Những lưu ý khi thi trắc nghiệm

(Dân trí) - Trước gì làm bài thi trắc nghiệm cần lưu ý những gì? Khi làm bài thi trắc nghiệm cần định hướng ra sao?... Đây là những khâu cực kì quan trọng quyết định đến kết quả của bài thi trắc nghiệm.

Nhằm hỗ trợ các bạn thí sinh trong khi làm bài thi trắc nghiệm ở kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ và tốt nghiệp THPT, Dân trí xin gửi đến các bạn thí sinh 40 lưu ý khi thi trắc nghiệm. Đây là những lưu ý do Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Bộ GD-ĐT đưa ra.

25 lưu ý khi làm bài thi trắc nghiệm

1. Thí sinh thi các môn trắc nghiệm tại phòng thi mà thí sinh thi các môn tự luận. Mỗi thí sinh có số báo danh gồm 6 chữ số: 2 chữ số đầu là mã số Hội đồng/ Ban coi thi; 4 chữ số sau là số thứ tự của thí sinh trong danh sách, từ 0001 đến hết.

2. Ngoài những vật dụng được mang vào phòng thi như quy chế quy định, để làm bài trắc nghiệm, thí sinh cần mang bút mực (hoặc bút bi), bút chì đen, gọt bút chì, tẩy vào phòng thi; nên mang theo đồng hồ để theo dõi giờ làm bài.

3. Trong phòng thi, mỗi thí sinh được phát 1 tờ phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN) có chữ ký của 2 giám thị và 1 tờ giấy nháp. Thí sinh giữ cho tờ phiếu TLTN phẳng, không bị rách, bị gập, bị nhàu, mép giấy bị quăn; đây là bài làm của thí sinh, được chấm bằng máy.

4. Thí sinh dùng bút mực hoặc bút bi điền đầy đủ vào các mục để trống (từ số 1 đến số 9: Tỉnh, thành phố hoặc trường đại học, cao đẳng; Hội đồng/ Ban coi thi v.v...); chưa ghi mã đề thi (mục 10). Lưu ý ghi số báo danh với đầy đủ 6 chữ số (kể cả chữ số 0 ở đầu số báo danh, nếu có) vào các ô vuông nhỏ trên đầu các cột của khung số báo danh (mục số 9 trên phiếu TLTN). Sau đó, dùng bút chì, lần lượt theo từng cột tô kín ô có chữ số tương ứng với chữ số ở đầu cột.

5. Khi nhận đề thi, thí sinh phải để đề thi dưới tờ phiếu TNTN; không được xem đề thi khi giám thị chưa cho phép.

6. Khi cả phòng thi đều đã nhận được đề thi, được sự cho phép của giám thị, thí sinh bắt đầu xem đề thi:

a) Phải kiểm tra đề thi đđảm bảo: đề thi có đủ số lượng câu trắc nghiệm như đã ghi trong đề; nội dung đề được in rõ ràng, không thiếu chữ, mất nét; tất cả các trang của đề thi đều ghi cùng một mã đề thi. Nếu có những chi tiết bất thường trong đề thi, hoặc có 2 đề thi trở lên, thí sinh phải báo ngay cho giám thị để xử lý.

b) Ghi tên và số báo danh của mình vào đề thi. Đề thi có mã số riêng, thí sinh xem mã đề thi (in trên đầu đề thi) và dùng bút mực hoặc bút bi ghi ngay 3 chữ số của mã đề thi vào 3 ô vuông nhỏ ở đầu các cột của khung mã đề thi (mục số 10 trên phiếu TLTN); sau đó dùng bút chì lần lượt theo từng cột tô kín ô có chữ số tương ứng với chữ số ở đầu mỗi cột.

7. Trường hợp phát hiện đề thi bị thiếu trang, thí sinh được giám thị cho đổi bằng đề thi dự phòng có mã đề thi tương ứng (hoặc mã đề thi khác với mã đề thi của 2 thí sinh ngồi hai bên).

8. Theo yêu cầu của giám thị, thí sinh tự ghi mã đề thi của mình vào 2 danh sách nộp bài. Lưu ý, lúc này (chưa nộp bài) thí sinh tuyệt đối không ký tên vào danh sách nộp bài.

9. Thời gian làm bài thi là 60 phút đối với bài thi tốt nghiệp THPT và 90 phút đối với bài thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng.

10. Trường hợp khi làm bài, 2 thí sinh ngồi cạnh nhau có cùng mã đề thi, theo yêu cầu của giám thị, thí sinh phải di chuyển chỗ ngồi để đảm bảo 2 thí sinh ngồi cạnh nhau (theo hàng ngang) không có cùng mã đề thi.

11. Chỉ có phiếu TLTN mới được coi là bài làm của thí sinh; bài làm phải có 2 chữ ký của 2 giám thị.

12. Trên phiếu TLTN chỉ được viết một thứ mực không phải là mực đỏ và tô chì đen ở ô trả lời; không được tô bất cứ ô nào trên phiếu TLTN bằng bút mực, bút bi.

13. Khi tô các ô bằng bút chì, phải tô đậm và lấp kín diện tích cả ô; không gạch chéo hoặc chỉ đánh dấu vào ô được chọn; ứng với mỗi câu trắc nghiệm chỉ được tô 1 ô trả lời. Trong trường hợp tô nhầm hoặc muốn thay đổi câu trả lời, thí sinh dùng tẩy tẩy thật sạch chì ở ô cũ, rồi tô kín ô khác mà mình mới lựa chọn.

14. Ngoài 10 mục cần ghi trên phiếu bằng bút mực và các câu trả lời tô chì, thí sinh tuyệt đối không được viết gì thêm hoặc để lại dấu hiệu riêng trên phiếu TLTN. Bài có dấu riêng sẽ bị coi là phạm quy và không được chấm điểm.

15. Khi làm từng câu trắc nghiệm, thí sinh cần đọc kỹ nội dung câu trắc nghiệm, phải đọc hết trọn vẹn mỗi câu trắc nghiệm, cả phần dẫn và bốn lựa chọn A, B, C, D để chọn phương án đúng (A hoặc B, C, D) và dùng bút chì tô kín ô tương ứng với chữ cái A hoặc B, C, D trong phiếu TLTN. Chẳng hạn thí sinh đang làm câu 5, chọn C là phương án đúng thì thí sinh tô đen ô có chữ C trên dòng có số 5 của phiếu TLTN.

16. Làm đến câu trắc nghiệm nào thí sinh dùng bút chì tô ngay ô trả lời trên phiếu TLTN, ứng với câu trắc nghiệm đó. Tránh làm toàn bộ các câu của đề thi trên giấy nháp hoặc trên đề thi rồi mới tô vào phiếu TLTN, vì dễ bị thiếu thời gian.

17. Tránh việc chỉ trả lời trên đề thi hoặc giấy nháp mà quên tô trên phiếu TLTN. Tránh việc tô 2 ô trở lên cho một câu trắc nghiệm vì trong trường hợp này máy sẽ không chấm và câu đó không có điểm.

18. Số thứ tự câu trả lời mà thí sinh làm trên phiếu TLTN phải trùng với số thứ tự câu trắc nghiệm trong đề thi. Tránh trường hợp trả lời câu trắc nghiệm này nhưng tô vào hàng của câu khác trên phiếu TLTN.

19. Không nên dừng lại quá lâu trước một câu trắc nghiệm nào đó; nếu không làm được câu này thí sinh nên tạm thời bỏ qua để làm câu khác; cuối giờ có thể quay trở lại làm câu trắc nghiệm đã bỏ qua, nếu còn thời gian.

20. Thí sinh không ra ngoài trong suốt thời gian làm bài. Trong trường hợp quá cần thiết, phải báo cho giám thị ngoài phòng thi hoặc thành viên của Hội đồng/Ban coi thi biết; không mang đề thi và phiếu TLTN ra ngoài phòng thi.

21. Trước khi hết giờ làm bài 10 phút, được giám thị thông báo, một lần nữa, thí sinh kiểm tra việc ghi Số báo danh và Mã đề thi trên phiếu TLTN.

22. Thí sinh làm xong bài phải ngồi tại chỗ, không nộp bài trắc nghiệm trước khi hết giờ làm bài.

23. Khi hết giờ làm bài thi trắc nghiệm, có lệnh thu bài, thí sinh phải ngừng làm bài, bỏ bút xuống; đặt phiếu TLTN lên trên đề thi; chờ nộp phiếu TLTN theo hướng dẫn của giám thị. Thí sinh không làm được bài vẫn phải nộp phiếu TLTN. Khi nộp phiếu TLTN, thí sinh phải ký tên vào danh sách thí sinh nộp bài.

24. Thí sinh chỉ được rời khỏi chỗ của mình sau khi giám thị đã kiểm đủ số phiếu TLTN của cả phòng thi và cho phép thí sinh ra về.

25. Thí sinh được đề nghị phúc khảo bài thi trắc nghiệm của mình sau khi đã làm các thủ tục theo quy chế.

11 điềuu ý thí sinh khi thi trắc nghiệm

1. Đối với thi trắc nghiệm, đề thi gồm nhiều câu, rải khắp chương trình, không có trọng tâm cho mỗi môn thi, do đó cần phải học toàn bộ nội dung môn học, tránh đoán “tủ”, học “tủ”.

2. Gần sát ngày thi, nên rà soát lại chương trình môn học đã ôn tập; xem kỹ hơn đối với những nội dung khó; nhớ lại những chi tiết cốt lõi. Không nên làm thêm những câu trắc nghiệm mới vì dễ hoang mang nếu gặp những câu trắc nghiệm quá khó.

3. Đừng bao giờ nghĩ đến việc mang “tài liệu trợ giúp” vào phòng thi hoặc trông chờ sự giúp đỡ của thí sinh khác trong phòng thi, vì các thí sinh có đề thi với hình thức hoàn toàn khác nhau.

4. Trước giờ thi, nên “ôn” lại toàn bộ quy trình thi trắc nghiệm để hành động chính xác và nhanh nhất, vì có thể nói, thi trắc nghiệm là một... cuộc chạy “marathon”.

5. Không phải loại bút chì nào cũng thích hợp khi làm bài trắc nghiệm; nên chọn loại bút chì mềm (như 2B...). Không nên gọt đầu bút chì quá nhọn; đầu bút chì nên dẹt, phẳng để nhanh chóng tô đen ô trả lời. Khi tô đen ô đã lựa chọn, cần cầm bút chì thẳng đứng để tô được nhanh. Nên có vài bút chì đã gọt sẵn để dự trữ khi làm bài.

6. Theo đúng hướng dẫn của giám thị, thực hiện tốt và tạo tâm trạng thoải mái trong phần khai báo trên phiếu TLTN. Bằng cách đó, thí sinh có thể củng cố sự tự tin khi làm bài trắc nghiệm.

7. Thời gian là một thử thách khi làm bài trắc nghiệm; thí sinh phải hết sức khẩn trương, tiết kiệm thời gian; phải vận dụng kiến thức, kỹ năng để nhanh chóng quyết định chọn câu trả lời đúng.

8. Nên để phiếu TLTN phía tay cầm bút (thường là bên phải), đề thi trắc nghiệm phía kia (bên trái): tay trái giữ ở vị trí câu trắc nghiệm đang làm, tay phải dò tìm số câu trả lời tương ứng trên phiếu TLTN và tô vào ô trả lời được lựa chọn (tránh tô nhầm sang dòng của câu khác).

9. Nên bắt đầu làm bài từ câu trắc nghiệm số 1; lần lượt “lướt qua” khá nhanh, quyết định làm những câu cảm thấy dễ và chắc chắn, đồng thời đánh dấu trong đề thi những câu chưa làm được; lần lượt thực hiện đến câu trắc nghiệm cuối cùng trong đề. Sau đó quay trở lại “giải quyết” những câu đã tạm thời bỏ qua. Lưu ý, trong khi thực hiện vòng hai cũng cần hết sức khẩn trương; nên làm những câu tương đối dễ hơn, một lần nữa bỏ lại những câu quá khó để giải quyết trong lượt thứ ba, nếu còn thời gian.

10. Khi làm một câu trắc nghiệm, phải đánh giá để loại bỏ ngay những phương án sai và tập trung cân nhắc trong các phương án còn lại phương án nào là đúng.

11. Cố gắng trả lời tất cả các câu trắc nghiệm của đề thi để có cơ hội giành điểm cao nhất; không nên để trống một câu nào (không trả lời).

4 lưu ý đối với đề thi trắc nghiệm

Đề thi trắc nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn.

1.Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, có đề thi trắc nghiệm riêng cho các đối tượng thí sinh học chương trình: THPT phân ban thí điểm; THPT không phân ban; bổ túc THPT.

2. Đề thi trắc nghiệm tuyển sinh đại học, cao đẳng: có phần chung cho tất cả thí sinh và phần riêng cho thí sinh phân ban thí điểm, phần riêng cho thí sinh không phân ban (thí sinh chỉ được làm một trong hai phần riêng của đề thi; nếu thí sinh làm cả hai phần riêng thì bài thi không được chấm điểm).

3. Các câu trắc nghiệm trong đề thi đều có 4 lựa chọn A, B, C, D. Đề thi được in sẵn và có nhiều phiên bản (mỗi phiên bản có một mã đề thi), do máy tính tự động xáo trộn thứ tự câu cũng như thứ tự các phương án A, B, C, D. Số phiên bản đề thi là nội dung được bảo mật đến khi thi xong.

4. Việc đáp ứng các yêu cầu của đề thi, phạm vi kiến thức và yêu cầu về giám sát, bảo mật đối với đề thi trắc nghiệm được thực hiện theo quy định như đối với đề thi tự luận. 

Nguyễn Hùng