Những lời xin lỗi không bao giờ là đủ!

(Dân trí) - Ngày 1/11, ngành giáo dục ra Nghị quyết về cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Nhưng, ngay sau đó, các vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo vẫn tiếp tục nổ ra như một sự thách đố...

Là các nhà giáo dục, nhưng dường như một số thầy cô giáo không ý thức được việc xúc phạm danh dự, xâm phạm thân thể người học sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành giáo dục và gây ảnh hưởng xấu đến việc giáo dục nhân cách thế hệ trẻ sau này. Thậm chí, những hành vi phản giáo dục có thể do bột phát nhưng vẫn để lại hậu quả tâm lý nặng nề.

 

Những ngày gần đây, Hà Nội xôn xao trước sự việc cô giáo trường Tiểu học Trưng Vương tát cô học trò lớp 3. Sau gần 10 tiếng đồng hồ sự việc xảy ra, năm đầu ngón tay của cô vẫn còn in hằn thâm đỏ trên má cháu bé 8 tuổi.

 

Và tại một loạt các trường học ở Đồng Tháp như: Tiểu học An Hiệp 2, THCS Tân Nhuận Đông (Châu Thành), THCS Hoà Bình (Tam Nông), THCS Lưu Văn Lang (Sa Đéc) liên tục diễn ra trong chỉ khoảng một tháng trở lại đây các vụ hành hung học trò mà những thương tích để lại trên thân thể các em đã là những chứng cứ không thể chối cãi.

 

Thực trạng đạo đức nhà giáo có thực sự đáng báo động không và nhà giáo có oan gì không khi bị lên án?

Trao đổi với Dân trí về vấn đề này, TS Tâm lý học Trịnh Hoà Bình cho rằng: Nhìn vào những vụ việc đó, nhiều người có thể “phán” một câu là vấn đề đã đến mức báo động. Tôi cho là khoan hãy nói những điều đó. Chúng ta không nên có cái nhìn quá bi quan. Đừng coi việc đó là khủng khiếp mặc dù bài toán phải giải của cả xã hội là làm sao để hiện tượng đó phải giảm đi, học đường phải là môi trường mẫu mực.

Cũng theo ông Bình thì thực tế cho thấy sự nhạy bén của giới truyền thông, sự quan tâm của dư luận hiện nay đã khác hơn so với trước kia. Chính vì thế, các vụ việc xâm phạm vào những chuẩn mực đạo đức xã hội, đặc biệt là những giá trị của khu vực giáo dục (môi trường rất mô phạm, rất kiểu mẫu) được phản ảnh nhiều hơn, kịp thời hơn, có sức tạo nên sự phẫn nộ của cả cộng đồng.

“Các người đã phá huỷ trái tim ta!”

Dù rằng, sẽ có một số nhà giáo bị “oan” chỉ vì sự nhạy bén của giới truyền thông nhưng thực tế sẽ không thể phủ nhận được tác hại của những hành vi phản giáo dục mà thầy cô giáo gây ra sẽ tạo nên những thương tổn lớn đến thế nào đối với không chỉ thể xác mà cả tâm hồn của học trò.  

 

Hiện tại, có thể sẽ không ai biết được những em nhỏ bị cô giáo bắt phạt bằng hình thức liếm ghế như ở Hà Tĩnh, bị giật tóc dẫn đến chấn thương sọ não như ở Huế, bị đánh gẫy 2 đốt ngón tay, phải đi bó bột như ở Bình Thuận, bị tát vào đến sang chấn phần mềm má trái phải dùng thuốc kháng sinh, thuốc bổ và thuốc chống phù nề như ở Thái Bình... sẽ có tương lai thế nào.

Hẳn chúng ta vẫn chưa quên thảm kịch diễn ra vào trung tuần tháng 4 năm nay, hơn 100 phát đạn trong cuộc tàn sát đẫm máu ở trường Đại học Kỹ thuật Virginia mà “tác giả” của nó là sinh viên Cho Seung Hui đã làm nước Mỹ và cả nhân loại bàng hoàng.

Trong cuốn băng ghi hình gửi đến đài NBC, Cho đã gào lên: “Các người đã phá hủy trái tim ta, chiếm đoạt tâm hồn và đốt cháy lý trí ta… Các người nghĩ rằng đây là cuộc sống của một đứa trẻ thảm bại mà các người muốn tiêu diệt”.

Có ai chắc chắn được rằng, trong tâm tư và tình cảm của những em nhỏ bị ngược đãi ngay từ những ngày còn niên thiếu ấy và ngay ở trong ngôi trường thân yêu của tuổi thơ mình, sẽ không có không em nào muốn gào lên như Cho Seung Hui rằng: “Các người đã phá huỷ trái tim và tâm hồn ta”?

Vì vậy, cái mà xã hội cần lúc này ở ngành giáo dục là một cơ chế mạnh chứ không chỉ là chuyện “Nói không”. Chẳng hạn, khi đề cập đến chuyện vi phạm đạo đức của các thầy cô, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã từng có “gợi ý”: “Những ai không đủ tư cách thì không nên làm nhà giáo nữa”.

Những lời xin lỗi không bao giờ là đủ để khép lại mỗi câu chuyện phản giáo dục của các thầy cô.

Mai Minh