Những học trò của tôi

Còn sáu ngày nữa là thi tốt nghiệp THPT nhưng “tai họa” đã đổ ập xuống gia đình của em. Một “trường gà” theo báo chí đưa tin là có qui mô lớn, nằm ngay chính trong gia đình và “ông chủ” không ai khác, chính là người cha mà em từng tự hào.

Đã có rất nhiều giáo viên phàn nàn về năng lực học tập, cũng như thái độ bất cần của em suốt ba năm THPT. Cha em cũng đã từng đến trường nhận khuyết điểm không giám sát, dạy dỗ đàng hoàng và rất nhiều lần hứa sẽ cố gắng đưa em vào nền nếp, khuôn khổ.

Sáng nay, nhà trường tổ chức thi thử tốt nghiệp, em cũng ngồi đó nhưng không viết một chữ nào. Thỉnh thoảng lại thở dài. Bạn bè, thầy cô biết tin nhưng vẫn xem như không có chuyện gì xảy ra, song nhìn thái độ, tôi biết em đang trải qua một thời khắc khó khăn. Tôi đã gặp riêng em tâm sự, bảo rằng chuyện người lớn có người lớn giải quyết, em nên tập trung học tập để có được cơ hội tốt hơn cho cuộc sống.

Khi còn là giáo viên nội trú, ăn ở cùng học sinh, tôi đã được gần gũi một đứa học trò, tuổi cũng trạc như em bây giờ, hát rất hay và đàn rất giỏi. Học tập trên lớp rất khá, thầy cô ai cũng khen chăm và ngoan. Đêm đêm sau giờ học tập, nó cùng tôi hay xuống sân trường tâm sự. Nó rất tin tôi, chuyện gì cũng kể, bảo rằng cuộc sống của mình rất sung sướng, ba là một người rất có thế lực ở Vũng Tàu, mẹ là giám đốc một công ty lớn.

Từ nhỏ đến lớn nó không thiếu một thứ gì, ngoài một thứ duy nhất là tình cảm của gia đình. Mới vào lớp 1, gia đình đã gửi vào nội trú cho đến cấp III. Hằng tuần, ba nó đánh xe con lên thăm, thỉnh thoảng chở đi dạo phố, mua sắm rồi cũng về lại trường. Thời gian sống tự lập đã khiến nó trông già hơn hẳn bạn cùng lứa.

Thế rồi cái ngày 23/3/2002 “oan nghiệt” ấy đến với nó cũng bằng tin từ báo chí. Ba nó bị bắt quả tang tại một nhà hàng ở TPHCM khi đang thực hiện hành vi “tống tiền”, với bằng chứng gần 100.000 USD. Nó sụp đổ hoàn toàn, bởi không tin ba mình là người như thế. Cả một thời gian dài, mẹ nó gọi điện mong tôi giúp đỡ và trấn an nó. Tôi đã nói chuyện với nó rất nhiều, tất cả tình cảm của một người thầy, người cha và cả một người bạn. Nó dần hiểu ra và tiếp tục học tập, vẫn đạt thành tích khá.

Giờ nó đang là sinh viên của một trường đại học ở TPHCM, trong khi ba nó đang thụ án tù. Mỗi lần gặp lại, trông nó càng chững chạc và điều quan trọng là trong đôi mắt luôn ánh lên một khát vọng.

Đứng trên bục giảng bao nhiêu năm, trải qua biết bao lứa học sinh mà học sinh đa số rất “cá biệt”, tôi luôn đau đớn khi nhìn thấy những đứa học trò bỏ học giữa chừng với những lý do không thuộc về chúng. Có bao giờ các bậc làm cha, làm mẹ trong cuộc mưu sinh phạm sai lầm, có hiểu được cái giá cuối cùng phải trả chính là sự tổn thương của con trẻ? Mọi hành động tội lỗi của chính họ, có khi nào nghĩ đến những đứa con, tài sản duy nhất cuộc đời này?

Theo Ngọc Lữ
Tuổi Trẻ