Bạn đọc viết:

Những khó khăn của người thầy khi đứng lớp

(Dân trí) - Ngày trước, mỗi khi lên bảng không thuộc bài là học sinh cảm thấy xấu hổ để rồi từ đó cố gắng vươn lên trong học tập. Nhưng bây giờ dường như chuyện đó đã không còn nữa, học sinh đi học không biết sợ và cũng không biết mắc cỡ khi không thuộc bài, bị điểm thấp...

Chính vì lẽ đó mà bây giờ giáo viên mới là người sợ... học trò khi bước vào thi học kì hay tổng kết cuối năm.

Theo qui đinh hiện hành, mỗi môn học đều có qui định về điểm kiểm tra thường xuyên và kiểm tra định kì để sơ kết hay tổng kết cho học sinh, cho môn học của mình. Trong các trường phổ thông thì môn Ngữ văn là môn có nhiều cột điểm nhất, khoảng từ 10-13 cột điểm chưa kể nhân hệ số. Điều đó cũng tạo nên áp lực cho thầy cô giảng dạy. Khi hoàn thành một học kì, bắt buộc học trò phải đủ cột điểm mới tổng kết được. Nhưng, nhiều học sinh không cho đó là sự bắt buộc của thầy, của nhà trường.

Có những em thường xuyên vắng trong các tiết kiểm tra, thậm chí giờ kiểm tra có mặt cũng không chịu làm bài, có những em gọi lên bảng trả bài nhiều lần vẫn không thuộc. Những trường hợp như vậy cho điểm ra sao? Yêu cầu các em vào kiểm tra lại thì không vào, cho điểm 0 thì không đành. Thứ nhất là lương tâm của người thầy, thứ hai là phải giải trình với ban giám hiệu (BGH) và Phòng hay Sở Giáo dục về thanh tra… Và, điều chắc chắn là khi cho điểm 0 là giáo viên tự rước họa vào bản thân mình…

Đã từ lâu, dư luận nói nhiều đến bệnh thành tích trong giáo dục, dư luận đặt nhiều câu hỏi với thầy cô đứng lớp. Nhưng, có lẽ người thầy thời nay dù rất muốn được đánh giá thật chất lượng học tập của học trò, được có một “cái uy” để học trò “sợ” mà họ cũng rất khó bởi rất nhiều ràng buộc mà có rất ít sự lựa chọn.

Thời nay, vị trí của người thầy rất dễ "đụng chạm", hễ nói nặng đến học trò là vi phạm đạo đức nhà giáo. Nhưng có phải lúc nào hàng mấy chục học trò trong lớp đều ngoan và tích cực học tập đâu. Những qui định khắt khe của ngành đã làm cho người thầy gần như không có sự lựa chọn. Nhiều học sinh yếu kém nhưng rất khó cho các em ở lại lớp bởi Thông tư 58 đã qui định rõ cho những trường hợp lưu ban: “Nghỉ quá 45 buổi học trong năm học (nghỉ có phép hoặc không phép, nghỉ liên tục hoặc nghỉ nhiều lần cộng lại); Học lực cả năm loại Kém hoặc học lực và hạnh kiểm cả năm loại yếu; Sau khi đã được kiểm tra lại một số môn học, môn đánh giá bằng điểm có điểm trung bình dưới 5,0 hay môn đánh giá bằng nhận xét bị xếp loại CĐ, để xếp loại lại học lực cả năm nhưng vẫn không đạt loại trung bình; Hạnh kiểm cả năm xếp loại yếu, nhưng không hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện trong kỳ nghỉ hè nên vẫn bị xếp loại yếu về hạnh kiểm”.

Như vậy, nhiều em có học lực yếu nhưng chỉ cần thi lại 1 môn được 5 điểm là các em được lên lớp bình thường. Mà một khi các em thi lại cũng sẽ đồng nghĩa với các em sẽ có điểm trung bình hoặc trên trung bình. Không đạt được trung bình thì BGH cũng "gợi ý" giáo viên bộ môn cho qua. Bởi nếu không qua thì ảnh hưởng tới thành tích của nhà trường. Chính vì những ràng buộc như vậy mà nhiều thầy cô đã chủ động nâng điểm cho học trò trước. Bởi cho các em thiếu điểm thì vừa phải ôn thi lại mà cuối cùng cũng phải cho qua…điểm yếu. Hơn nữa, điều lệ trường trung học phổ thông qui định là học sinh chỉ lưu ban 1 lần/1 cấp học nên dù có học yếu đến bao nhiêu thì các em học sinh cũng không sợ lưu ban đến lần thứ hai!.

Thời nay giáo viên sợ học sinh… không dám nói nặng, không dám cho điểm yếu kém và cho ở lại lớp, BGH thì sợ ảnh hưởng đến thành tích của trường, sợ các em bỏ học thì phải đi vận động hay đẩy sang phổ cập lại càng vất vả, chất lượng thấp hơn các trường khác thì bị phê bình, không được xét thi đua… Cấp trên của BGH thì chỉ biết giao chỉ tiêu và nhìn nhận đánh giá các đơn vị qua báo cáo!.

Có lẽ cũng từ những sự ràng buộc giữa rất nhiều những ràng buộc như vậy mà học sinh dường như ngày càng coi thường thầy cô, coi thường học tập. Tỉ lệ chất lượng giáo dục năm sau bao giờ cũng cao hơn năm trước. Danh hiệu khen thưởng cho học sinh ngày một nhiều... Nhưng, chất lượng thật của một bộ phận học sinh thời nay đã và đang là hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn xã hội.

Nguyễn Cao

 

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn  . Xin trân trọng cảm ơn!