Những ngôi làng cử nhân

(Dân trí) - Cứ sau mỗi kỳ thi đại học thì câu chuyện về địa phương này, địa phương kia có con em thi đỗ đông lại râm ran khắp nơi. Thực tế, có những ngôi làng mà hầu như thí sinh nào đi thi cũng đỗ. Không có điều “lạ thường” nào ở những nơi này ngoài phong trào học cực kỳ phát triển.

Cứ thi là đỗ

 

Từ nhiều năm nay, xã Mão Điền huyện Thuận Thành, Bắc Ninh là một trong những địa phương có tỉ lệ thi đỗ đại học cao nhất nước. Giống như nhiều làng quê khác, Mão Điền là một xã thuần nông. Ngoài nông nghiệp, người dân nơi đây chỉ có thêm nghề buôn cá giống. Vậy nhưng năm nào cũng vậy, hết kỳ thi đại học là cả xã lại hồi hộp chờ đợi kết quả tuyển sinh, rồi nô nức kéo nhau ra Hà Nội nhập học. Ở đây, chuyện nhà nào có 3-4 con cùng tốt nghiệp đại học không còn là xa lạ.

 

Trước khi đưa con đi nhập học, các gia đình ở đây thường làm vài mâm cỗ để ăn mừng, mời bà con chòm xóm tới chung vui. Bởi vậy đã thành thông lệ, cứ sắp tới lúc nhập học là cả xã như có đại tiệc. Đâu đâu cũng thấy người ta đi ăn mừng tân sinh viên. Các cô tú cậu tú thì ríu rít lo thủ tục nhập học. Những ông bố mải miết lo chuyện hòm xiểng, tư trang cho con lên Hà Nội. Người nào cũng giương đủ “ăng-ten” xem mình có quen ai trên Thủ đô để nhờ cậy không.

 

Nhà ông Nguyễn Xuân Việt ở xóm 3, đúng giữa chợ Mão Điền có 4 con thì cả 4 đều vào đại học hết thảy. Năm ngoái, cô con gái út Nguyễn Thị Hồng Thắm cũng theo chân các anh vào nốt ĐH Luật. Nhà ông không giàu, cả hai vợ chồng chỉ trông vào cửa hàng tạp phẩm ở chợ. Nhưng vợ chồng ông vẫn lo cho 4 con ăn học đàng hoàng. Cách đây ba năm, ông bán cả 3 thổ đất lo tiền cho con ăn học.

 

Ông Việt cho biết, ở đây từ nhà giàu nứt đố đổ vách tới nhà nghèo rớt mùng tơi đều có mục tiêu số 1 là cho con vào đại học. Bởi vậy chuyện bán nhôm nát sắt vụn lấy tiền cho con ăn học không biết ở đâu hiếm thấy, chứ ở đây là chuyện bình thường.

 

Hay như nhà ông Vũ Đăng Thụ, năm ngoái cậu con trai Vũ Đăng Mạnh vào ĐH Dược, tổng điểm 3 môn là 29 điểm. Các anh của Mạnh người đang học sỹ quan lục quân, người học Y Thái Bình, mỗi người mỗi nghề. Mạnh cho biết, ở Mão Điền, hầu hết học sinh đều theo học khối A vì khối này dễ đỗ, không phải học thuộc lòng nhiều, lại có lắm sự lựa chọn về trường dự thi.

 

Làng cử nhân

 

Những ngôi làng cử nhân - 1

Ngày thường, đường làng Hoằng Lộc rợp bóng dừa và rất vắng vẻ. Nhà cửa khang trang, đường làng bêtông hoá hoàn toàn là nhờ vào công sức của những người ăn học thành tài đóng góp cho quê hương.

Nằm ven quốc lộ I, xã Hoằng Lộc huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá (làng Hoằng Bột cổ) nổi tiếng là mảnh đất có truyền thống học lâu đời. Gọi là “Làng cử nhân” còn hơi khiêm tốn, ngôi làng này phải gọi là “Làng tiến sỹ”.

 

Xã có hơn 5.000 dân, nhưng có tới gần 600 người tốt nghiệp ĐH. Trong số đó có 9 GS và PGS, 16 TS, 21 sỹ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân, rất nhiều người là nhà khoa học, kỹ sư, cán bộ quản lý và lãnh đạo các cấp…

 

Hàng năm, học sinh trong xã hầu như cứ em nào đi thi đại học thì em đó có giấy báo trúng tuyển. Một cán bộ xã cho biết: “Mỗi năm chỉ có từ 2-3 cháu đi bộ đội. Số còn lại chúng nó đi học hết”. Ông Chủ tịch hội Khuyến học xã thì khoe rằng, xã có tới 72 dòng họ, trong đó có 65 nhà thờ tổ. Nhà nào cũng có cả một bề dày truyền thống lịch sử về học hành.

 

Ngày thường, làng khá vắng vẻ yên bình, vì thanh niên ra Hà Nội đi học hoặc công tác hết. Chỉ có những dịp nghỉ hè hoặc Tết thì không khí trở nên nhộn nhịp hơn, đường làng rợp bóng dừa rộn rã tiếng cười nói.

 

Ngôi làng cũng giống như nhiều làng thuần nông khác, không có một nghề nào khác ngoài nghề nông, dân sinh còn rất khó khăn. Mặc dầu vậy, những nông dân ở đây hằng ngày vẫn nai lưng làm lụng để nuôi 2-3 con theo học đại học ở Hà Nội. Những người muốn thoát ly cảnh con trâu cái cày thì chỉ có cách duy nhất là học. Ở đây, cả người trẻ lẫn người già đều nhận thức được điều ấy.

 

Và thế là hằng năm, ở đình làng, vào ngày 2/9 Hội khuyến học xã tổ chức phát phần thưởng, gặp mặt chúc mừng, trao quà cho các cháu thi đỗ đại học. Năm nào ngày đó cũng như mở hội, đông vui vô cùng. 

Bảo Trung