy mặc cảm, xấu hổ với bạn bè. Chẳng lẽ nhà trường không còn hình phạt nào hợp lý hơn?”.

Bà T., một cán bộ của Phòng Giáo dục quận 12, cho biết Trường THPT N. có hình phạt rất bất hợp lý. Theo nội qui thì sau khi trống vào lớp 5 phút, HS nào đi trễ sẽ không được vào lớp. Không chỉ không được vào tiết đó mà cả những tiết sau cũng không được học. Nội qui đưa ra nhằm củng cố kỷ luật của nhà trường nhưng cũng cần xem xét từng trường hợp cụ thể.

Năm ngoái, một HS bị tai nạn giao thông nên đến trễ, tay chân bị trầy xước nhưng giám thị vẫn không xem xét mà cứ chiếu theo nội qui đuổi về không cho vào học. “Không cho các em vào học khiến các em lang thang bên ngoài rất nguy hiểm, vì tâm lý các em thường sợ bị ba mẹ la nên không dám về nhà. Các em đi đâu, làm gì trong ngần ấy thời gian?”- bà T. bức xúc nói.

Có những hình phạt không ảnh hưởng tới thể xác nhưng lại gây ức chế tâm lý HS, nhất là những HS THPT. Một học sinh lớp 11 Trường THPT C. ở Hóc Môn nói rằng cô giáo dạy môn địa lý rất hay dùng từ khó nghe để mắng HS mỗi khi không làm được bài.

“Mắt bị lé hay sao mà không nhìn thấy? Sao chỉ số IQ của em thấp quá vậy? Sao em ngu thế?...”. Rồi có thầy giáo dạy toán thì hay quát nạt, đuổi khỏi lớp nếu HS không làm được bài... khiến HS cảm thấy bị “quê”, ức chế mỗi khi tới giờ học.

Đừng để học sinh bị nhụt chí, ức chế

Lâu nay dư luận lên tiếng khá nhiều về các hình phạt phản giáo dục gây ức chế tâm lý cũng như tổn hại đến sức khỏe của HS như bắt bò bằng gối xung quanh lớp, nhét giẻ vào miệng, liếm ghế, đuổi ra khỏi lớp, bắt thụt dầu, chạy vòng sân trường ngoài nắng đến xỉu...

Phạt là hình thức nhằm điều chỉnh hành vi của HS nhưng trong nhiều trường hợp, hình phạt được đưa ra một cách cảm tính nhằm giải tỏa cơn tức giận nhất thời của giáo viên mà không đưa ra một hướng mở để HS khắc phục lỗi của mình.

Bà T. băn khoăn: “Chúng ta là người lớn, là cán bộ công nhân viên nhưng đôi khi cũng đi làm trễ do kẹt xe hay bị hư xe giữa đường... huống chi các em chỉ là HS “ăn chưa no, lo chưa tới”.

Nếu HS đi trễ thì cho các em vào sân trường hay phòng giám thị ngồi chờ, đến tiết sau vào học như thế sẽ tốt hơn bởi suy cho cùng, nhiệm vụ chính của trường học là giáo dục HS. Để tăng tính răn đe thì có thể trừ điểm thi đua hay hạnh kiểm. Vẫn còn nhiều lựa chọn tốt hơn, tại sao cứ phải cứng nhắc như thế!”.

Không đồng tình với hình phạt chép phạt quá nhiều, chị H. đề xuất: với khối lượng bài vở nhiều như vậy, có lúc HS sẽ không hoàn thành hết được. Nếu lỡ không thuộc bài môn nào đó, giáo viên có thể cho các em nợ và đến tiết sau thì tiếp tục trả bài để kiểm tra, như thế vẫn đảm bảo được nội dung bài học.

Việc bắt chép phạt vài trăm lần, vừa tạo áp lực cho các em, vừa mất nhiều thời gian, các em không thể học được các môn khác và liệu HS có thật sự nhớ bài học? Hơn nữa khi chép phạt, kết quả học tập của HS cũng sẽ bị ảnh hưởng do các em không học được môn khác, lại bị chép phạt.

“Bất kỳ một hình thức giáo dục nào cũng có hai mặt là khen thưởng và kỷ luật. Phạt cũng là một hình thức giáo dục cần thiết giúp HS thay đổi, điều chỉnh hành vi cho phù hợp với những qui tắc nhất định. Tuy nhiên hình phạt đưa ra phải phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi và sức khỏe của HS. Hình phạt không xúc phạm đến nhân phẩm của HS.

Chúng ta đưa ra hình phạt nhằm giúp HS ghi nhớ lỗi lầm của mình để từ đó có hướng điều chỉnh, khắc phục chứ không phải để HS bị nhụt chí, ức chế” - TS tâm lý giáo dục Đinh Phương Duy cho biết.

Cách đây không lâu, một HS của Trường THCS Q. (Tân Bình) bị cô giáo dạy toán đánh bầm từ mông tới cẳng chân vì không làm được bài trên lớp.

Trong khi đó cùng một lỗi tương tự, nhưng cách xử lý của cô giáo dạy tiếng Anh cùng trường lại khiến phụ huynh rất nể phục.Khi HS không làm được bài, cô giáo mời phụ huynh lên trao đổi, nhắc nhở và hướng dẫn gia đình cách kèm cặp, phụ đạo thêm.

Hai phương pháp sư phạm khác nhau sẽ đưa đến hai cách cảm nhận và hiệu quả khác nhau từ việc học của HS. Dù là hình phạt nào, suy cho cùng giáo viên cũng muốn HS của mình học tốt hơn.

Tuy nhiên nếu cân nhắc và lựa chọn hình phạt thích hợp với mục tiêu giáo dục và uốn nắn, mong muốn ấy sẽ được phát huy thay vì khiến HS phải sợ sệt đến phẫn uất.

Theo Minh Giảng
Tuổi Trẻ